Đa dạng các mặt hàng xuất khẩu bị kiện

Theo số liệu của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), số lượng các vụ việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đang tăng nhanh. Nếu giai đoạn năm 2001-2011 chỉ có 50 vụ, thì giai đoạn 2012-2022 đã tăng 3,5 lần lên 172 vụ.

Năm 2023, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt nhiều hơn với các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp PVTM của nước ngoài. Tính đến hết tháng 11/2023, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 239 vụ việc điều tra.

Trung tâm WTO và Hội nhập cho biết, ở giai đoạn cuối năm 1990, đầu những năm 2000, những mặt hàng hay bị kiện chủ yếu là có kim ngạch xuất khẩu lớn, có thế mạnh trong xuất khẩu hoặc là mặt hàng xuất khẩu trọng điểm, như thủy sản, giày dép.

Tuy nhiên, ở giai đoạn gần đây, số lượng các mặt hàng, lĩnh vực của ngành hàng bị kiện PVTM đã mở rộng hơn, lên tới gần 40 mặt hàng, có cả những sản phẩm có giá trị và lượng xuất khẩu trung bình và nhỏ, như máy cắt cỏ, mật ong, giấy bọc thuốc lá, ghim dập...

Năm 2023, Việt Nam phải đối mặt nhiều hơn với các vụ việc phòng vệ thương mại
Đến nay, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 239 vụ việc điều tra.

Về mặt thị trường, trước đây chỉ ở những thị trường xuất khẩu trọng điểm hàng hóa Việt Nam mới bị kiện PVTM, nhưng đến nay, điều này đã diễn ra ở nhiều thị trường khác. Cụ thể, trong tổng số 235 vụ việc mà hàng hóa Việt Nam phải đối mặt trong thời gian vừa qua, thị trường Mỹ chiếm 23% số vụ việc, Ấn Độ chiếm 14%, Thổ Nhĩ Kỳ chiếm 10%, sau đó là Canada, EU, Philippines, Indonesia. Như vậy, nguy cơ bị kiện PVTM ở khắp các thị trường và đã có 24 thị trường đã từng kiện PVTM đối với Việt Nam.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc Việt Nam ngày càng bị “soi” nhiều ở các thị trường nước ngoài sẽ gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu. Bởi lẽ, bất cứ mặt hàng nào bị điều tra PVTM, dẫn tới bị áp thuế sẽ gây thiệt hại lớn cả về mặt tài chính (giá bán, chi phí theo đuổi vụ việc) lẫn lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Từ đó, dẫn tới mất uy tín về thương hiệu, thị phần tại thị trường quốc tế.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg, ngày 1/3/2020 phê duyệt Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại (Đề án 316).

Là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, Bộ Công Thương thường xuyên theo dõi, đánh giá và cung cấp danh sách cảnh báo một số mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị điều tra PVTM.

Công tác cảnh báo sớm cùng các hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp đã đem lại những kết quả tích cực, các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế PVTM hoặc bị áp thuế ở mức thấp so với cáo buộc ban đầu hoặc so với các nước khác cùng bị áp thuế, góp phần giữ vững nhiều thị trường xuất khẩu.

Tính đến nay, Việt Nam đã tiến hành khiếu nại 5 biện pháp PVTM của nước ngoài ra cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), trong đó, có 4 vụ việc đã có phán quyết với kết quả tích cực cho Việt Nam.

Một số kết quả đạt được trong năm 2022 và đầu năm 2023, điển hình như: Hoa Kỳ kết luận thép dây không gỉ Việt Nam không lẩn tránh thuế PVTM đang áp dụng với Hàn Quốc; một số sản phẩm ống thép không lẩn tránh thuế PVTM đang áp dụng với Đài Loan (Trung Quốc), doanh nghiệp pin mặt trời lớn của Việt Nam không lẩn tránh thuế và miễn thuế tạm thời với mặt hàng này, Chính phủ Việt Nam không trợ cấp đối với doanh nghiệp xuất khẩu lốp xe được rà soát trong năm 2021; Ấn Độ dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá với thép mạ hợp kim nhôm kẽm của Việt Nam; Úc chấm dứt thuế chống bán phá giá với nhôm định hình và chấm dứt điều tra chống bán phá giá amoni nitrat…

Năng lực PVTM của doanh nghiệp còn yếu

Các con số vụ kiện ngày càng có xu hướng tăng lên thể hiện phần nào sự “lơ mơ” của doanh nghiệp về các quy định PVTM, năng lực tham gia kháng kiện cũng ở mức yếu.

Các khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt như khả năng về ngôn ngữ (có những vụ việc cơ quan điều tra yêu cầu ngôn ngữ bản địa chứ không phải là tiếng Anh); kiến thức về luật pháp quốc tế, tranh tụng thương mại quốc tế, trình tự thủ tục giải quyết vụ kiện còn hạn chế; năng lực tài chính và nguồn nhân lực đủ trình độ, kinh nghiệm để theo đuổi các vụ kiện kéo dài của các doanh nghiệp còn yếu.

Hiện nay, có một thực tế đang diễn ra trên thị trường là một số quốc gia có dấu hiệu lạm dụng các biện pháp PVTM để bảo hộ quá mức ngành sản xuất trong nước, gây tác động trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.

Các doanh nghiệp cần chủ động trang bị đầy đủ các kiến thức về PVTM

Bên cạnh sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý trong nước, các doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Theo đó, các doanh nghiệp cần chủ động trang bị cho mình đầy đủ các kiến thức về PVTM và sử dụng biện pháp PVTM như một công cụ để bảo vệ ngành hàng và doanh nghiệp của mình.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải có một mối quan hệ rất chặt chẽ với các đối tác nhập khẩu vì họ là những người nắm thông tin nhanh nhất, thậm chí những thông tin chưa chính thức, những thông tin tin đồn trên thị trường.

Ngoài ra, khi xuất khẩu sang thị trường mục tiêu, doanh nghiệp nên dành một nguồn lực để nghiên cứu về pháp luật phòng vệ thương mại của thị trường đó, đây là cách để phòng ngừa trước các nguy cơ bị kiện rất hiệu quả.

Biện pháp an toàn và hiệu quả nhất hiện nay, là không tham gia, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, bất hợp pháp. Ngoài ra, cũng cần đa dạng hóa sản phẩm để đa dạng hóa thị trường và không phụ thuộc vào một thị trường truyền thống nào đó. Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất không nên cạnh tranh bằng giá, vì cạnh tranh bằng giá thì nguy cơ bị điều tra về PVTM là rất lớn.

Nếu trong trường hợp vướng vào một điều tra liên quan đến PVTM, doanh nghiệp cũng cần chủ động tham gia trả lời các câu hỏi của bên điều tra, chuẩn bị đủ hồ sơ tài liệu theo đúng yêu cầu. Chính sự chủ động hợp tác, tham gia của doanh nghiệp sẽ quyết định đến 90% kết quả của các vụ điều tra.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần xây dựng hệ thống quản trị tiên tiến, hiện đại, lưu trữ hồ sơ, chứng từ đầy đủ và rõ ràng; có một bộ phận pháp chế, nghiên cứu, nắm rõ các quy định về thương mại, PVTM quốc tế… Trong quá khứ, đã có rất nhiều doanh nghiệp đã ứng phó rất tốt với các biện pháp PVTM nhờ có sự chuẩn bị kỹ càng, trên tinh thần tuân thủ các quy định của WTO, như: Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Hoa Sen…/.