Năm 2023, có 12,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chủ yếu từ châu Á
Theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 12/2023 đạt gần 1,4 triệu lượt người, tăng 11,2% so với tháng trước và tăng 93,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung cả năm 2023, du lịch Việt Nam đón được 12,6 triệu lượt khách quốc tế. Con số này gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách. Tuy vậy, Tổng cục Thống kê đánh giá số lượng này mới chỉ bằng 70% năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Trong tổng số 12,6 triệu lượt khách quốc tế, khách đến bằng đường hàng không đạt gần 11 triệu lượt người, chiếm 86,9% số lượng khách quốc tế đến Việt Nam; khách đi đường bộ đạt 1,5 triệu lượt người, chiếm 12,1% và gấp 4 lần.
Riêng khách đến bằng đường biển tăng mạnh nhất, đạt 126.100 lượt người, chiếm 1% và gấp 40,2 lần.
Tính chung cả năm 2023, du lịch Việt Nam đón được 12,6 triệu lượt khách quốc tế |
Xét về cơ cấu du khách quốc tế, châu Á là khu vực đóng góp lượng khách lớn nhất tới Việt Nam với hơn 9,78 triệu người, gấp 3,8 lần năm trước. Trong đó, Hàn Quốc là thị trường gửi khách hàng đầu đến Việt Nam với số lượng khách tăng trưởng đều theo từng tháng và đạt gần 3,6 triệu lượt khách cả năm 2023. Trung Quốc là thị trường khách thứ 2 với gần 1,75 triệu lượt khách. Dù vậy, thị trường truyền thống này mới đạt tỷ lệ phục hồi 30%.
Các thị trường khách lớn khác gồm Đài Loan (Trung Quốc) đạt hơn 851.000 lượt khách, Mỹ đạt hơn 717.000 lượt khách, Nhật Bản hơn 589.500 lượt khách... Tiếp đến là một số nước trong khu vực Đông Nam Á như: Thái Lan, Malaysia, Campuchia...
Trong nhóm khách đến Việt Nam hàng đầu, thị trường Nhật Bản chỉ đạt mức 62% so với trước dịch, thị trường Nga cũng giảm mạnh, chỉ bằng 19% so với năm 2019.
Năm 2023, du lịch Việt Nam nhận 54 giải thưởng của Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards). Nổi bật là giải thưởng Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới lần thứ 4. Điều này đã tiếp tục khẳng định tiềm năng, sức hút hàng đầu về tài nguyên thiên nhiên, giá trị di sản văn hóa lâu đời của nước ta trong phát triển du lịch. Giải thưởng góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam sâu rộng hơn tới bạn bè quốc tế, đồng thời khẳng định nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản của cộng đồng người dân.
Tuy nhiên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nhận định, du lịch Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Lượng khách quốc tế đến phục hồi tương đối chậm so với các nước trong khu vực. Chỉ sau 11 tháng, Malaysia đã đạt 26 triệu lượt khách. Thái Lan đặt mục tiêu đón 18 - 20 triệu du khách quốc tế trong năm 2023 và đã nâng mục tiêu lên 25 triệu từ đầu tháng 5, với 39,8 triệu du khách. Singapore đặt mục tiêu 12-14 triệu lượt khách, doanh thu từ 14-16 tỷ USD...
Năm 2024, du lịch Việt Nam phấn đấu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế
Năm 2024, toàn ngành kỳ vọng du lịch sẽ tiếp tục bứt phá, hướng tới phục hồi hoàn toàn hoạt động du lịch như năm 2019.
Mục tiêu đặt ra là quyết tâm phấn đấu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng, đưa Việt Nam trở thành quốc gia du lịch phát triển cao trong khu vực.
Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tiếp tục phối hợp liên ngành, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách tạo thuận lợi hơn nữa cho việc phục hồi, phát triển du lịch.
Cụ thể là nghiên cứu đề xuất miễn thị thực ngắn hạn cho du khách từ một số thị trường tiềm năng, quy mô lớn như Trung Quốc, Ấn Độ... nhằm kích cầu du lịch, đặc biệt là vào mùa thấp điểm; mở rộng miễn thị thực đơn phương cho các nước có chi tiêu du lịch lớn như: Australia, Canada, Mỹ, các nước còn lại trong Liên minh châu Âu.
Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ, hãng hàng không quốc tế để xúc tiến mở thêm đường bay mới, tăng tần suất những chuyến bay thẳng hiện có giữa địa bàn trọng điểm du lịch của Việt Nam và thành phố cấp 1, cấp 2 của thị trường khách du lịch mục tiêu.
Ngoài ra, cần triển khai xúc tiến, quảng bá, đẩy nhanh tốc độ phục hồi khách du lịch quốc tế.
Cùng với đó là phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch có thương hiệu, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh cao, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực. Các doanh nghiệp thúc đẩy liên kết hợp tác, tạo môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch./.
Bình luận