Năm 2020, sân bay Phù Cát đạt công suất 1,2-1,5 triệu hành khách
Theo quy hoạch, đến năm 2020, Cảng hàng không Phù Cát là cấp sân bay 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO) và sân bay quân sự cấp I; công suất đạt 1,2-1,5 triệu hành khách/năm và 5.000 tấn hàng hóa/năm; có 7 vị trí đỗ tàu bay và dự phòng đất để mở rộng từ 03-05 vị trí đỗ trong trường hợp cần thiết; loại tàu bay khai thác gồm: A320, A321 và tương đương.
Giai đoạn định hướng đến năm 2030 là cấp sân bay 4E và sân bay quân sự cấp I; công suất 4 triệu hàng khách/năm, 50.000 tấn hàng hóa/năm; có 12 vị trí đỗ tàu bay; loại máy bay khai thác từ code E trở xuống, như: B777, A320, A321 và tương đương.
Đối với hệ thống cấp, thoát nước, điện. Cảng hàng không Phù Cát sẽ sử dụng nguồn nước của huyện Phù Cát và có dự phòng nguồn nước giếng khoan cùng trạm xử lý đồng bộ; đến năm 2030, sẽ xây dựng trạm nước chung cho toàn Cảng với công suất đạt khoảng 350 m3/ngày đêm. Hệ thống điện sẽ sử dụng lưới điện quốc gia thông qua 02 trạm biến áp, công suất và hệ thống các máy phát dự phòng cho từng phân khu chức năng.
Đối với hệ thống giao thông. Đường trục chính ra vào Cảng hàng không là tuyến đường Quốc lộ 1A vào khu nhà hành khách Cảng hàng không. Tuyến đường được chia làm 02 đoạn: Đoạn tuyến từ Quốc lộ 1A đến cổng ra vào Trung đoàn 925, thực hiện theo quy của Tỉnh, dự kiến chiều rộng mặt đường là 30 m; Đoạn tuyến đường trục vào Cảng hàng không xuất phát từ cổng Trung đoàn 925 chạy vào khu hàng không dân dụng. Chiều dài tuyến 1.000 m, 6 làn xe (bề rộng mỗi làn 3,5 m) có dải phân cách chính rộng 01 m trồng cây.
Đường nội bộ được quy hoạch với 02 chiều vào và ra khu hàng không dân dụng, mỗi chiều rộng từ 7,5-10,5 m đủ để bố trí 02-03 làn xe, bề rộng mỗi làn 3,5 m. Bên cạnh đó, hệ thống đỗ xe được xây dựng trên diện tích 3.000 m2.
Theo quy hoạch, đến năm 2020, diện tích đất toàn Sân bay là 862,3 ha. Đến năm 2030, được mở rộng lên thành 863,3 ha./.
Bình luận