Nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo cho cán bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Hội thảo nhằm cung cấp thông tin, giới thiệu với các đơn vị trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư về lý luận liên quan đến đổi mới sáng tạo, kinh nghiệm quốc tế về thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, cũng như các cơ chế, chính sách liên quan đến đổi mới sáng tạo tại Việt Nam và các hoạt động hỗ trợ phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đang nỗ lực triển khai.
Trình bày các định nghĩa về đổi mới sáng tạo trên thế giới, PGS, TS. Trần Ngọc Ca – chuyên gia trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo - đã đúc kết, đổi mới sáng tạo về cơ bản là việc/quá trình chuyển ý tưởng, tri thức thành một kết quả cụ thể như sản phẩm, dịch vụ, quy trình, tổ chức, thị trường… mang lại lợi ích gia tăng cho kinh tế và xã hội.
Ông Ca khẳng định: “Đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa, là cơ sở của tính cạnh tranh và sự an ninh của doanh nghiệp hoặc nền kinh tế”.
PGS, TS. Trần Ngọc Ca trình bày lý luận về đổi mới sáng tạo. Ảnh: Đức Trung |
Giới thiệu một số cơ chế, chính sách quan trọng liên quan đến đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc NIC cho biết bao gồm: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017; Nghị định số 80/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nghị định số 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; Luật Đầu tư năm 2020; Nghị định số 31/2021/NĐ-CP; Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017; Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017…
Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc NIC chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: Đức Trung |
Ông Đỗ Tiến Thịnh khẳng định, sau khi có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đầu tư, các cơ chế, chính sách đã bao phủ hơn về ưu đãi đầu tư cho các dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo (so với trước đây tập trung ưu đãi theo ngành nghề và địa bàn đầu tư). Bên cạnh đó, việc quy định ưu đãi đầu tư cho các trung tâm đổi mới sáng tạo do doanh nghiệp thành lập là một bước tiến lớn trong chính sách. Hơn nữa, các cơ chế, chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho đổi mới sáng tạo đã được quan tâm hơn và một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề này đang được nghiên cứu, sửa đổi. Một số chương trình, đề án, dự án của trung ương hỗ trợ đổi mới sáng tạo đã được quan tâm xây dựng, triển khai và có những tác động tốt.
Trong đó, đáng chú ý là sự ra đời của NIC- đơn vị trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 02/10/2019.
“NIC có chức năng hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học và công nghệ”, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC, cho biết.
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC phát biểu tại Hội thảo/Ảnh: Đức Trung |
NIC được xây dựng với mô hình, thông lệ tiên tiến nhất, phù hợp với bối cảnh Việt Nam, có các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, cạnh tranh so với khu vực và quốc tế. Theo kế hoạch đã đề ra, NIC dự kiến sẽ có trụ sở tại Hà Nội và cơ sở hoạt động tại Hòa Lạc. Cùng với đó, vốn đầu tư xây dựng NIC sẽ được huy động đóng góp từ doanh nghiệp trong và ngoài nước dưới các hình thức đa dạng, thích hợp và thông qua xã hội hóa đầu tư; không sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.
NIC được kỳ vọng sẽ là hạt nhân cho việc phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, hướng tới trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực, góp phần thúc đẩy chuyển đổi căn bản tương lai kinh tế Việt Nam, đưa đất nước đến những giai đoạn phát triển nhanh và bền vững.
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã được tham quan hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của NIC tại Hà Nội./.
Các đại biểu tham quan hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của TNIC. Ảnh: Đức Trung |
Bình luận