Ngành ngân hàng nỗ lực thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh
Cụ thể hóa chủ trương, chính sách
Trên cơ sở Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg, ngày 25/09/2012 phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 403/QĐ-TTg, ngày 20/03/2014 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020; Quyết định 2053/QĐ-TTg, ngày 28/10/2016 phê duyệt Kế hoạch hành động thực thi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu; với vai trò cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, trên cơ sở được phân công nhiệm vụ cụ thể, Ngân hàng Nhà nước những năm qua đã có những bước khởi đầu trong việc xây dựng chích sách triển khai ngân hàng xanh.
Năm 2015, Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN, ngày 24/03/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Cùng với đó, ban hành Quyết định số 1552/QĐ-NHNN, ngày 06/08/2015 ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020. Ngân hàng Nhà nước cũng đã hợp tác với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) xây dựng bộ hướng dẫn quản lý rủi ro môi trường và xã hội cho các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước và IFC còn phối hợp tổ chức đào tạo cho các cán bộ nòng cốt về quản lý rủi ro môi trường - xã hội và thẩm định tín dụng tại các tổ chức tín dụng, xây dựng một đội ngũ giảng viên có kiến thức, hiểu biết về tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường - xã hội.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước có Chỉ thị số 03/CT-NHNN, các tổ chức tín dụng đã xây dựng quy trình thẩm định rủi ro môi trường và xã hội trong các quy định nội bộ, đồng thời lồng ghép hoạt động về tín dụng xanh trong chiến lược phát triển của mình. Ngoài ra, một số ngân hàng thương mại cũng chủ động tham gia các dự án có vốn tài trợ của các tổ chức tài chính quốc tế về bảo vệ môi trường và cấp tín dụng xanh.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), tính đến cuối năm 2018, tốc độ tăng trưởng tín dụng lĩnh vực “xanh” đạt trên 30%, cao hơn các lĩnh vực ưu tiên khác như nông nghiệp nông thôn (15,5%), doanh nghiệp vừa và nhỏ (13,5%), hay xuất khẩu (3,5%)… Dư nợ cho vay các dự án xanh ước đạt hơn 235.717 tỷ đồng vào cuối năm 2018 và tăng lên 317.600 tỷ đồng tính đến hết tháng 6/2019 (dư nợ trung dài - hạn chiếm 76% dư nợ tín dụng xanh); Chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực là nông nghiệp xanh (chiếm 46% tổng dư nợ tín dụng xanh), năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (15%), quản lý nước bền vững tại khu vực đô thị và nông thôn (11%), lâm nghiệp bền vững (5%)…
Một số giải pháp
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thúc đẩy các hoạt động tín dụng - ngân hàng xanh còn gặp không ít khó khăn. Cụ thể: Việc đầu tư vào các ngành, lĩnh lực xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, vốn thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao nên rất cần các ưu đãi về thời hạn vay vốn; Hiện vẫn chưa có quy định, định nghĩa, tiêu chuẩn cụ thể về các danh mục các ngành, lĩnh vực xanh để có thể áp dụng chung, thống nhất trên cả nước, dẫn tới thiếu cơ sở, căn cứ để các tổ chức tín dụng lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh…
Để thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, hướng tới phát triển bền vững, Ngân hàng Nhà nước đã đề ra một số giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, tiếp tục xây dụng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hướng dẫn thực hiện tín dụng xanh cho các tổ chức tín dụng, trong đó đưa ra các tiêu chuẩn về tín dụng xanh, danh mục các ngành/lĩnh vực xanh để áp dụng chung, thống nhất, làm cơ sở để các tổ chức tín dụng lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường xã hội cho 11 ngành kinh tế chưa có hướng dẫn trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng.
Thứ hai, xây dựng các giải pháp tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án thân thiện với môi trường, sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường. Đồng thời, huy động các nguồn vốn ưu dãi dài hạn từ các tổ chức tài chính quốc tế (WB, IFC, ADB, JICA…), huy động vốn qua hình thức phát hành trái phiếu xanh để tài trợ các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, tiết kiệm năng lượng.
Thứ ba, đẩy mạnh tăng cường truyền thông nhận thức của người dân và trách nhiệm xã hội của toàn ngành Ngân hàng trong việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo./.
Tài liệu tham khảo:
1. Thủ tướng Chính phủ (2012). Quyết định số 1393/QĐ-TTg, ngày 25/09/2012 phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050
2. Thủ tướng Chính phủ (2014). Quyết định số 403/QĐ-TTg, ngày 20/03/2014 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020
3. Thủ tướng Chính phủ (2016). Quyết định 2053/QĐ-TTg, ngày 28/10/2016 phê duyệt Kế hoạch hành động thực thi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu
4. Ngân hàng Nhà nước (2015). Chỉ thị số 03/CT-NHNN, ngày 24/03/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng
5. Ngân hàng Nhà nước (2015). Quyết định số 1552/QĐ-NHNN, ngày 06/08/2015 ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020
6. Phương Linh (2019). Tín dụng ngân hàng với mục tiêu quốc gia về tăng trưởng xanh, truy cập từ https://sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/links/cm100?dDocName=SBV401058
7. Thảo Nguyên (2019). Dư nợ tín dụng xanh đang tăng tốc, truy cập từ https://tinnhanhchungkhoan.vn/ngan-hang/du-no-tin-dung-xanh-dang-tang-toc-301096.html
Bình luận