Lý giải  “bài toán” về sức hấp dẫn của các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc dẫn Đoàn công tác của Cuba tham quan KCN Thăng Long Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc

PV: Xin ông cho biết, những yếu tố quan trọng nào giúp các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang tạo được sức hút lớn đối với các nhà đầu tư?

Phó Trưởng ban Nguyễn Công Thắng: Phát huy lợi thế gần kề thủ đô Hà Nội, những năm qua Vĩnh Phúc đã khai thác tốt thế mạnh về vị trí địa lý, cũng như những điều kiện thuận lợi về đất đai cho phát triển công nghiệp. Bên cạnh đó, với chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, cởi mở "Trải thảm đỏ đón nhà đầu tư” của tỉnh Vĩnh Phúc, cùng với cơ sở hạ tầng các KCN trên địa bàn Tỉnh được tăng cường đầu tư đã tạo được lợi thế cạnh tranh so với các KCN ở các tỉnh, thành lân cận, do đó thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư ở trong và ngoài nước đầu tư vào Vĩnh Phúc.

Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc (Ban Quản lý) được UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý nhà nước và thu hút đầu tư, phát triển các KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn Tỉnh. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, Ban Quản lý đã phát huy cao tinh thần trách nhiệm, năng động sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành; đồng thời thực hiện tốt công tác tham mưu cho UBND Tỉnh đề ra các quyết sách quan trọng cho sự phát triển của hệ thống các KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn; đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch KCN để tạo sự đồng bộ, hướng đến phát triển bền vững ngay từ những ngày đầu thành lập KCN. Mặt khác, Ban luôn nỗ lực đồng hành cùng các nhà đầu tư và các doanh nghiệp trong các KCN của Tỉnh.

Để hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư, công tác quản lý nhà nước sau cấp Giấy chứng nhận đầu tư luôn được quan tâm và coi trọng. Ban Quản lý thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các dự án sau cấp phép, tiến độ triển khai dự án, việc chấp hành pháp luật về đầu tư, xây dựng, môi trường và lao động... Trong quá trình cấp và theo dõi hoạt động của các dự án, Ban đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để hỗ trợ tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư và doanh nghiệp; duy trì chế độ cung cấp các thông tin liên quan giữa các ngành bằng nhiều hình thức (qua văn bản, trao đổi trực tiếp, điện thoại, email...). Do đó, các dự án đầu tư vào các KCN được triển khai theo đúng tiến độ đăng ký. Nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có hiệu quả đã tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất...

Với những giải pháp đồng bộ và hiệu quả trên, Vĩnh Phúc đã và đang thu hút được nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn của các tập đoàn đa quốc gia, có thương hiệu lớn trên thế giới.

Lý giải  “bài toán” về sức hấp dẫn của các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc và nhà đầu tư hạ tầng chuẩn bị thực hiện nghi lễ bấm nút khởi công KCN Sông Lô II

Từ kinh nghiệm thực tiễn phát triển các KCN của Tỉnh, để có được thành công trên trước hết là sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã luôn quan tâm ủng hộ và chủ động, quyết liệt trong điều hành sự nghiệp phát triển các KCN của Tỉnh, tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư vào chính sách và sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Cùng với đó là sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân trong vùng dự án có KCN.

Mặt khác, vì mục tiêu thu hút đầu tư và phát triển bền vững các KCN, thời gian qua, Vĩnh Phúc đã xây dựng được quy hoạch KCN ổn định, hiện đại và bền vững, mang tầm nhìn quốc tế, quốc gia; gắn với quy hoạch định hướng không gian kiến trúc cảnh quan và không gian kinh tế, đáp ứng cho sự phát triển hài hòa, năng động, bền vững trên cả ba mặt: kinh tế, môi trường và xã hội, đồng thời có khả năng kết nối, giao lưu và hội nhập với môi trường kinh tế quốc tế và khu vực; quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng KCN đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư; tiếp tục phát huy và đổi mới phương thức vận động, xúc tiến đầu tư theo hướng phân loại rõ ràng các dòng FDI có lợi thế để thu hút đầu tư vào Tỉnh; thu hút đầu tư có chọn lọc: tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường nhằm phát triển bền vững...; thường xuyên tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án đã đầu tư và coi đó là một kênh vận động thu hút đầu tư hiệu quả nhất... Đồng thời, tăng cường đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ cho nhà đầu tư và doanh nghiệp; công khai các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để nhà đầu tư tiếp cận một cách thuận lợi.

Lý giải  “bài toán” về sức hấp dẫn của các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Ông Matthew Justin Kantrud, Tổng giám đốc Tập đoàn Polaris phát biểu tại Lễ khởi công nhà máy Polaris Việt Nam tại KCN Bá Thiện II, tỉnh Vĩnh Phúc

PV: Ông có thể cho biết tình hình phát triển KCN tại tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay?

Phó Trưởng ban Nguyễn Công Thắng: Với các kết quả được minh chứng bằng hiện thực đã khẳng định phát triển các KCN, cụm công nghiệp tại tỉnh Vĩnh Phúc là một chủ trương đúng đắn của chính quyền Tỉnh. Vĩnh Phúc đã và đang phát triển các KCN theo hướng nhanh, mạnh và bền vững.

Hiện trên địa bàn Tỉnh có 19 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển, với tổng diện tích hơn 5.485 ha. Trong đó, có 16 KCN được cấp Quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 17.536,39 tỷ đồng và 246,82 triệu USD (riêng KCN Phúc Yên với vốn đầu tư được duyệt 1.988,34 tỷ đồng chưa có chủ đầu tư, nên chưa đưa dự án vào theo dõi tại phần thu hút đầu tư dự án trong nước). Tổng diện tích đất quy hoạch là 3.156,96 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp theo quy hoạch là 2.313,52 ha; diện tích đất đã bồi thường, giải phóng mặt bằng và có thể cho thuê là 1.901,37 ha; tổng diện tích đất đã cho thuê/đăng ký thuê là 1.293,13 ha.

Hiện tại, tỉnh Vĩnh Phúc có 9 KCN đã đi vào hoạt động. Hầu hết các KCN có cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và hiện đại, đáp ứng cơ bản nhu cầu của nhà đầu tư ở trong và ngoài nước. Trong số các KCN trên, có một số KCN đã cho thuê hết 100% đất công nghiệp, các KCN còn lại đang triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư.

Lý giải  “bài toán” về sức hấp dẫn của các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc chúc mừng nhà đầu tư hạ tầng sau khi kết thúc Lễ Khởi công KCN Tam Dương

PV: Theo ông, để tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển các KCN trên địa bàn Tỉnh, Vĩnh Phúc cần chú trọng những nhiệm vụ và giải pháp nào trong thời gian tới?

Phó Trưởng ban Nguyễn Công Thắng: Sự nghiệp phát triển các KCN rất cần sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc và sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị Tỉnh. Do vậy, để tiếp tục đẩy mạnh phát triển các KCN trên địa bàn Tỉnh, Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc mong muốn lãnh đạo Tỉnh cần chỉ đạo các ban, ngành chức năng trong Tỉnh đẩy mạnh triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:

Về phát triển các KCN: Đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các KCN; đẩy mạnh công tác phát triển nhà ở công nhân tại địa bàn có các KCN; đề xuất điều chỉnh các quy định phân cấp quản lý chất lượng công trình, cấp phép xây dựng, quản lý quy hoạch kiến trúc trên địa bàn Tỉnh cho Ban Quản lý các KCN, để quản lý toàn diện các hoạt động xây dựng trong KCN.

Lý giải  “bài toán” về sức hấp dẫn của các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Nhà máy trong KCN Bá Thiện II, tỉnh Vĩnh Phúc

Công tác xúc tiến và thu hút đầu tư: Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thu hút vốn FDI. Chú trọng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ và thông qua các nhà đầu tư đã thành công tại Tỉnh để giới thiệu đến các nhà đầu tư khác. Chủ động xây dựng tài liệu phục vụ xúc tiến đầu tư riêng trong các KCN (Slide hình ảnh, phóng sự, tờ rơi…) dịch ra nhiều thứ tiếng: Anh, Nhật, Hàn, Trung Quốc…

Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư về công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch thân thiện môi trường, công nghệ năng lượng mới, dự án dịch vụ KCN; không tiếp nhận, cấp phép cho những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sinh thái; ưu tiên thu hút đầu tư, tăng tỷ lệ lấp đầy tại các KCN: Bá Thiện II; Bình Xuyên II; Thăng Long Vĩnh Phúc; Bá Thiện – Phân khu 1.

Hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ các dự án đã cấp phép đầu tư trong KCN, tạo môi trường đầu tư hiệu quả, thúc đẩy khả năng thu hút đầu tư mới; đồng hành cùng nhà đầu tư và doanh nghiệp (tổ chức các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, công nhân; chủ động tổ chức các đoàn khảo sát trực tiếp tại doanh nghiệp; duy trì gặp gỡ hằng tuần giữa lãnh đạo UBND Tỉnh và doanh nghiệp...).

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về KCN: Quản lý chặt chẽ công tác quản lý các dự án sau cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (đặc biệt lưu ý các dự án thuộc các nhóm: có quy mô lớn; chiếm diện tích đất lớn; dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường; dự án tiêu tốn năng lượng; các dự án nhạy cảm khác..); quản lý chặt chẽ lao động làm việc tại các doanh nghiệp KCN (đặc biệt là lao động nước ngoài), đi đôi với phát triển tổ chức công đoàn cơ sở và phát huy hiệu quả hoạt động công đoàn để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp và người lao động; giảm thiểu đình công, lãn công nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư của Tỉnh; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng khu nhà ở và các thiết chế văn hóa cho công nhân tại các KCN để bảo đảm điều kiện sinh hoạt cho người lao động.

Lý giải  “bài toán” về sức hấp dẫn của các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Tiếp nhận hồ sơ và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Vĩnh Phúc

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính để giảm các thủ tục phiền hà, gây khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Triển khai thực hiện có hiệu quả một số giải pháp cơ bản cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Vĩnh Phúc với mục tiêu là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đầu tư kinh doanh, giảm tối đa chi phí khởi nghiệp, giảm chi phí đầu vào, khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp./.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Ông!

Lý giải  “bài toán” về sức hấp dẫn của các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Công nhân doanh nghiệp FDI hoạt động trong KCN tỉnh Vĩnh Phúc