Minh bạch thông tin sản phẩm, tìm lại niềm tin của người tiêu dùng
Vòng xoáy thực phẩm “bẩn”
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công tác quản lý an toàn thực phẩm đã được Bộ tăng cường thanh tra, kiểm tra, tuy nhiên, tình trạng thực phẩm bẩn vẫn đang diễn ra nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Trong năm 2015, Đoàn thanh tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra tại 500.000 cơ sở trên toàn quốc, hoạt động xử phạt hành chính trên 30 tỷ đồng. Trong 3 tháng đầu năm 2016, con số cơ sở được thanh, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm khoảng 200.000 cơ sở, với số tiền xử phạt 19 tỷ đồng.
Cũng theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, số lượng các cơ sở được chứng nhận đạt GAP vẫn còn quá ít. Năm 2015 cả nước có 29.500 trang trại, trong số đó, 8.800 trang trại trồng trọt, 10.974 trang trại chăn nuôi, 430 trang trại lâm nghiệp, 5.268 trang trại thủy sản và 4.028 trang trại tổng hợp và khoảng 741 công ty chế biến thực phẩm. Song, số lượng các cơ đạt GAP chỉ có khoảng 1.585 cơ sở trồng trọt, 26 cơ sở chăn nuôi, 34 cơ sở thủy sản và 554 công ty thủy sản được Cục chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (NAFIQAD-Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.
Với nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng cùng với sự gia tăng dân số đã làm nguồn cung cấp thực phẩm cũng gia tăng mạnh, tiềm ẩn những nguy cơ về mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay, ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng như khá nhiều tỉnh, thành khác xuất hiện nhiều cửa hàng kinh doanh nông sản, gia cầm, thủy sản treo biển sản phẩm sạch, an toàn. Song, người tiêu dùng vẫn hoang mang về các nhãn hàng này, khi có không ít thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc đối phó trong thực hiện, cũng như việc cấp chứng nhận GAP.
Theo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, có hiện tượng rau củ quả “bẩn” được đưa vào các siêu thị, trung tâm thương mại lớn, cửa hàng… và gắn mác là an toàn. Trong năm 2015, Chi cục đã tịch thu, tiêu hủy gần 12 tấn thủy hải sản đông lạnh, gần 20 tấn thịt bò, thịt lợn, thịt trâu... Trong số đó, có những lô hàng được bán ở những cửa hàng uy tín, gắn mác thực phẩm sạch nhằm đánh lừa khách hàng.
Cùng với đó, nhiều nông dân sản xuất các sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng nhưng thông tin về sản phẩm đến với người tiêu dùng còn ít, dẫn đến sản phẩm chậm đến tay người tiêu dùng. Việc sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap vất vả, tốn kém hơn so với rau thường, vậy nên giá thường đắt hơn 30% so với chợ dân sinh, đắt gấp đôi so với rau ở chợ. Nhưng khi đem ra chợ bán thì rất ít người mua, vì đắt và băn khoăn không biết rau có thực sự an toàn không. Do vậy doanh nghiệp hiện cũng “nản” không mặn mà với sản xuất các sản phẩm sạch theo quy trình, vì chi phí lớn mà chưa tạo được lòng tin trong nhân dân.
Hơn nữa, hiện nay có các doanh nghiệp, nhà sản xuất thực phẩm sạch, nhưng hoạt động còn đơn lẻ, nhỏ bé không có sự liên kết, chưa chủ động được kênh phân phối riêng… nên thường bị thương nhân, thương lái ép giá.
Phải có thông tin sản phẩm rõ ràng mới lấy lại niềm tin của người tiêu dùng
Lấy lại niềm tin thế nào?
Để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng vào thực phẩm sản xuất trong nước, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, trước hết chính những người trồng trọt, chăn nuôi phải thay đổi thói quen sản xuất manh mún, sử dụng nhiều phân bón, thuốc trừ sâu, chất bảo quản… Người nông dân và doanh nghiệp cần liên kết với nhau để xây dựng thương hiệu thực phẩm an toàn và phát triển thị trường tiêu thụ. Doanh nghiệp và người sản xuất phải minh bạch thông tin về nguyên liệu, nguồn gốc, quy trình sản xuất, bảo quản, chế biến và đến tay người tiêu dùng.
Theo ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương các doanh nghiệp cần phải liên kết để hình thành kênh phân phối. Các nhà sản xuất có thể hình thành kênh phân phối của riêng mình nhưng chi phí sẽ cao, mất thời gian xây dựng thương hiệu... Vì vậy, cần có sự kết nối giữa nhà sản xuất và nhà phân phối để giúp hoạt động kinh doanh sản phẩm an toàn có hiệu quả.
Bộ Công Thương đã xây dựng mô hình chuỗi cửa hàng an toàn thực phẩm đối với một số ngành hàng, như: cửa hàng bánh, sữa và chuỗi siêu thị tổng hợp. Bộ Công Thương cũng phối hợp với Cục Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức phổ biến mô hình chuỗi cửa hàng bảo đảm an toàn thực phẩm đến các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm. Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã thành lập Ban điều phối chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố, trong đó có nhiệm vụ kết nối các cơ sở sản xuất với các cơ sở tiêu thụ, tập trung tại chợ đầu mối, siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể... (Hữu Vinh, 2016).
Tại hội thảo “Chung tay xây dựng nền sản xuất thực phẩm an toàn, minh bạch” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 15/06 tại Hà Nội, chuyên gia an toàn thực phẩm Vũ Thế Thành cho rằng, minh bạch chính là yếu tố cần thiết để tạo lòng tin cho người tiêu dùng, đồng thời là yếu tố để nâng cao sức cạnh tranh cho nhà sản xuất. Trong đó, tính minh bạch cần đảm bảo các yếu tố cơ bản về nguyên liệu sản xuất (loại gì), nguồn gốc (có an toàn), công nghệ sản xuất và thông tin cảnh báo. Đồng thời, tính minh bạch của các sản phẩm cần được kiểm tra thông qua các đơn vị cùng trong đối tác tự kiểm tra hoặc cùng phối hợp với các cơ quan chức năng nhà nước tiến hành kiểm tra. Việc kiểm tra cần tính tới tần suất, quá trình công bố./.
Tham khảo từ nguồn:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2016). Hội thảo “Chung tay xây dựng nền sản xuất thực phẩm an toàn, minh bạch” tổ chức ngày 15/06 tại Hà Nội
Hữu Vinh (2016). Minh bạch thông tin về thực phẩm sạch, truy cập từ http://baotintuc.vn/kinh-te/minh-bach-thong-tin-ve-thuc-pham-sach-20160615225108513.htm
Bình luận