Nâng cao vai trò liên kết “2 nhà” trong phát triển thương mại dịch vụ
Vai trò quan trọng trong nền kinh tế
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, cùng với sự phát triển của nền kinh tế và quá trình hội nhập, ngành thương mại dịch vụ Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ và ngày càng phát triển, thúc đẩy mở rộng thị trường hàng hóa.
Toàn cảnh Hội thảo
Thương mại dịch vụ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế, là một trong những lĩnh vực tăng trưởng nhanh trong thời gian qua. Giai đoạn 2011-2017, mức tăng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng là 10%/năm, đạt 3.568,1 nghìn tỷ đồng vào năm 2016 và đạt 3.234,2 nghìn tỷ đồng vào năm 2017. Riêng 4 tháng đầu năm 2018, ước đạt 1.399,4 nghìn tỷ đồng, tăng 9,85% so với cùng kỳ 2017.
Mặc dù ở giai đoạn sau (từ 2011 trở lại đây), tốc độ tăng trưởng có chậm lại, nhưng tính chung từ 2006-2016, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa luôn cao gấp 1,5-2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của GDP cùng thời kỳ.
Có được kết quả đó không thể không kể đến sự góp sức của hạ tầng thương mại. Ông Nguyễn Văn Hội, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thông tin, các loại hình hạ tầng thương mại bán buôn, bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại đã được quan tâm đầu tư và có sự tăng trưởng nhanh chóng, tập trung chủ yếu ở các đô thị và thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài.
Chợ truyền thống tuy tốc độ gia tăng chững lại trong thời gian gần đây, nhưng vẫn giữ được vai trò quan trọng, duy trì sự cạnh tranh với các kênh phân phối hiện đại với lưu lượng hàng hóa qua chợ cao.
Tính đến hết năm 2017, cả nước có 8.539 chợ, trong đó gần 75% là chợ nông thôn. Đa phần là các chợ hoạt động hiệu quả (97%) và thiên về chức năng kinh doanh bán lẻ. Số lượng chợ đầu mối trên cả nước còn khiêm tốn với 83 chợ, chiếm 0,97%.
Bên cạnh đó, cả nước có 957 siêu thị tại 62/63 tỉnh, thành phố (Hà Giang là tỉnh chưa có siêu thị) và 189 trung tâm thương mại tại 51/63 tỉnh, thành phố.
Phần lớn các siêu thị và trung tâm thương mại mới chỉ tập trung tại các thành phố lớn và khu vực nội thành; tại các khu vực nông thôn, ngoại thành thì chưa phát triển. 189 trung tâm thương mại tại 51/63 tỉnh, thành phố. Riêng số lượng siêu thị và trung tâm thương mại tại 5 thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ lần lượt chiếm 47% và 50% so với số lượng siêu thị và trung tâm thương mại cả nước.
Về dịch vụ, cả nước hiện có 15 trung tâm hội chợ triển lãm được phân bố tại 11 tỉnh thành; 50 trung tâm logistics tại 8 tỉnh thành phố.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, với vị trí trung tâm Đông Nam Á, lại có quy mô kinh tế mở, Việt Nam có tiềm năng lớn trong ngành dịch vụ logistics. Đây là ngành được kỳ vọng sẽ có sự phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Song, khó khăn còn nhiều
Song song với tốc độ tăng trưởng ở mức cao, ông Nguyễn Văn Hội cũng nhấn mạnh, ngành thương mại dịch vụ nước ta cũng còn nhiều hạn chế, như: tăng trưởng chưa bền vững, dịch vụ hỗ trợ các hoạt động thương mại còn chưa phát huy hiệu quả như mong muốn, các hoạt động thương mại truyền thống chưa bắt kịp sự phát triển của thương mại điện tử, thương mại số hóa.
Hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại bán lẻ (chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trung tâm logistics, cửa hàng tiện lợi, chuyên doanh…) ở nước ta tuy tăng nhanh,, nhưng phân bố không đều, tập trung chủ yếu và phát triển mạnh ở các thành phố, thị xã, thị trấn.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hà Nội đánh giá, mô hình các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối… cấp vùng rất ít, đa phần tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, các quận nội thành.
“Hạ tầng thương mại của Hà Nội với 22 trung tâm thương mại, 128 siêu thị lớn, trong khi tốc độ phát triển hạ tầng thương mại điện tử giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang có sự cạnh tranh rất khốc liệt. Thực tế là doanh nghiệp trong nước xin phát triển hệ thống bán lẻ không được, nhưng các doanh nghiệp bán lẻ của nước ngoài lại phát triển rất mạnh mẽ”, bà Lan chỉ rõ.
Bên cạnh đó, chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của thương mại trong nước chưa được quan tâm đúng mức. Phân tích rõ điều này, PGS, TS. Hoàng Thọ Xuân, nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nêu rõ, trong hoạt động bán lẻ Việt Nam chưa có chương trình tổng thể để phát triển các kênh phân phối. Các quy định, chính sách hay nguồn tài chính cho hoạt động này cũng nằm rải rác trong nhiều chương trình, chính sách khác nhau.
Ở một góc độ khác, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh lại chỉ ra những bất cập ở khâu logistics. Theo đó, dù quy mô nhỏ, nhưng các nhà cung cấp dịch vụ vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ, cũng như hỗ trợ nhau trong việc cung cấp thông tin thị trường, thông tin khách hàng. Do đó, hoạt động kinh doanh chưa đạt hiệu quả cao.
Phản ánh với vai trò là một doanh nghiệp, ông Đinh Việt Thanh, đại diện Tổng Công ty May 10 cho biết, khó khăn lớn nhất đối với sản phẩm hàng hóa đã có uy tín trên thị trường, đó là nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Doanh nghiệp phải tự “chống chọi” bằng nghiệp vụ hạn chế, thiếu hiểu biết pháp luật, có khi còn gặp rủi ro về phản ứng tự phát do tự bảo vệ mình.
Phát triển thương mại dịch vụ theo chuỗi cung ứng
Để phát triển thương mại, dịch vụ tại các tỉnh trong cả nước, ông Nguyễn Văn Hội nhấn mạnh, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, các bộ ngành triển khai phát triển hạ tầng thương mại theo các quy hoạch có liên quan đã được phê duyệt.
Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành liên quan (đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính…) hoàn thiện chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng thương mại.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung một số chính sách liên quan nhằm hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại, tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động của các chủ thể kinh doanh.
Đặc biệt, chú trọng tới việc hỗ trợ về kỹ năng quản lý cũng như đào tạo về kỹ năng chuyên môn cho lao động trong ngành.
Dưới góc độ chuyên gia, PGS, TS. Hoàng Thọ Xuân đề xuất, để phát triển thương mại, phải có nguồn lực, hiện đại hóa hệ thống phân phối, thương mại bán lẻ; đồng thời xác định những việc trọng tâm cần làm trong thời gian tới.
Trọng tâm đầu tiên là phát triển hệ thống cung ứng, gắn lưu thông với sản xuất, chế biến và hình thành các chuỗi cung ứng trên cả nước. Theo đó, phải có liên kết từ nhà đầu tư, đến khâu sản xuất, chế biến và phân phối (bán buôn, bán lẻ và xuất khẩu), kèm theo là hệ thống dịch vụ logistics, phải tích hợp thành chuỗi cung ứng khép kín.
Đồng thời, Nhà nước cần định hướng, quan tâm đến doanh nghiệp, tập đoàn có quy mô lớn, có tính chỉ huy. Chính những doanh nghiệp này sẽ quyết định sự thành công của hệ thống, chuỗi cung ứng.
Trọng tâm thứ hai là hình thành mạng lưới các cửa hàng tiện lợi. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi, kết hợp sự hỗ trợ kỹ thuật của cộng đồng doanh nghiệp. Từng bước chuyển hóa các cửa hiệu, quầy hàng của hơn 2 triệu hộ kinh doanh tiểu thương thành cửa hàng tiện lợi, bán lẻ hàng hóa theo phương thức hiện đại, mở cửa cả ngày và liên tục trong tuần.
PGS, TS. Hoàng Thọ Xuân cũng lưu ý, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước nên tập trung khai thác thị trường nông thôn, bởi đây là thị trường rất nhiều lợi thế tiềm năng và là địa bàn giàu “dinh dưỡng” cho phát triển thị trường Việt và hàng Việt.
Là doanh nghiệp có uy tín trên thị trường, ông Đinh Việt Thanh có nhìn nhận khác để thương mại, dịch vụ phát triển. Đó là, hệ thống pháp luật phải đủ, nghiêm và đi trước để điều chỉnh các quan hệ thương mại, dịch vụ trong thực tiễn.
Cùng với đó, cơ quan quản lý cần lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để điều chỉnh chính sách và coi chính sách là xúc tác, chứ không thuần túy là “răn đe” hay “ngăn chặn’’./.
Bình luận