NCIF: Giai đoạn 2021-2030, tăng trưởng GDP giảm nhẹ
Kinh tế Việt Nam nửa đẩu năm 2019: Đạt nhiều kết quả tích cực
Phát biểu tại Tọa đàm khoa học Báo cáo tổng quan kinh tế giữa kỳ 2019, ngày 11/7/2019, TS. Trần Thị Hồng Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia (NCIF) cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, bối cảnh thương mại và đầu tư toàn cầu không khả quan như dự báo, tăng trưởng kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại với nhiều yếu tố rủi ro gia tăng.
TS. Trần Thị Hồng Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia (NCIF) phát biểu tại Tọa đàm
Cụ thể, Giám đốc NCIF chỉ rõ, hoạt động kinh tế ở các quốc gia phát triển, đặc biệt là khu vực đồng Euro, kém sôi động. Tăng trưởng kinh tế ở hầu hết các nước phát triển chậm lại.
Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam vẫn đạt nhiều kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,76%. Tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2018 (7,05%) nhưng vẫn là mức cao so với cùng kỳ giai đoạn 2011-2017.
Khu vực công nghiệp – xây dựng 6 tháng đầu năm 2019 tăng 8,39% (thấp hơn so với mức 9,07% so với năm 2018), tiếp tục giữ vai trò động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khi đóng góp 51,8% vào tốc độ tăng trưởng GDP chung.
Khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng 6,69%, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2017-2018 (tương ứng 6,89 và 6,9%) nhưng cao hơn so với cùng kỳ giai đoạn 2012-2016 nhờ đóng góp đáng kể của nhóm ngành bán buôn, bán lẻ.
Điều đáng mừng là ổn định vĩ mô được duy trì, lạm phát trong tầm kiểm soát, với CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng 2,64%. Đây làmức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.
Lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm ở hầu hết các kỳ hạn; tăng trưởng tín dụng thấp, phù hợp với mục tiêu tăng 14% trong năm 2019; cân đối thu chi ngân sách nhà nước được đảm bảo.
Có được kết quả như vậy, theo Giám đốc NCIF là nhờ sự điều hành kịp thời và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Chính phủ đề ra nhằm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, cũng như nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng và ổn định vĩ mô.
Tuy nhiên, người đứng đầu NCIF cũng chỉ rõ, đằng sau những kết quả đạt được là nhiều khó khăn, thách thức.
Cụ thể, ngành nông nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng; xuất khẩu nông sản chịu áp lực cạnh tranh lớn và sự gia tăng các rào cản thương mại nhất là từ thị trường Trung Quốc, trong khi đây là mặt hàng khó dịch chuyển thị trường.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng chậm lại (ở mức 11,18%, thấp hơn so với 12,87% của cùng kỳ năm 2018), do sức cầu đối với mặt hàng điện tử, điện thoại giảm sút.
Giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa và thoái vốn ở các doanh nghiệp nhà nước tại nhiều địa phương còn chậm.
Mặc dù lạm phát đang trong tầm kiểm soát, nhưng TS. Trần Thị Hồng Minh vẫn quan ngại, nguy cơ lạm phát vẫn hiện hữu do tác động xu hướng tăng giá dầu thô trên thị trường quốc tế và việc thực hiện lộ trình tăng giá đối với một số mặt hàng thiết yếu (điện, dịch vụ y tế, giáo dục).
TS. Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc NCIF đã đưa ra những dự báo cho 6 tháng cuối năm 2019
GDP của Việt Nam năm 2019 dự báo sẽ ở mức 6,86%
“Việc Chính phủ tiếp tục tập trung tiến trình cải cách cải thiện môi trường đầu tư cũng như tận dụng cơ hội của hội nhập quốc tế, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào cuối năm nay sẽ là yếu tố quan trọng quyết định cục diện kinh tế Việt Nam”, Giám đốc NCIF nhấn mạnh.
Đồng tình với nhận định trên, TS. Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc NCIF đã đưa ra những dự báo cho 6 tháng cuối năm 2019.
Một số yếu tố có thể tác động cả tích cực và tiêu cực đến kinh tế Việt Nam cũng cần quan tâm, như: việc phá giá đồng NDT của Trung quốc, đối tác thương mại lớn của Việt Nam; diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung; hay sự căng thẳng giữa Mỹ và Iran trong vấn đề dầu mỏ.
Những tháng còn lại của năm 2019, trên thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới, mặc dù dự báo sẽ thấp hơn so với năm 2018, nhưng dự kiến vẫn đạt mức khá (3,44% trong năm 2019, thấp hơn tăng trưởng 3,83% của năm 2018).
TS. Đặng Đức Anh cũng đưa ra nhận định, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2019 dự báo sẽ ở mức 6,86% (thấp so với mức 7,08% tương ứng của năm 2018).
Trong đó, tăng trưởng của ba khu vực kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản; khu vực công nghiệp – xây dựng và khu vực dịch vụ lần lượt là 3,02%; 8,61% và 6,84%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2019 tăng 3,71% so với cùng kỳ năm 2018.
Bảng: Dự báo một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Việt Nam năm 2019
CHỈ TIÊU |
| ĐƠN VỊ | NĂM 2019 | CẢ NĂM 2019 | |||
Quý I | Quý II | Quý III | Quý IV | |||
I. Tăng trưởng kinh tế | ||||||
- Chung | % | 6,79 | 6,71 | 6,86 | 6,88 | 6,86 |
- Nông, lâm nghiệp, thủy sản | % | 2,68 | 2,19 | 3,11 | 3,34 | 3,02 |
- Công nghiệp – Xây dựng | % | 8,63 | 9,14 | 8,91 | 8,31 | 8,61 |
- Dịch vụ | % | 6,5 | 6,85 | 6,97 | 7,01 | 6,84 |
- Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phầm | % | 6,12 | 6,25 | 6,43 | 6,41 | 6,31 |
II. Chỉ số giá tiêu dùng | ||||||
- So với tháng 12 | % | 100,69 | 101,41 | 102,65 | 103,84 | 103,84 |
- Bình quân so với cùng kỳ năm trước | % | 102,63 | 102,65 | 102,80 | 104,45 | 103,13 |
III. Xuất nhập khẩu | ||||||
- Tổng kim ngạch xuất khẩu | Tỷ USD | 58,86 | 63,86 | 68,82 | 72,45 | 263,97 |
- Tổng kim ngạch nhập khẩu | Tỷ USD | 57,45 | 65,39 | 70,23 | 72,82 | 265,81 |
- Xuất khẩu ròng | Tỷ USD | 1,41 | -1,45 | -1,41 | -0,37 | -1,84 |
IV. Đầu tư trực tiếp nước ngoài | ||||||
- Vốn thực hiện | Tỷ USD | 4,12 | 4,98 | 5,79 | 6,10 | 21,7 |
GDP của Việt Nam giai đoạn 2021-2025 tăng khoảng 7%
Trong báo cáo của mình, NCIF cũng đưa ra những dự báo về xu hướng tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2030.
Cụ thể, theo NCIF, trong điều kiện kinh tế thế giới ổn định, không có nhiều biến động địa chính trị quá lớn ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu duy trì ở mức giảm nhẹ trung bình khoảng 3,5% giai đoạn 2021-2025 và 3% giai đoạn 2026-2030.
Chiến tranh thương mại được sẽ giảm nhiệt mặc dù căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc dự báo vẫn còn kéo dài. Xu hướng FTA tăng nhanh hoặc các tổ chức đa phương cải tổ là động lực thúc đẩy thương mại toàn cầu.
Trong nước, nhờ tận dụng được tác động tích cực từ xu hướng toàn cầu hoá và kinh tế số, cộng với nỗ lực từ nền kinh tế trong nước, kinh tế vĩ mô về cơ bản ổn định (lạm phát khoảng 2,5%-3%, tỷ giá khoảng 24-26 nghìn đồng/USD), mô hình tăng trưởng kinh tế dần chuyển đổi, tuy giai đoạn 2021-2025 vẫn chủ yếu vẫn dựa vào những động lực tăng trưởng kinh tế cũ nhưng chất lượng, hiệu quả nền kinh tế được cải thiện hơn.
Trên cơ sở đó, NCIF dự báo, cơ cấu GDP theo các khu vực kinh tế lớn chuyển dịch nhanh hơn, cơ cấu GDP của khu vực công nghiệp xây dựng và dịch vụ đến 2025 và 2030 lần lượt chiếm 89,5% và 92,4%; năng suất lao động tăng trung bình 6-6,3%; hiệu quả sử dụng vốn và đóng góp TFP cải thiện.
Theo dự báo này, tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 trong xu hướng giảm nhẹ, mặc vẫn duy trì được mức khá, tương ứng khoảng 7% và 6,5% tương ứng trong giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030.
Đánh giá về con số tăng trưởng dự báo trên, TS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương thẳng thẳng, việc tăng trưởng tăng hay giảm một vài phần trăm không quan trọng lắm, mà cần thiết phải xem xét tăng trưởng thế nào? Chất lượng tăng trưởng ra sao?
“Nếu vẫn duy trì mô hình tăng trưởng gia công xuất khẩu như bây giờ chúng ta có thể phát triển bền vững”, ông Bá chỉ rõ.
Vị chuyên gia này cho rằng, nếu không tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, thì tương lai không biết sẽ như thế nào?
“Chúng ta không phải đóng tầu mà là may tầu, thậm chí nông nghiệp cũng là gia công, ngoài đất và nhân công là của chúng ta, còn lại là nhập khẩu”, ông Bá phát biểu.
Để Việt Nam có thể tăng trưởng trong dài hạn, vị chuyên gia này cho rằng, chúng ta phải chấp nhận trả những giá nhất định.
“Có như thế, chúng ta mới có thể thay đổi. Còn cứ như bây giờ nền kinh tế không thể khỏe được”, TS. Lê Xuân Bá thẳng thắn./.
Bình luận