RMB tăng nhẹ sau 3 ngày phá giá liên tiếp

Theo tin từ Bloomberg, tỷ giá RMB giao dịch tại thị trường Trung Quốc vào thời điểm 9h35 sáng 14/8 tại Thượng Hải đứng ở mức 6.3970 RMB/USD, gần như không thay đổi so với mức giá đóng cửa của ngày hôm qua.

Trên thị trường quốc tế, tỷ giá đồng RMB sáng nay tăng 0,4%, thu hẹp mức giảm trong tuần xuống còn 3,6%.
BPoC sáng nay đã tăng tỷ giá tham chiếu hàng ngày đồng RMB thêm 0,05%. Trước đó, trong 3 ngày thứ thứ Ba đến thứ Năm, cơ quan này đã liên tiếp phá giá đồng tiền với mức giảm tương ứng 1,9%, 1,6% và 1,1%.

Báo Wall Street Journal đưa tin thị trường cổ phiếu các nước châu Á hôm nay đã ổn định trở lại sau khi giá đồng RMB không giảm. Các thị trường như Sydney (Úc), Hong Kong, Thượng Hải (Trung Quốc) tăng nhẹ, Phố Wall (Mỹ) cũng ổn định.

Trong khi đó, giá dầu tiếp tục duy trì ở mức thấp kỷ lục sáu năm qua do lo ngại tăng trưởng Trung Quốc suy giảm.

Giá dầu thô Mỹ sụt 17 cent xuống còn 42,06 USD/thùng. Trong khi đó, giá các loại tiền tệ trong khu vực vẫn tiếp tục đà giảm. Đồng Ringgit Malaysia hạ 0,8%, Đôla Úc là 0,9%, Won Hàn Quốc giảm 1%...

"Được" và "mất" sau hành động phá giá đồng RMB của Trung Quốc

Tommy Xie, chuyên gia kinh tế tại Oversea-Chinese Banking Corp có trụ sở tại Singapore cho rằng, nếu tỷ giá đồng RMB ổn định trong những ngày tới đồng nghĩa với việc thị trường đã đi qua những ngày “giông bão”. Tuy nhiên, lần phá giá đồng RMB của Trung Quốc này đã gây ra cú sốc lớn đối với nhà đầu tư quốc tế.

Việc điều chỉnh tỷ giá của Trung Quốc ảnh hưởng không nhỏ đối với thương mại và đầu tư toàn cầu. Thực tế, xuất nhập khẩu của Trung Quốc chiếm vị trí rất lớn trong xuất nhập khẩu toàn cầu, với gần 4.000 tỷ USD. Đối với những nước nhập siêu từ Trung Quốc (như Việt Nam), hàng hóa Trung Quốc sẽ tràn vào, khiến nhiều doanh nghiệp nội không cạnh tranh được, dẫn tới suy giảm quy mô, cắt giảm việc làm...

Đáng chú ý, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực gồm 10 nước ASEAN và 6 quốc gia khác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, New Zealand dự kiến được ký kết vào cuối năm nay, theo đó hàng hóa của Trung Quốc có thuế suất bằng 0%. Khi đó, hàng hóa của Trung Quốc có thêm cơ hội tràn vào Việt Nam.

Theo các nhà phân tích, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như cá tra, tôm… trở nên kém cạnh tranh hơn so với các quốc gia khác khi đồng tiền của nhiều nước như Thái Lan, Singapore, Philippines, Úc, Hàn Quốc... giảm giá ngay sau khi Trung Quốc phá giá RMB. Đây vừa là các thị trường xuất khẩu lớn, vừa là các đối thủ xuất khẩu của Việt Nam. Riêng mặt hàng cá tra, Trung Quốc và ASEAN là thị trường chiếm đến 20% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam.

Đối với hoạt động đầu tư, các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư khá mạnh ra nước ngoài. Với việc đồng RMB giảm giá, lợi nhuận dự kiến từ hoạt động đầu tư sẽ giảm, hoặc vốn đầu tư tăng lên, họ có thể cân nhắc rút vốn đầu tư, gây bất lợi cho nước sở tại, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định. Ngoài ra, giá RMB giảm có thể giúp hạn chế vốn ngoại rút khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc, vì giá cổ phiếu hấp dẫn hơn (rẻ hơn khi quy ra Đô la Mỹ).

Tuy nhiên, việc Trung Quốc phá giá RMB cũng có những bất lợi. Chẳng hạn, các công ty Trung Quốc hiện vay nợ nước ngoài nhiều nhất châu Á, nên việc giảm giá RMB sẽ khiến khối nợ tăng thêm hàng tỷ đô la Mỹ. Tài sản đầu tư tại nước ngoài giảm giá trị. Sức mua trong nước giảm sút vì đồng nội tệ mất giá. Các công ty nhập khẩu bị ảnh hưởng vì phải bỏ ra nhiều nội tệ hơn để nhập hàng. Diễn biến trên thị trường chứng khoán Trung Quốc cho thấy, cổ phiếu của nhiều hãng hàng không và nhà nhập khẩu giảm giá.

Cụ thể, giới phân tích dự báo sau khi Trung Quốc phá giá đồng RMB, lợi nhuận của các hãng hàng không nội địa, như: China Southern Airlines, China Eastern Airlines, Air China… sẽ sụt giảm mạnh. Mới đây, giá cổ phiếu China Southern Airlines sụt tới 18% tại thị trường chứng khoán Hong Kong./.