Nhìn lại kinh tế thế giới tuần 10-16/7
Tổng thống Mỹ muốn trao đổi với Nga để dỡ bỏ trừng phạt
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông muốn "trao đổi" với Nga để đổi lấy việc Mỹ dỡ bỏ trừng phạt nhằm vào Moskva.
Phát biểu với báo giới trong chuyến công du Pháp ngày 13/7, Tổng thống Trump nhấn mạnh với tư cách là người từng làm kinh doanh, ông không muốn dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chống Nga mà không nhận được bất kỳ sự trao đổi nào.
Ông Trump khẳng định không bao giờ dỡ bỏ trừng phạt Nga cho đến khi Moskva thể hiện những nỗ lực liên quan đến vấn đề Syria và Ukraine khiến Washington và các bên hài lòng.
Mỹ bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Nga với cáo buộc Moskva liên quan đến tình tình hình khủng hoảng tại miền Đông Nam Ukraine, vấn đề bán đảo Crimea sáp nhập trở lại Nga hồi năm 2014. Hàng loạt ngân hàng và công ty Nga, cũng như nhiều công chức nước này đã bị ảnh hưởng do lệnh trừng phạt trên của Mỹ. Các hoạt động đầu tư, xuất khẩu hàng hóa, công nghệ và dịch vụ của Mỹ vào Crimea cũng bị đình chỉ. Các biện pháp trừng phạt này đã nhiều lần được chính quyền Washington mở rộng và gia hạn.
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế Mỹ đối mặt nhiều thách thức
Điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện ngày 13/7, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen cảnh báo mục tiêu tăng trưởng kinh tế 3% mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump đặt ra khá khó khăn để có thể đạt được.
Trong chiến dịch tranh cử vào năm ngoái, ông Trump cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lên mức 4%, nhưng các quan chức trong chính phủ sau đó đã hạ mục tiêu này xuống 3%, thừa nhận là cần có thời gian để đạt được.
Tuy nhiên, bà Yellen cảnh báo tiềm năng tăng trưởng của kinh tế Mỹ hiện được cho là ở mức 2%. Nói về khả năng đạt được mức tăng trưởng 3% trong 5 năm tới, bà Yellen cho rằng sẽ là khá khó khăn. Bà cho rằng, một mức tăng trưởng cao như vậy sẽ đòi hỏi tăng trưởng năng suất phải đạt 2% so với mức 0,5% hiện nay.
Bà Yellen nêu lên các yếu tố kìm hãm tăng trưởng năng suất, liên quan đến khó khăn của các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm lao động có trình độ, nhấn mạnh đến việc phải tập trung vào giáo dục và đào tạo nhân lực.
Chính phủ Nam Phi công bố kế hoạch tái thiết nền kinh tế
Ngày 13/7, Nam Phi đã thể hiện quyết tâm tái thiết nền kinh tế vốn đang chìm sâu trong suy thoái và trì trệ với một kế hoạch hành động.
Bộ trưởng Tài chính Malusi Gigaba cho biết để thoát khỏi tình hình suy thoái về mặt kỹ thuật hiện tại, chính phủ sẽ bán những tài sản phụ và tư nhân hóa một phần một số tập đoàn thuộc sở hữu của nhà nước (SOEs) và chính phủ.
Các SOEs thuộc diện chịu tác động của kế hoạch lần này gồm tập đoàn năng lượng Eskom, Hãng hàng không Nam Phi và các công ty viễn thông. Một số lĩnh vực khác như ngân hàng, khai khoáng và dầu mỏ, công nghiệp khai thác mỏ và sở hữu đất đai cũng thuộc diện điều chỉnh trong kế hoạch trên.
Theo Bộ trưởng Gigaba, Nam Phi vẫn đang phải đối mặt với nhiều thử thách ở phía trước vì vậy việc áp dụng các biện pháp thắt chặt chi tiêu là rất cần thiết.
Ông Gigaba cũng đánh giá kinh tế Nam Phi đang tăng trưởng ở mức độ quá thấp, không đủ để đứng vững trước 3 thách thức mà quốc gia này đang phải đối mặt gồm tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ đói nghèo và bất bình đẳng cao. Vì vậy, đây là lúc cần có những biện pháp kích thích cụ thể để đạt được các mục tiêu về chuyển đổi kinh tế và tạo công ăn việc làm trong xã hội.
IEA nâng dự báo về nhu cầu dầu mỏ thế giới trong năm 2017
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu dầu mỏ của thế giới trong năm 2017 sẽ cao hơn chút ít so với dự đoán trước đó, nhờ sức tiêu thụ ở Ấn Độ, Mỹ và Đức gia tăng.
Cụ thể, mức tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới trong năm 2017 dự kiến là 1,4 triệu thùng/ngày. Như vậy, tổng nhu cầu dầu thế giới dự kiến đạt 98 triệu thùng/ngày trong năm 2017 và 99,4 triệu thùng/ngày năm 2018.
Nhằm giảm bớt tình trạng dư cung cầu thế giới và hỗ trợ giá “vàng đen”, các quốc gia thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã nhất trí cắt giảm sản lượng từ đầu năm nay, trong khi các nước sản xuất dầu ngoài khối, do Nga dẫn đầu, cũng tham gia thỏa thuận này.
Tuy vậy, một số nhà quan sát cảm thấy cái gọi là “tái cân bằng” thị trường dầu đang cần quá nhiều thời gian để có thể trở thành hiện thực.
EU đề xuất kết thúc các biện pháp áp đặt lên Hy Lạp 8 năm qua
Ngày 12/7, Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất kết thúc các biện pháp được áp đặt từ 8 năm qua với Hy Lạp do thời gian qua đất nước Nam Âu này đã thu được những kết quả kinh tế khả quan, dù vẫn tiếp tục cần sự trợ giúp cho đến năm 2018.
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis đánh giá quyết định là một tín hiệu tích cực nữa chứng tỏ Hy Lạp đã dần đạt được sự ổn định tài chính và từng bước vực dậy nền kinh tế.
Hy Lạp, vốn ghi nhận tình trạng thâm hụt ngân sách vượt trần quy định 3% GDP của Eurozone trong nhiều năm liền, đã bị đặt dưới sự kiểm soát của EC kể từ năm 2009.
Theo số liệu mới nhất của EC, sau nhiều biện pháp cải cách triệt để, năm 2016, Hy Lạp đã đạt được thặng dư ngân sách với tỷ lệ 0,7% GDP.
Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế Pierre Moscovici nhấn mạnh đây là thời điểm mang tính biểu tượng cho người Hy Lạp, khi quốc gia này thu được những thành tựu kinh tế đáng ghi nhận sau nhiều năm nỗ lực. Việc kết thúc các biện pháp áp đặt lên Hy Lạp sẽ được chính thức xác nhận bởi 28 Bộ trưởng tài chính EU sau kỳ nghỉ Hè này./.
Bình luận