Nền kinh tế mở cửa và ổn định trong điều kiện “bình thường mới”
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; nền kinh tế mở cửa và ổn định trong điều kiện “bình thường mới", tạo đà cho quá trình phục hồi kinh tế - xã hội trong cả năm 2022 và các năm tiếp theo.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đạt được nhiều kết quả tích cực. |
Kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực
Phiên họp diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính nhằm tập trung thảo luận về tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2022; tình hình kinh tế - xã hội tháng 3, quý I/2022 và những trọng tâm chỉ đạo trong gian tới, đặc biệt về tình hình triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; báo cáo cập nhật kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công năm 2021; công tác hoàn thiện thể chế.
Trình bày báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá. GDP quý I ước tăng 5,03% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,66%, năm 2021 tăng 4,72%), đáng chú ý khu vực dịch vụ tăng 4,58%, gấp gần 1,5 lần so với cùng kỳ các năm 2020-2021. Qua đó, tạo niềm tin vào các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kỳ vọng tăng trưởng tiếp tục đà tích cực trong quý II và cả năm 2022.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Nguồn cung và dự trữ xăng dầu trong nước được bảo đảm trong điều kiện nguồn cung và giá xăng dầu thế giới nhiều biến động; ổn định thị trường điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt, bảo đảm an ninh năng lượng; thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát lạm phát.
Các bộ, cơ quan, địa phương đã đẩy nhanh phân bổ chi tiết kế hoạch vốn được giao. Đến ngày 25/3/2022, tổng số vốn các bộ, cơ quan và địa phương đã có quyết định giao chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân trong năm 2022 đạt 82% số vốn kế hoạch được giao.
Xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ; Vốn FDI đăng ký tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần 3 tháng đầu năm tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ; Hoạt động sản xuất, kinh doanh mở rộng. Sản xuất nông nghiệp ổn định; Sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc; Thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực; Tình hình doanh nghiệp rất tích cực, phản ánh kỳ vọng, niềm tin mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp vào tiến trình mở cửa, phục hồi của nền kinh tế sau hơn 02 năm chịu tác động của dịch bệnh.
Nguyên nhân của kết quả đạt được là nhờ sự lãnh đạo của Đảng; đồng hành, ủng hộ của Quốc hội; sự chỉ đạo điều hành đúng hướng, quyết liệt, thống nhất, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp đồng bộ, linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ và chính sách khác để ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, việc quán triệt, thực hiện nghiêm, quyết tâm quan điểm “thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch Covid-19” của các cấp, các ngành; đẩy mạnh phân công, phân cấp trong tổ chức thực hiện gắn với trách nhiệm người đứng đầu; thường xuyên tổng kết, đánh giá, kế thừa kinh nghiệm và kết quả đạt được; tinh thần đoàn kết, đồng lòng, chung sức, niềm tin, kỳ vọng của người dân vào sự phục hồi của nền kinh tế, hỗ trợ của bạn bè quốc tế.
3 hạn chế lớn trong kinh tế - xã hội quý I/2022
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ rõ, trong tháng 3 và quý I năm 2022, những biến động của tình hình kinh tế - chính trị khu vực và thế giới, lạm phát, giá dầu tăng cao, dịch bệnh kéo dài đã tác động không nhỏ tới đời sống KTXH của nước ta.
Thứ nhất, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Giá dầu tăng cao từ cuối tháng 2 tác động dây chuyền lên giá cước vận tải, chi phí sản xuất, logistics, giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu… Chỉ số CPI tháng 3 tăng 0,7% so với tháng trước, cao nhất từ năm 2012 đến nay, tạo áp lực lớn lên điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cả năm 2022, làm giảm hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
“Tính toán sơ bộ cho thấy, giá dầu 100 USD/thùng sẽ tác động tiêu cực đến nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2022 và 2023, làm giảm tốc độ tăng trưởng lần lượt là 0,12 và 0,27 điểm %, lạm phát tăng thêm 0,5 điểm % mỗi năm, xuất khẩu giảm lần lượt 0,57 và 1,1 điểm %. Do vậy, yêu cầu cần điều hành linh hoạt, kịp thời giá xăng dầu trong nước đồng thời bảo đảm nguồn cung trong thời gian tới”, Bộ trưởng nêu rõ.
Rủi ro tín dụng, nguy cơ nợ xấu là vấn đề cần tiếp tục được quan tâm, theo dõi sát sao để có thể xử lý kịp thời.
Về đầu tư công, tỷ lệ giải ngân 03 tháng đầu năm đạt 11,88% kế hoạch được giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021, trong đó vốn trong nước đạt 12,66%. Theo báo cáo của Bộ Tài chính vẫn còn 29 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn, cho thấy một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.
Thứ hai, theo Bộ trưởng, hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục đối mặt với chi phí đầu vào, thức căn chăn nuôi tăng cao; khai thác thủy sản gặp khó khăn do giá xăng dầu tăng cao, nguy cơ thiếu hụt nguồn cung phục vụ chế biến, xuất khẩu.
Tình hình doanh nghiệp nhìn chung còn khó khăn do chi phí đầu vào, logistics tăng cao trong khi sức cầu tiêu thụ yếu, khó khăn về tài chính, tuyển dụng lao động… Trong quý I/2022, 35,8% doanh nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, tăng so với quý IV/2021.
Thương mại, dịch vụ tuy có dấu hiệu phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn. Tính chung quý I, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng mới tăng 4,4% so với cùng kỳ; vận tải hành khách tiếp tục giảm trong tháng 3.
Thứ ba, dịch bệnh vẫn lây lan nhanh, trong quý I, cả nước ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng; số ca nhiễm mới mặc dù giảm, nhưng vẫn ở mức cao, tác động đặc biệt đến nhóm đối tượng nguy cơ cao như người có bệnh nền, người cao tuổi; vẫn còn 06 địa phương có tỷ lệ bao phủ vắc xin mũi 2 dưới 90%.
Cần khơi thông điểm nghẽn về huy động, sử dụng nguồn lực trong nền kinh tế
Bối cảnh đó yêu cầu các cấp, các ngành cần chủ động theo dõi, dự báo tình hình có phương án điều hành đồng bộ, linh hoạt, kịp thời theo các biến động của kinh tế vĩ mô, lạm phát, các cân đối lớn về năng lượng, lao động, việc làm, đầu tư...; quyết tâm, quyết liệt hơn nữa để triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng cả năm đã đề ra.
Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, các bộ, cơ quan, địa phương cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 11/NQ-CP, các Công điện về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (năm 2022-2023); theo dõi chặt chẽ, chủ động nghiên cứu, dự báo, có phương án ứng phó đồng bộ, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, các cân đối lớn.
Theo đó, chú trọng một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như tập trung, ưu tiên toàn lực để triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng chống dịch Covid-19 (2022-2023); Điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ các công cụ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì mức lãi suất cho vay hợp lý nhằm hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa để có chính sách, giải pháp kịp thời bảo đảm cân đối hàng hóa, kiểm soát biến động giá cả; bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế.
Triển khai thực hiện nhanh, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 11/NQ-CP, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu; tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025, vốn đầu tư công thuộc Chương trình, bảo đảm giải ngân hết số vốn được giao, tránh phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
Khẩn trương tổng kết, đánh giá các chính sách người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP; đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.
Tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công như đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng; Rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn; Thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng bộ, cơ quan, địa phương; Xử lý nghiêm các trương hợp nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng hợp đồng; Tổ chức giao ban định kỳ hàng tuần với các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư về tình hình thực hiện các dự án, giải ngân kế hoạch đầu tư công; Kịp thời chỉ đạo ban hành đơn giá xây dựng phù hợp với tình hình, điều chỉnh dự toán, vốn đầu tư của các nhiệm vụ, dự án theo đúng quy định.
Tập trung rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, khơi thông điểm nghẽn về huy động, sử dụng nguồn lực trong nền kinh tế; đẩy nhanh lộ trình thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số./.
Bình luận