THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ ĐÔ THỊ VIỆT NAM

Tính đến năm 2020, cả nước có 862 đô thị, bao gồm 2 đô thị đặc biệt, 23 đô thị loại I, 31 đô thị loại II, 48 đô thị loại III, 90 đô thị loại IV và 668 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 30,5% năm 2010 lên 39,3% năm 2020.

Tổng diện tích đất đô thị trên cả nước tính đến năm 2020 đạt 2.028.070 ha, chiếm 6,12% tổng diện tích tự nhiên. Các địa phương có diện tích đất đô thị lớn, gồm: Quảng Ninh là 119.660 ha, Thanh Hóa là 84.250 ha, Lâm Đồng là 80.900 ha, Bình Dương là 68.040 ha, TP. Hồ Chí Minh là 59.950 ha, Quảng Nam là 57.550 ha, Thừa Thiên Huế là 54.370 ha, Gia Lai là 47.770 ha, Cần Thơ là 47.250 ha, Đồng Nai 45.640 là ha, Hà Nội là 43.020 ha, Đăk Lắk là 40.750 ha, Hải Dương là 39.470 ha…

Tốc độ đô thị hóa nhanh khiến cho số dân thành thị cũng tăng nhanh chóng, đạt 34 triệu người vào cuối năm 2020, chiếm khoảng 35% tổng dân số cả nước. Tỷ lệ tăng dân số bình quân khu vực thành thị giai đoạn 2011-2020 là 2,64%/năm, gấp hơn 2 lần tỷ lệ tăng dân số của cả nước và gấp 6 lần tỷ lệ tăng dân số khu vực nông thôn. Trong đó, yếu tố di cư góp phần làm dân số khu vực thành thị tăng thêm 1,3 triệu người, chiếm 3,8% dân số thành thị. Đặc biệt, nhờ có sự chuyển đổi từ xã thành phường, thị trấn của nhiều địa phương góp phần chuyển 7,7 triệu người đang là cư dân nông thôn thành cư dân thành thị, tương đương gần 22,6% dân số thành thị của cả nước năm 2020 (Ban Mai, 2021).

Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 2 địa phương tốc độ tăng trưởng đô thị nhanh nhất cả nước, tiếp đó là các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu… (Hình). Khu vực đô thị đã thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của các vùng và cả nước, đóng góp khoảng 70% GDP, chiếm tỷ trọng chi phối trong thu ngân sách nhà nước, xuất khẩu, sản xuất công nghiệp (Bộ Xây dựng, 2020). Điều này cũng được chứng minh thông qua thu nhập bình quân đầu người của dân cư đô thị, bình quân mỗi năm trong thời kỳ 2016-2020, thu nhập bình quân một người/tháng ở khu vực thành thị đạt 5,538 triệu đồng, cao gấp gần 1,6 lần khu vực nông thôn (Tổng cục Thống kê, 2020).

Một số vấn đề về phát triển kinh tế đô thị tại Việt Nam[1]

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Không chỉ thúc đẩy tăng trưởng GDP, khu vực đô thị còn góp phần quan trọng chuyển dịch mô hình tăng trưởng trong dài hạn, đóng vai trò trung tâm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, đào tạo và y tế, từng bước tạo nên sự phát triển hài hòa giữa các khu vực, góp phần giải quyết các vấn đề về nông nghiệp, nông thôn.

CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ ĐÔ THỊ TRONG BỐI CẢNH MỚI

Cơ hội

Phát triển kinh tế đô thị thông minh

Hiện nay, đô thị thông minh đang được rất nhiều quốc gia quan tâm nhằm bắt kịp với xu thế phát triển của thế giới và thời đại 4.0. Tại Việt Nam, các đô thị là nơi được tiếp cận đầu tiên với các thành tựu khoa học, công nghệ mới, đây chính là cơ sở để phát triển nền kinh tế đô thị theo hướng hiện đại và hội nhập đa dạng với nền kinh tế khu vực và thế giới. Các đô thị cũng là nơi có nền giáo dục phát triển, cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin được đầu tư, mạng internet được bao phủ toàn bộ đô thị, thu nhập bình quân đầu người ở mức cao, nhờ đó có thể phát triển nhanh kinh tế đô thị thông minh trong thời gian ngắn.

Thu hút đầu tư

Nền chính trị ổn định và việc Việt Nam tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do với các nền kinh tế lớn trên thế giới đã đem lại cơ hội cho các đô thị trong thu hút đầu tư. Mặt khác, khu vực đô thị cũng là nơi có tiềm lực tài chính, công nghệ phát triển mạnh và năng động, giao thông thuận tiện... hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Do đó, mặc dù ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, song các đô thị vẫn thu hút đầu tư mạnh mẽ, nhất là ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng…

Một số vấn đề về phát triển kinh tế đô thị tại Việt Nam[1]
Phát triển kinh tế đô thị là một trong những mục tiêu quan trọng của Việt Nam. Ảnh: Internet.

Sử dụng nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao

Các đô thị là nơi có hệ thống giáo dục, đào tạo phát triển, cung cấp cho nền kinh tế nguồn lao động chất lượng cao với quy mô lớn. Đồng thời, đây cũng là nơi tập trung nhiều lao động trẻ, lành nghề với chi phí cạnh tranh, đó là lợi thế lớn để phát triển kinh tế.

Liên kết, hợp tác kinh tế vùng đô thị

Các đô thị phát triển dẫn đến các vùng lân cận cũng phát triển theo, chính vì vậy, việc liên kết và hợp tác kinh tế giữa các đô thị với nhau và giữa đô thị với khu vực ngoài đô thị cũng đang trở thành một hướng đi mới để mang lại sự phát triển cho kinh tế đô thị, cũng như hình thành mô hình kinh tế đô thị “cộng sinh” - các đô thị nương nhờ vào nhau và tương trợ cho nhau cùng phát triển, từ đó, kinh tế vùng, miền, lãnh thổ ngày một bền vững. Tiêu biểu có thể kể đến mô hình phát triển kinh tế đô thị của TP. Hồ Chí Minh khi đặt kết nối vùng để phát triển kinh tế biển, cảng biển, logistics gắn với chuỗi đô thị biển tại vịnh Cần Giờ.

Thách thức

Quản lý nhà nước về kinh tế đô thị

Thể chế và hoạt động thống kê phục vụ quản lý kinh tế đô thị đang là rào cản lớn trong việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về kinh tế cho đô thị. Bởi, hiện nay, Việt Nam chưa có một văn bản pháp luật cụ thể quy định về công tác thu thập dữ liệu kinh tế đô thị nói riêng và đô thị nói chung, dẫn đến dữ liệu thu thập vẫn còn mang tính chung chung hoặc thiếu dữ liệu. Các chỉ tiêu thống kê đánh giá phát triển kinh tế đô thị phục vụ các mục tiêu khác nhau, do đó, phương pháp thu thập, tính toán dữ liệu chưa được chuẩn hóa cho mục đích thực hiện.

Hơn nữa, hệ thống phân loại, nâng cấp và quy hoạch đô thị hiện còn bất hợp lý, kích thích chính quyền địa phương chạy theo thành tích (thay vì mục tiêu phát triển kinh tế bền vững) mở rộng quy mô đô thị và đầu tư quá mức, bỏ qua các chỉ tiêu thực tế về mật độ dân số, về khả năng kết nối để kích thích tăng trưởng.

Nguồn lực đầu tư phát triển

Phát triển kinh tế đô thị nói chung và định hướng đô thị thông minh nói riêng cần phải có nguồn lực đầu tư lớn, trong khi đó, ngân sách nhà nước có hạn và phải phân bổ cho nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, quỹ đất cho phát triển kinh tế đô thị cũng là một thách thức lớn khi vấn đề thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng để phát triển đô thị mất rất nhiều thời gian.

Chịu tác động từ nền kinh tế thị trường

Phần lớn sự phát triển của nền kinh tế đô thị đều dựa trên nền tảng phát triển của các doanh nghiệp, trong khi hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, thường tập trung tại các đô thị. Những doanh nghiệp này đều có trình độ công nghệ thấp, năng lực tài chính hạn chế. Điều này dẫn tới các nền kinh tế đô thị đứng trước tác động trực tiếp, nhanh chóng từ những biến động kinh tế từ môi trường bên ngoài, từ những biến động trên thị trường về giá cả, lãi suất, tỷ giá hối đoái...

Ô nhiễm môi trường

Hậu quả của quá trình phát triển nóng đô thị và kinh tế đô thị, mà thiếu sự giám sát, quản lý chặt chẽ đó là làm tăng chất thải gây ô nhiễm, như: chất tẩy rửa, thuốc nhuộm, màu vẽ, hóa chất và chất thải từ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp... Nhiều loại chất thải hữu cơ từ sản xuất công nghiệp có trong nguồn nước được sử dụng để tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp gây ô nhiễm đất, nguồn nước và sức khỏe của con người. Bên cạnh đó, số lượng bãi chôn lấp chất thải bảo đảm tiêu chuẩn ở đô thị chưa nhiều, tiềm ẩn những nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Giải quyết vấn đề dân cư

Việc giải quyết chênh lệch giữa tăng trưởng kinh tế đô thị và phát triển không gian đô thị cũng là một thách thức không nhỏ. Bởi, sự phát triển không gian đô thị không phù hợp dễ kìm hãm sự phát triển kinh tế của đô thị, làm giảm chất lượng cuộc sống của dân cư.

Ngoài ra, hiện nay các đô thị Việt Nam chưa được liên kết với nhau để tạo thành một hệ thống đồng bộ. Khác với thế giới, các đô thị Việt Nam thường hình thành với đô thị hạt nhân bao quanh là một vùng nông thôn rộng lớn mang nặng cơ cấu truyền thống văn hóa làng, xã với mặt bằng dân trí không cao. Ngày càng có sự đối lập giữa các khu vực đô thị mới với các tòa chung cư cao tầng hiện đại, tiện nghi, sang trọng và các xóm nhà ở lụp xụp, tạm bợ của người nghèo và người nhập cư. Phân hóa giàu – nghèo trong đô thị và giữa đô thị với nông thôn ngày càng sâu sắc.

ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP

Để biến các thách thức trở thành động lực phát triển kinh tế đô thị, tác giả đưa ra một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đổi mới cơ chế, chính sách, tạo lập hành lang pháp lý, hoàn thiện công cụ quản lý kinh tế phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế đô thị. Khi lập quy hoạch đô thị, cần coi trọng phát triển các đô thị vệ tinh để giảm mật độ dân số ở trung tâm nội đô, tạo điều kiện xây dựng đô thị xanh, đô thị sinh thái, nâng cao chất lượng sống.

Ngoài ra, cần tiếp tục cải cách và đổi mới thủ tục, cơ chế vận hành bộ máy quản lý để bảo đảm thực hiện tốt vai trò dẫn dắt và quản lý của chính quyền địa phương đối với nền kinh tế. Trên cơ sở đó, các đô thị sẽ huy động được tối đa các nguồn lực, đầu tư phát triển đúng trọng tâm và trọng điểm, mang lại hiệu quả kinh tế tích cực. Mặt khác, các đô thị cần thúc đẩy nguồn lực sáng tạo và khởi nghiệp để mang đến những cơ hội mới cho phát triển kinh tế.

Thứ hai, các địa phương cần có chính sách đồng bộ với chính sách của cả nước trong mở rộng quy mô về không gian cũng như dân số đô thị nhằm tạo nguồn lực và thị trường cho sự phát triển kinh tế. Đặc biệt, các địa phương cần liên kết với nhau để tạo ra không gian kinh tế nói chung và không gian đô thị nói riêng, bảo đảm cho việc phân bổ các nguồn lực được hiệu quả hơn giữa các địa phương, đô thị và vùng ngoài đô thị.

Thứ ba, tiếp tục phát huy vai trò động lực trong phát triển kinh tế đô thị từ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất chế biến công nghiệp, chế tạo và dịch vụ. Điều này sẽ tạo ra sự cộng hưởng phù hợp với mô hình tăng trưởng kinh tế mới của Việt Nam và phát huy tối đã những lợi thế của các địa phương. Mặt khác, các địa phương cần tạo mọi điều kiện về mặt thủ tục hành chính và cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp đầu tư hoặc doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến chuỗi phát triển đô thị nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế đô thị nói riêng và kinh tế địa phương nói chung.

Thứ tư, các địa phương cần tích cực và chủ động hội nhập quốc tế để tranh thủ nguồn ngoại lực, trên cơ sở đó, kết hợp nội lực để có thể bắt kịp xu thế phát triển của khoa học và công nghệ tiên tiến, phục vụ cho mục tiêu hiện đại hóa lực lượng sản xuất của đô thị.

Ngoài ra, cần tăng cường kết nối giữa các đô thị theo hành lang kinh tế, khu kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm, các khu kinh tế quốc gia (cửa khẩu và ven biển), liên kết với các nước trong khu vực ASEAN, Trung Quốc, khu vực Tiểu vùng sông Mê-kông mở rộng (GMS), vùng Đông Bắc Á... để bảo đảm phát triển đô thị năng động, hiệu quả./.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Xây dựng (2019). Thông tư số 22/2019/TT-BXD, ngày 31/12/2019 ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng

2. Bộ Xây dựng (2020). Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm (2016-2020), định hướng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 5 năm (2021-2025) và năm 2021

3. Tổng cục Thống kê (2021). Kết quả sơ bộ khảo sát mức sống dân cư năm 2020

4. Ban Mai (2021). Việt Nam sẽ phát triển mạnh các đô thị vệ tinh trong 10 năm tới, truy cập từ https://vneconomy.vn/viet-nam-se-phat-trien-manh-cac-do-thi-ve-tinh-trong-10-nam-toi.htm


[1] Nghiên cứu này được hỗ trợ bởi Trường Đại học Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang.

ThS. Nguyễn Thị Kim Ngân

Trường Đại học Tân Trào

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 35, tháng 12/2021)