Nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch trong năm 2016

Trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn, với tinh thần quyết tâm phấn đấu của toàn Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hòa Bình, tình hình kinh tế của Tỉnh đạt được nhưng kết quả tốt, nhiều chỉ tiêu kinh tế vượt kế hoạch đặt ra. Năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 7,62%. Trong đó, nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 4,42%; công nghiệp - xây dựng tăng 10,58%; dịch vụ tăng 6,72%.

Năm 2016, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 9,48% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 23.350 tỷ đồng, tăng 17,53% so với cùng kỳ năm trước, vượt 2,2% kế hoạch năm. Một số sản phẩm có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước, như: điện sản xuất, điện thương phẩm, sản phẩm may, gạch xây dựng, xi măng, thiết bị điện và điện tử tin học...

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình

Hoạt động du lịch diễn ra sôi động gắn với các chương trình lễ hội trong năm. Tổng khách du lịch đến tỉnh Hòa Bình trong năm 2016 ước đạt 2.000.000 lượt khách (trong đó, khách quốc tế 220.000 lượt; khách nội địa 1.780.000 lượt); tổng doanh thu khoảng 1.000 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp. Năm 2016, Tỉnh có 57 dự án đầu tư được quyết định chủ trương đầu tư (trong đó có 01 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký là 03 triệu USD và 56 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký là 20.622 tỷ đồng), so với năm 2015 về số dự án tăng 68%, về vốn đầu tư đăng ký tăng 595%.

Cùng với đó, hoạt động của doanh nghiệp tiếp tục có chuyển biến tích cực. Năm 2016 có 297 doanh nghiệp và 55 chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 3.200 tỷ đồng; so với năm 2015 về số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 15,72%, về vốn đăng ký tăng 28%.

Năm 2016, thời tiết có những diễn biến bất thường, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh trưởng của cây trồng và vật nuôi, nhưng với sự nỗ lực của các ngành, các địa phương thì sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản trên địa bàn Tỉnh vẫn phát triển khá. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đạt 125,41 nghìn ha, vượt 0,17% so với kế hoạch, an ninh lương thực được bảo đảm. Công tác chăm sóc, khoanh nuôi và bảo vệ rừng được tăng cường; thường xuyên tổ chức tuyên truyền tới người dân về các quy định quản lý và bảo vệ rừng. Trong năm 2016 trồng mới được 8,05 nghìn ha rừng tập trung, vượt 12,3% so với kế hoạch.

Về công tác xây dựng nông thôn mới: Trong năm 2016 có thêm 06 xã về đích, nâng tổng số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới lên 37 xã (bằng 19,37% tổng số xã, tăng 3,14% so với năm 2015); bình quân mỗi xã đạt 12 tiêu chí, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, không còn xã dưới 6 tiêu chí. Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 88%, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 68%, tăng 3% so với năm 2015.

Năm 2017, phấn đấu GDP đạt 8,5%

Với mục tiêu cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững... Năm 2017, tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế là 8,5%; trong đó: Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 4,5%; công nghiệp - xây dựng tăng 11,5%; dịch vụ tăng 7,9%. Cơ cấu kinh tế: khu vực nông nghiệp chiếm 21,52%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 46,8%; khu vực dịch vụ chiếm 31,68%; GRDP bình quân đầu người 39,95 triệu đồng; Tổng đầu tư toàn xã hội đạt 11.700 tỷ đồng.

Để cụ thể hóa các mục tiêu trên, năm 2017, tỉnh Hòa Bình sẽ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, triển khai Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP, ngày 28/04/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16/05/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Đồng thời, triển khai thực hiện Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2016-2020. Đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Ban hành quy trình thủ tục hành chính theo hướng rút gọn thời gian giải quyết các thủ tục cho người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện mô hình giải quyết thủ tục hành chính theo “cơ chế một cửa, một cửa liên thông” tại các cơ quan hành chính các cấp, các đơn vị sự nghiệp công lập, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc cung cấp các dịch vụ phát triển kinh doanh: Đào tạo, tư vấn, thông tin, thị trường; Chương trình đào tạo đội ngũ doanh nhân, Chương trình nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh và xuất khẩu cho doanh nghiệp và Chương trình “Hỗ trợ doanh nghiệp đạt chứng nhận sản phẩm và hệ thống quản lý”.

Hai là, đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng tổ chức lại sản xuất. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống cây, giống con chất lượng và năng suất cao. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nông nghiệp sạch, không gây ô nhiễm môi trường.

Đầu tư đồng bộ hóa cơ sở vật chất hạ tầng nông nghiệp và nông thôn, trọng tâm tại các xã đăng ký đạt 19 tiêu chí nông thôn mới; các cơ sở bảo quản và chế biến sau thu hoạch; kiên cố hóa hệ thống thủy lợi; các công trình, dự án phòng chống sạt lở.

Ba là, tập trung phát triển những ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh trên cơ sở khai thác một cách hiệu quả nguồn lực, hạn chế đầu tư mới những ngành công nghiệp gia công, sơ chế và khai thác tài nguyên, có giá trị gia tăng thấp. Đồng thời, đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp chuyển dịch cơ cấu theo hướng giảm dần tỷ trọng các ngành thâm dụng lao động, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức, công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, công nghiệp phục vụ nông thôn.

Bốn là, nâng cao chất lượng hoạt động để nâng tỷ trọng các ngành có hàm lượng tri thức, giá trị gia tăng cao trong ngành dịch vụ, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng tích cực; phát huy lợi thế của Tỉnh, phát triển nhanh, hiệu quả một số ngành dịch vụ có lợi thế, có giá trị gia tăng cao, như: du lịch, viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và các dịch vụ khác hỗ trợ kinh doanh.

Tích cực, chủ động khai thác mở rộng thị trường, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư; đổi mới cách thức tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại theo hướng chú trọng vào khâu tổ chức và cung cấp thông tin thị trường. Triển khai có hiệu quả các giải pháp bình ổn thị trường nhằm bảo đảm ổn định thị trường giá cả, không để tăng giá đột biến, đảm bảo các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày của người dân đặc biệt đối với đồng bào ở vùng sâu, vùng xa./.