Khúc Văn Quý

Nghề nghiên cứu: khổ hạnh và cô đơn
Trong nghiên cứu đỉnh cao, những con sói đầu đàn thường tìm những bài toán, chủ đề khó để chinh phục, tạo ra tri thức mới có giá trị cao, mở lối cho những thế hệ kế cận phát triển.

Vài hôm trước, tôi nhận được thư của vị Tổng biên tập một tạp chí, phản hồi về một bản thảo khoa học mà tôi có gửi cho họ khoảng 4 tháng trước. Kết quả nhận được là: sửa chữa nhỏ. Bình thường nhận được phản hồi như vậy là vui nhưng kỳ thực thì lại không hẳn thế, vì hành trình gian nan tìm ngôi nhà cho “đứa con tinh thần” này thật có 1 không 2…

Cách đây 4 năm, khi còn là năm cuối chương trình tiến sỹ, tôi nộp bản thảo này cho World Development - một tạp chí uy tín trong ngành. Và sau khi chờ đợi khoảng 1,5 năm thì nhận được tin là: không được chấp nhận (rejected). Lúc đó tôi tiếc điếng cả người. Bản thảo sau đó cũng được gửi đi cho 4 hay 5 tạp chí khác, nhưng lần lượt có chung kết quả là “không được xuất bản”. Tôi đành để bài này lại, chẳng ngó ngàng đến nó mãi đến đầu năm nay mới gửi đi. Nếu may mắn bài này được chấp nhận đăng thì cũng là một dấu mốc với riêng cá nhân tôi khép lại luận án tiến sĩ có cả 4 chương đều được xuất bản. Điều quan trọng là tôi đã thực hiện xong lời hứa với người thầy hướng dẫn của mình. Cách đây hơn 5 năm, tôi đọc được một bài viết của GS Nguyễn Văn Tuấn, ông nói đại ý là làm 研究 [1] là một công việc “khổ hạnh”. Lúc làm cực khổ bao nhiêu thì khi công trình được xuất bản, nhà khoa học sẽ cảm thấy hạnh phúc bấy nhiêu. Vì thế với trải nghiệm vừa rồi, tôi càng thấm thía với câu nói của Ông.

Nghề nghiên cứu không có khái niệm thời gian. Chúng tôi đa phần không có ngày cuối tuần, thứ bảy chủ nhật, bởi ngày nào cũng nghĩ và viết. Khi hút vào một chủ đề hấp dẫn, nhà khoa học nghĩ ở mọi nơi, đang ăn cũng nghĩ (think), đi đường cũng nghĩ, trước khi đi ngủ vẫn nghĩ và thức dậy lại nghĩ. Bây giờ tôi cũng hiểu nhà có người làm nghiên cứu thì gần như cả nhà đều phải hy sinh. Nghe đến chữ “hy sinh” có vẻ to tát, nhưng sự thật là vậy. Khi tôi làm nghiên cứu thì không để ý những thứ xung quanh, quên cả thời gian, ngày lễ, ngày nghỉ. Và vì thế không chỉ bản thân mà người thân cũng chịu nhiều thiệt thòi nhiều thứ. Tôi vẫn nhớ, giai đoạn căng thẳng là khoảng thời gian 1,5 năm còn lại của chương trình tiến sỹ. Cứ 7 giờ sáng là tôi có mặt ở lab, pha cà phê cho thầy và cả lab xong là bắt đầu công việc đến tối mới về. Mỗi ngày lịch trình rất tẻ nhạt: uống cà phê, đọc tài liệu và viết. Lúc đó tôi dành toàn bộ thời gian để chuẩn bị các bản thảo và làm luận án. Còn việc nhà và chăm hai con nhỏ gần như vợ tôi làm cả. Thực lòng lúc đó quyết tâm để vừa tốt nghiệp được và xin được công việc nghiên cứu sau tiến sỹ (postdoc) sau khi tốt nghiệp, nên cả hai người (tôi và vợ tôi) căng mình lên mà chẳng ai ca thán một lời.

Chuyện hy sinh cũng không riêng gì tôi. Hôm trước, các gia đình ngồi đông đủ tại nhà bác trưởng xóm. Đang vui chuyện thì một chị phải đứng dậy về tiếp khách. Một lúc sau chị quay lại kể về hai vị khách. Họ là cặp vợ chồng là bạn học cũ của chị, hiện giờ đang làm việc cho Trường học Vanderbilt University. Kịch bản cũng y hệt. Cô vợ giỏi giang hồi ở Việt Nam làm trong ngành y, nhưng sang Mỹ thì hy sinh mọi thứ, chỉ ở nhà làm nội trợ, chăm chồng con để ông chồng chuyên tâm làm khoa học.

Đối với nhà khoa học, sự cô đơn luôn thường trực. Trong quá trình nghiên cứu, tìm tòi khám phá cái mới thì nhà khoa học thường chỉ đi một mình. Chia sẻ ý tưởng, hợp tác trong khoa học cũng là một cách thúc đẩy sự sáng tạo [2], tuy nhiên không phải lúc nào cũng được diễn ra. Vì thế thông thường kết quả ra rồi mới chia sẻ với mọi người xung quanh. Trong nghiên cứu đỉnh cao, những con sói đầu đàn thường tìm những bài toán, chủ đề khó để chinh phục, tạo ra tri thức mới có giá trị cao, mở lối cho những thế hệ kế cận phát triển, thì sự cô đơn càng thấy rõ. Mỹ cảm của sự cô đơn nằm ở chỗ, nó là một điều kiện quan trọng (của nhà khoa học) trong quá trình tu tập, trải nghiệm, thực hành 3D [3] để bứt phá trong sự nghiệp học thuật.

Làm nghiên cứu có lẽ vui nhất là khoảng thời gian nhà khoa học nhận được tin bài được chấp nhận để đăng và chờ đợi bài được lên sóng online. Ở khoa hay nhóm nghiên cứu của tôi, mỗi khi đồng nghiệp chia sẻ là có bài vừa được chấp nhận để đăng thì tinh thần mọi người đều hào hứng, phấn chấn hẳn lên. Còn đối với tác giả có công trình khoa học thì cũng chỉ được hưởng niềm vui giản dị thoáng qua trong chốc lát, rồi lại trở về “mặt đất” chiến đấu tiếp với các ý tưởng, bản thảo, công trình tiếp theo.

Tôi có người anh cũng là nhà khoa học uyên bác, có tiếng trong nước và quốc tế. Có lần ông tâm sự: “được làm nghề nghĩ và viết cũng là may mắn trong đời”. Theo tinh thấn ấy, dù nghề nghiên cứu hiện giờ chịu nhiều thiệt thòi về thu nhập hay mức đãi ngộ, nhưng các nhà khoa học Việt Nam có “gen” vượt khó nên số lượng và chất lượng công trình khoa học được công bố hàng năm vẫn tăng đều đặn. Tóm lại, cho dù (điều kiện sống) thế nào, làm nghiên cứu không chỉ là một con đường tích lũy sự hiểu biết, rèn rũa trí khôn, mà là cách để đóng góp, cống hiến cho xã hội bằng những kết quả nghiên cứu hữu ích/giá trị [4,5]. Và như thế dù phải thầm lặng hy sinh, vất vả, cô đơn nhưng chúng tôi (tôi) vẫn luôn tự hào và hạnh phúc với nghề nghiên cứu.

Tài liệu tham khảo

[1] Vương Quân Hoàng. (2021). Tìm hiểu về chữ nghiên cứu 研究. https://nhovuonque.blogspot.com/2021/12/tim-hieu-ve-chu-nghien-cuu.html.

[2] Vuong, Q. H. et al. (2022). Covid-19 vaccines production and societal immunization under the serendipity-mindsponge-3D knowledge management theory and conceptual framework. Humanities and Social Sciences Communications, 9(1), 1–12. https://doi.org/10.1057/s41599-022-01034-6

[3] Vuong, Q. H., & Napier, N. K. (2014). Making creativity: the value of multiple filters in the innovation process. International Journal of Transitions and Innovation Systems, 3(4). https://doi.org/10.1504/IJTIS.2014.068306

[4] Khúc Văn Quý. (2022a). Suy ngẫm về trí thức tinh hoa. Kinh tế và Dự báo. https://kinhtevadubao.vn/suy-ngam-ve-tri-thuc-tinh-hoa-21778.html

[5] Khúc Văn Quý. (2022b). Tác động của nhà khoa học. Kinh tế và Dự báo. https://kinhtevadubao.vn/tac-dong-cua-nha-khoa-hoc-21991.html