Ngành Xây dựng cần bứt phá cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh
Năm 2018, ngành xây dựng tăng trưởng 9,2%
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tốc độ tăng trưởng của ngành ở mức cao so với kế hoạch, cao hơn bình quân chung cả nước. Giá trị sản xuất xây dựng đạt 9,2% so với kế hoạch đề ra từ 8,46 đến 9,21%. Trong số 16 chỉ tiêu của năm 2018, có 3 chỉ tiêu vượt, 11 chỉ tiêu đạt kế hoạch và 2 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch là chỉ tiêu về kính xây dựng (265/320 triệu m2) và gạch ốp lát (705/770 triệu m2).
Toàn cảnh Hội nghị
Điểm nhấn trong kết quả công tác của Bộ Xây dựng là công tác xây dựng thể chế; cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính đạt nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư phát triển đô thị, thẩm tra thiết kế dự toán, cấp phép xây dựng.
Cụ thể, Bộ đã hoàn thành 3 dự án Luật gồm: Luật Kiến trúc; Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Quy hoạch đô thị. Thực hiện yêu cầu của Chính phủ về cắt giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, ngành xây dựng đã kiến nghị bãi bỏ 5 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Cùng với đó, bãi bỏ 41,3%, đơn giản hóa 47,3% và giữ nguyên 15% trên tổng số 215 điều kiện đầu tư kinh doanh.
Bộ cũng đã tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng; cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời là đơn vị đầu tiên trong 22 bộ, ngành chính thức triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính theo mô hình Bộ phận một cửa.
Năm 2018, công tác quy hoạch, quản lý nhà nước bằng quy hoạch cũng được triển khai hiệu quả. Đến nay, quy hoạch vùng tỉnh đã cơ bản phủ kín trên cả nước, đã có 58/63 địa phương được phê duyệt. 16/16 khu kinh tế ven biển, 17/26 khu kinh tế, 3 khu công nghệ cao được phê duyệt quy hoạch chung xây dựng. 100% thành phố, thị xã, thị trấn đã có quy hoạch chung được duyệt, tương đương 805 đồ án.
Tỷ lệ lập quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%; quy hoạch phân khu đạt khoảng 78%; quy hoạch chi tiết đạt khoảng 39% so với diện tích đất xây dựng đô thị; 58/63 địa phương phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn; 27/63 địa phương phê duyệt quy hoạch cấp nước; 20/63 địa phương phê duyệt quy hoạch thoát nước. Tỉ lệ số xã có quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên cả nước đạt khoảng 99% (8.926 xã);
Công tác quản lý nhà nước về đầu tư phát triển đô thị; quản lý, kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch đã có nhiều chuyển biến quan trọng, từng bước bảo đảm sự phát triển đô thị hài hòa, bền vững. Năm 2018, đã có 12 đô thị được nâng loại (03 đô thị loại II, 04 đô thị loại III, 05 đô thị loại IV). Đến nay, tổng số đô thị cả nước là 828 đô thị, bao gồm: 02 đô thị loại đặc biệt, 19 đô thị loại I, 24 đô thị loại II, 46 đô thị loại III, 85 đô thị loại IV, 652 đô thị loại V. Tỉ lệ đô thị hóa đạt 38,4% (tăng 0,9 % so với năm 2017). Tại các đô thị du lịch ven biển, ngành xây dựng đã rà soát, kiên quyết lập lại trật tự, trả lại không gian biển cho người dân khu vực ven biển.
Công tác thẩm định dự án, thẩm định thiết kế - dự toán, kiểm tra công tác nghiệm thu của các cơ quan chuyên môn về xây dựng tiếp tục phát huy hiệu quả tích cực, góp phần hạn chế thất thoát, lãng phí. Chất lượng thẩm định ngày càng được nâng cao, tỉ lệ cắt giảm chi phí sau thẩm định dự án đạt khoảng 4,38% so với dự kiến tổng mức đầu tư. Thông qua việc thẩm định thiết kế, dự toán đã cắt giảm chi phí khoảng 2,59% so với dự toán.
Công tác quản lý nhà nước đối với thị trường bất động sản được thực hiện có hiệu quả, duy trì tăng trưởng của thị trường. Năm 2018, giá cả bất động sản không biến động nhiều so với năm 2017, lượng hàng tồn kho tiếp tục giảm; cơ cấu hàng hóa được điều chỉnh để phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường. Tính đến 20/12/2018, giá trị tồn kho còn khoảng 22.825 tỷ đồng, so với lúc đỉnh điểm ở quý I/2013 đã giảm 105.723 tỷ đồng (giảm 82,24%), so với 20/12/2017 giảm 2.557 tỷ đồng (giảm 10,07%). Diện tích nhà ở hoàn thành trong năm 2018 khoảng 58 triệu m2. Đến nay, đã hoàn thành khoảng 5.800 căn nhà ở xã hội với tổng diện tích sàn khoảng 290.000 m2. Diện tích bình quân nhà ở đạt 24 m2 sàn/người.
Thị trường vật liệu xây dựng được phát triển hài hòa, bảo đảm đáp ứng nhu cầu trong nước. Theo số liệu tổng hợp, toàn Ngành đã sản xuất và tiêu thụ 95 triệu tấn xi măng, tăng 12% so với 2017; sản xuất và tiêu thụ gần 705 triệu m2 gạch ốp lát, tăng 5 triệu m2 so với 2017; sản lượng sản xuất và tiêu thụ sứ vệ sinh đạt khoảng 16 triệu sản phẩm, tăng 10% so với 2017; trên 16 triệu m2 đá ốp lát.
Bên cạnh đó, Ngành cũng đã tập trung phát triển các vật liệu mới, thân thiện môi trường; từng bước giải quyết vấn đề xử dụng tro xỉ nhà máy nhiệt điện… Tính đến tháng 11/2018, tổng sản lượng gạch không nung cả nước sản xuất ước đạt 8 tỷ viên (QTC), chiếm 30% tổng sản lượng gạch xây; gạch nung cả nước sản xuất ước đạt 18 tỷ viên (QTC), chiếm 70% tổng sản lượng gạch xây. Đã có 55 tỉnh xây dựng và ban hành lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, kế hoạch phát triển vật liệu xây không nung trên địa bàn.
Trong năm 2018, Bộ Xây dựng cũng đã tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ngành xây dựng theo kế hoạch được Thủ tướng phê duyệt; rà soát, sắp xếp 37 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ; giảm 10% số lượng đầu mối tại các đơn vị. Các đơn vị sự nghiệp từng bước tự chủ, hoạt động có hiệu quả (đặc biệt trong việc cung cấp các dịch vụ về thí nghiệm, kiểm định xây dựng, thẩm tra thiết kế-dự toán, kiểm định vật liệu xây dựng…).
Song, còn nhiều những hạn chế
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao và biểu dương cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành xây dựng trên cả nước đã đoàn kết, nỗ lực, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.
“Trong kết quả chung của cả nước, có đóng góp quan trọng của ngành Xây dựng, một trong những ngành sản xuất vật chất quan trọng, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho nền kinh tế, cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống người dân”, Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế mà ngành xây dựng cần phải tập trung khắc phục trong thời gian tới. Mặc dù, Bộ đã tập trung vào công tác hoàn thiện thể chế và đạt được nhiều kết quả quan trọng song một số nhiệm vụ trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về xây dựng còn chậm so với yêu cầu. Nhiều vướng mắc chậm được giải quyết.
Việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch còn chậm so với yêu cầu phát triển. Chất lượng không ít đồ án quy hoạch còn thấp, thiếu tính kết nối, đồng bộ. Việc kiểm soát tầng cao, mật độ dân số tại các đô thị lớn chưa hiệu quả.
“Việc đầu tư phát triển các khu du lịch, đặc biệt là khu du lịch ven biển còn thiếu kiểm soát, còn thiếu các không gian công cộng cho người dân, gây bức xúc trong dư luận”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Công tác quản lý đầu tư xây dựng đã được triển khai tích cực song còn những tồn tại phải tiếp tục khắc phục. Việc xây dựng, bổ sung định mức kinh tế kỹ thuật còn chậm, đặc biệt là các định mức mới, áp dụng kỹ thuật cao. Việc lựa chọn nhà thầu nhiều nơi còn hình thức, năng lực nhiều nhà thầu xây dựng còn thấp. Công tác kiểm soát chất lượng xây dựng còn chưa hiệu quả, đặc biệt là các công trình sử dụng vốn Nhà nước. Tình trạng thất thoát lớn trong đầu tư xây dựng chưa được khắc phục triệt để.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng, Bộ đã có nhiều nỗ lực đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường của các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, nhưng việc kiểm soát phát triển vật liệu xây dựng có nơi còn thiếu chặt chẽ.
“Đặc biệt, việc tro xỉ tại các nhà máy nhiệt điện, vật liệu nạo vét tại cửa sông, biển chưa được sử dụng phù hợp, gây bức xúc trong dư luận”, Phó Thủ tướng nói.
3 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019
Nhấn mạnh năm 2019 được xác định là năm bứt phá về hoàn thiện thể chế, bứt phá về đổi mới sáng tạo, bứt phá về huy động nguồn lực để phát triển đất nước, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu ngành xây dựng phải thực hiện 3 nội dung bứt phá gồm bứt phá cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh; bứt phá về chất lượng đô thị, công trình xây dựng, chất lượng các sản phẩm vật liệu xây dựng và bứt phá về nhà ở xã hội.
Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Để thực hiện được 3 nội dung bứt phá đã nêu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ xây dựng cần dành ưu tiên cao cho việc hoàn thiện thể chế và các công cụ quản lý nhà nước.
Cụ thể, cần tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Kiến trúc để trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV; tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh Dự án Luật Quản lý phát triển đô thị; rà soát để sửa đổi bổ sung các quy định của các Luật Nhà ở, Xây dựng, Kinh doanh bất động sản... cho phù hợp.
Cùng với đó cần hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật trong đầu tư xây dựng… để làm cơ sở quản lý đầu tư xây dựng, hạn chế thất thoát, lãng phí. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan xây dựng các chính sách về quản lý đầu tư, đấu thầu, các mô hình đầu tư, đặc biệt là hợp tác công tư (PPP) làm cơ sở để triển khai các công trình đầu tư xây dựng trong thời gian tới.
Yêu cầu thứ hai được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh với ngành xây dựng là tăng cường công tác quy hoạch xây dựng và bảo đảm quá trình thực hiện quy hoạch theo đúng quy định pháp luật…
“Công tác phát triển đô thị, nhà ở và thị trường bất động sản còn chưa thực sự chặt chẽ, còn tình trạng phát triển theo phong trào, chưa tuân thủ đúng nguyên tắc phát triển theo quy hoạch, có kế hoạch. Nếu không có giải pháp kiểm soát sẽ đối mặt với nhưng rủi ro lớn trong tương lai”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Do đó, cần rà soát, kiến nghị điều chỉnh các quy định pháp luật có liên quan đến công tác quy hoạch; nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu phát triển của các vùng, miền, địa phương, các cực tăng trưởng…
“Bộ Xây dựng phải chủ động phối hợp với TP. Hà Nội để điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô theo hướng phát triển mạnh khu vực Bắc Sông Hồng để giãn dân nội đô; phối hợp với các đô thị lớn để kiểm soát chặt chẽ quá trình đầu tư xây dựng, kiểm soát tầng cao, mật độ dân số…”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương xây dựng các chương trình phát triển đô thị, kế hoạch phát triển đô thị để cân đối nguồn lực, lộ trình, kiểm soát quá trình phát triển các khu đô thị mới, chú ý các công trình dịch vụ thiết yếu. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền hợp lý, vừa bảo đảm hiệu lực quản lý Nhà nước, vừa tạo thuận lợi và sự chủ động tối đa cho các địa phương.
“Ngành cũng phải làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành xây dựng trên các lĩnh vực để kịp thời phát hiện, hướng dẫn, xử lý các thiếu sót, sai phạm; qua đó hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách liên quan; tập trung công tác tái cơ cấu, nâng cao năng lực các doanh nghiệp ngành xây dựng; nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp (đặc biệt các viện nghiên cứu, trường đào tạo trọng điểm của ngành...)”, Phó Thủ tướng nói.
Về vấn đề nhà ở xã hội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, hiện nay, cơ cấu phát triển nhà đang mất cân đối, thiếu nhiều nhà ở giá rẻ, phù hợp với đại đa số người dân. Đặc biệt, nhà ở xã hội ít được các địa phương quan tâm đầu tư, khuyến khích phát triển. Người lao động tại các đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế đang rất thiếu nhà ở. Các địa phương phải vào cuộc mới giải quyết được. Địa phương phải tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội. Nhiều địa phương mới chỉ quan tâm đến tăng trưởng, chưa quan tâm đến đời sống công nhân.
“Bộ Xây dựng phải có các giải pháp cụ thể để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội tại khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp; cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nhà cho thuê, nhà ở giá thấp; kiểm soát chặt chẽ việc quy hoạch và khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất đô thị dành để phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, phải gắn phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp với phát triển đô thị, phát triển nhà ở, đặc biệt nhà ở cho công nhân. Quy hoạch đô thị, nhà ở phải tránh ‘cắt khúc’ để người công nhân thuận lợi trong công việc và sinh hoạt, giảm thời gian đi lại”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với các bộ ngành địa phương trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về tín dụng, quy hoạch, thủ tục... liên quan đến các dự án bất động sản; nghiên cứu, đề xuất các quy định quản lý liên quan đến các loại hình bất động sản mới: căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel)...
“Phải kiểm soát tốt, không để xảy ra biến động bất thường trên thị trường bất động sản, đặc biệt tại các đô thị lớn, các khu vực phát triển mới; gắn phát triển thị trường bất động sản với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và Chương trình phát triển Nhà ở xã hội”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Đối với thị trường vật liệu xây dựng, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành xây dựng phải nắm chắc diễn biến, bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường, nhất là các vật liệu chủ yếu. Rà soát, sớm xây dựng Quy hoạch ngành quốc gia về thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng theo quy định của Luật Quy hoạch. Tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh Chương trình phát triển vật liệu không nung, vật liệu xây dựng mới.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị
Thay mặt Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cảm ơn và tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng và khẳng định trong thời gian tới, ngành Xây dựng kiên quyết năng động, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ. Đồng thời, Bộ trưởng giao Vụ Kế hoạch tài chính chủ trì dự thảo trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt Kế hoạch hành động của Bộ thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ: Nghị quyết số 01 về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước 2019; Nghị quyết 02 về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2019 và định hướng đến năm 2021; Nghị quyết số 03 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước 2019.
"Chủ trương của Bộ Xây dựng là tạo bứt phá một cách cụ thể, định lượng được rõ người, rõ việc, rõ tiến độ thực hiện và sớm hoàn thành công việc", Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cam kết./.
Bình luận