2016-2020: Dự báo tăng trưởng GDP bình quân cao nhất ở mức 6,85%
Ngày 18/11, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Kinh tế Việt Nam trong trung hạn: triển vọng và một số ảnh hưởng của yếu tố môi trường”.
Tại Hội thảo, thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích Dự báo, NCIF cho biết, kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển đổi quan trọng với kỳ vọng đột phá của tiến trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Giai đoạn 2016-2020, nền kinh tế Việt Nam sẽ thoát khỏi giai đoạn suy giảm và bắt đầu vào chu kỳ phục hồi mới. Hơn nữa,tăng trưởng kinh tế được kỳ vọng hồi phục mạnh trong giai đoạn tới với sự hỗ trợ từ các hiệp định thương mại, lực đẩy từ các doanh nghiệp FDI và nhu cầu bên ngoài, cùng với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, cải cách về thể chế và môi trường kinh doanh.
Khu vực công nghiệp – xây dựng sẽ có tăng trưởng mạnh mẽ, là động lực chính cho sự phục hồi toàn nền kinh tế.
Khu vực dịch vụ sẽ duy trì ở mức tăng trưởng vừa phải trong khi tăng trưởng của khu vực nông nghiệp có thể tăng trưởng chậm do tác động của biến đổi khí hậu cũng như chưa có những giải pháp đột phá giúp chuyển dịch cơ cấu hiệu quả. Trong dài hạn, khu vực này vẫn còn đối mặt với những thách thức, như: i) giá cả một số nguyên vật liệu đầu vào quan trọng (than, điện, dầu) không ổn định và nhiều khả năng sẽ tăng giá. Điều này sẽ bất lợi cho hoạt động kinh doanh và sản xuất của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến; ii) sức cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất còn yếu, giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm còn thấp,công nghiệp phụ trợ phát triển chậm.
Đặc biệt, với việc hội nhập khu vực sâu rộng, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh của Việt Nam sẽ phải đối mặt với khó khăn lớn hơn khi năng lực cạnh tranh còn yếu và chưa có sự chuẩn bị tốt cho hội nhập.
Ngoài ra, Việt Nam sẽ gặp không ít trở ngại đối với việc các nước tăng cường áp dụng các hàng rào kỹ thuật, các quy định yêu cầu chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc ngày càng khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu đặc biệt là nhóm hàng nông lâm thủy sản.
Đối với khu vực dịch vụ, với sự cải thiện cầu tiêu dùng, xúc tiến thương mại được triển khai mạnh mẽ, cùng với việc thực hiện các cam kết của cộng đồng chung ASEAN và các hiệp định tự do thương mại mang lại sẽ có nhiều tác động tích cực đến việc mở rộng các hoạt động dịch vụ, giúp khu vực này tăng trưởng tốt hơn trong giai đoạn 2016-2020.
Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập, đi cùng với cơ hội là thách thức lớn đặt ra lớn đối với ngành dịch vụ khi có sự gia tăng áp lực cạnh tranh từ các doanh nghiệp của các nước trong khu vực, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, logistic. Do đó, việc cải thiện tăng trưởng khu vực dịch vụ sẽ phụ thuộc nhiều việc năng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước hoạt động trong lĩnh vực này.
Đối với khu vực nông nghiệp, ngoài hạn chế về năng suất và khả năng cạnh tranh, khu vực này còn phải đối diện với những yêu cầu ngày càng khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng và hàng rào kỹ thuật.
Trong khi đó, việc chuyển đổi cơ cấu sản phẩm nông nghiệp và áp dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp diễn ra chậm, chưa phát huy được lợi thế so sánh và chưa đáp ứng nhu cầu trong tương lai. Đây vẫn sẽ là những yếu tố cản trở đến sự phát triển của khu vực này trong dài hạn.
Ngoài ra, việc thực hiện các cam kết trong Cộng đồng chung ASEAN (AEC) và TPP cùng với việc giảm thuế quan có thể khiến khối lượng hàng nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi với giá cả cạnh tranh hơn từ các nước vào Việt Nam gia tăng.
Hệ quả tất yếu là thị phần hàng hóa liên quan tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng và cạnh tranh sẽ gay gắt hơn; gây ra những khó khăn lớn cho nông dân và các doanh nghiệp trong khu vực này. Sự phát triển của khu vực này trong tương lai sẽ phụ thuộc nhiều vào hiệu quả tái cấu trúc và thay đổi mô hình sản xuất gắn với công nghệ hiện đại, chi phí thấp để nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm.
Dựa trên các giả thiết về kinh tế thế giới và kinh tế trong nước, nhóm nghiên cứu đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020.
Kịch bản thấp khi kinh tế thế giới và thương mại quốc tế suy giảm mạnh và hệ thống tài chính toàn cầu nhiều bất ổn; tốc độ tăng đầu tư toàn xã hội là 7%; Rủi ro từ nợ công, bội chi ngân sách và hệ thống tài chính ngày một lớn; Tiếp tục dựa vào mô hình tăng trưởng kiểu cũ; Cạnh tranh ngày càng gay gắt. Dự báo tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2016-2020 có thể đạt mức 6,20%.
Kịch bản cơ sở với nhiều khả năng xảy ra nhất. Trong đó giả định tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục ổn định ở mức trung bình khoảng 3%. Đầu tư khu vực nhà nước được cải thiện hơn cả về tốc độ giải ngân và hiệu quả. Điều hành chính sách có nhiều cải thiện, thủ tục pháp lý và môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện. Tốc độ tăng đầu tư toàn xã hội trung bình giai đoạn tăng 7%.
Mô hình kinh tế phần nào được chuyển đổi, nhưng về cơ bản vẫn là nền kinh tế tăng trưởng dựa vào vốn và lao động giá rẻ; hiệu quả của nền kinh tế chưa có sự cải thiện nhiều.
Hệ thống tài chính khá ổn định, điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ tương đối linh hoạt. Các hiệp định thương mại được triển khai hiệu quả, giúp đầu tư và xuất khẩu Việt Nam cải thiện hơn. Dự báo tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2016-2020 có thể đạt mức 6,55%.
Kịch bản cao, ít khả năng xảy ra hơn nhưng cũng có thể đạt được, nếu nền kinh tế đạt được những kỳ vọng như kịch bản cơ sở nhưng tiến trình tái cơ kinh tế được diễn ra mạnh mẽ hơn, đặc biệt là cải cách triệt để thể chế quản lý, qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư công; năng suất lao động đạt được trung bình của các nước ASEAN; giảm lãi suất cho vay ngắn hạn xuống mức trung bình của các nước đang phát triển. Đẩy mạnh thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, và sử dụng nguồn vốn thu được vào đầu tư kết cấu hạ tầng. Đồng thời, những rủi ro đối với nền kinh tế như nợ công hay rủi ro hệ thống tài chính (cụ thể là nợ xấu) được giải quyết triệt để. Khi đó, không những nền kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng và ổn định cao hơn (tương ứng tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn khoảng 6,85%) mà còn có thể duy trì được sự phát triển bền vững, tạo tiền đề cho những giai đoạn kế hoạch 5 năm tiếp theo.
Tuy nhiên, ông Đức Anh cũng lưu ý, cùng với những tác động tích cực do các hiệp định thương mại đem lại, tốc độ tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ cao hơn so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, nền kinh tế cũng đứng trước những thách thức và áp lực không nhỏ do tác động của yếu tố thời tiết cực đoan và rủi ro ô nhiễm môi trường trong quá trình phát triển.
Theo Chỉ số về mức độ tổn thương do biến đổi khí hậu (CCVI), một chỉ số đánh giá mức độ tổn thương do tác động của biến động khí hậu trong 30 năm tới thông qua 42 yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường, thì Việt Nam xếp hạng thứ 23 trong tổng số 193 quốc gia, và là một trong 30 nước chịu “rủi ro rất cao”.
Trong đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
“Dự báo trung bình giai đoạn 2016-2020, thiên tai và ô nhiễn môi trường có thể làm giảm GDP khoảng 0,6%/năm. Điều đó đòi hỏi phải có chính sách phù hợp nhằm thích ứng, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững trong dài hạn", TS. Đặng Đức Anh đánh giá./.
Bình luận