Nâng cao tính minh bạch trong xuất khẩu gỗ sang thị trường EU
Nhận định trên được ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phát biểu tại Hội thảo “Thương mại gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam – EU: Thực trạng và xu hướng” do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) và Tổ chức Forest Trends phối hợp tổ chức ngày 18/12/2015, tại Hà Nội.
Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu gỗ sang thị trường EU, ông Nguyễn Tôn Quyền cho biết, EU là thị trường quan trọng thứ 04 của gỗ và các sản phẩm gỗ Việt Nam. Tuy nhiên, nếu chỉ tính riêng về các đồ gỗ, EU là thị trường quan trọng thứ 02 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ).
Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các mặt hàng gỗ của Việt Nam từ EU đạt 703 triệu USD, tăng gần 100 triệu USD so với năm 2013 (608 triệu USD). 04 mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam bao gồm: đồ gỗ ngoài trời, ghế gỗ, đồ nội thất phòng ngủ và đồ nội thất văn phòng.
Chỉ tính riêng 08 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 442 triệu USD từ thị trường này. Tốc độ tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào EU giai đoạn 2012-2014 bình quân đạt 2,2%/năm.
Ông Nguyễn Tôn Quyền cũng cho biết thêm, EU không chỉ quan trọng đối với Việt Nam về thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ mà còn là một trong những nguồn cung gỗ nguyên liệu. Gỗ nhập khẩu từ EU vào Việt Nam được sử dụng để chế biến phục vụ xuất khẩu và cả thị trường nội địa. Các mặt hàng gỗ Việt Nam nhập khẩu chính bao gồm gỗ tròn, gỗ xẻ, vơ nia và gỗ dán. 08 tháng đầu năm 2015, Việt Nam nhập khẩu khoảng 111 triệu USD gỗ nguyên liệu từ EU.
Mặc dù các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU đã đáp ứng được yêu cầu và quy định của thị trường EU ở mức cao, song theo ông Nguyễn Tôn Quyền vẫn tồn tại một số rủi ro liên quan đến tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu. Cụ thể, hiện vẫn còn một số doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào chưa rõ nguồn gốc và một số sản phẩm xuất khẩu chưa được khai báo nguồn gốc và chủng loại gỗ.
Cùng quan điểm này, ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends cho rằng, khi tham gia hội nhập các doanh nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn và rủi ro. Trong đó, tập trung vào các rủi ro có liên quan đến tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu gỗ.
Nhằm giảm thiểu rủi ro này, ông Tô Xuân Phúc cũng kiến nghị các doanh nghiệp hiện đang tham gia thị trường EU và các doanh nghiệp gỗ nói chung cần tăng cường trách nhiệm giải trình, đặc biệt trong việc sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào.
“Trong bối cảnh hội nhập, giảm thiểu các rủi ro không những giúp cho ngành gỗ duy trì thị trường EU như hiện nay mà còn giúp mở rộng thị trường, trực tiếp góp phần vào phát triền bền vững ngành gỗ trong tương lai” ông Phúc chia sẻ.
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, mặc dù rủi ro trong thương mại gỗ giữa Việt Nam – EU hiện tồn tại ở mức thấp, tuy nhiên, các rủi ro này không chỉ là vấn đề của các doanh nghiệp trực tiếp liên quan mà còn là vấn đề sống còn của cả ngành chế biến và xuất khẩu gỗ trong việc duy trì hình ảnh của ngành trên thị trường quốc tế. Giảm thiểu các rủi ro này có vai trò tối quan trọng trong thương mại song phương giữa Việt Nam và EU.
Trong đó, Chính phủ và các hiệp hội gỗ có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro, thông qua việc xác định cụ thể những doanh nghiệp cần thực hiện tốt trách nhiệm giải trình từ đó yêu cầu các doanh nghiệp này loại bỏ nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào không rõ nguồn gốc.
Bên cạnh đó, cần khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường tính minh bạch của sản phẩm xuất khẩu thông qua việc khai báo nguồn gốc và tính pháp lý của nguồn gỗ nguyên liệu. Đồng thời, cung cấp các thông tin quan trọng cho các doanh nghiệp về các yêu cầu từ thị trường EU cũng như về các quy định của Chính phủ Việt Nam có liên quan đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm./.
Bình luận