57 quốc gia thành viên sáng lập ký kết các thỏa thuận về AIIB

Ngày 29/6 tại thủ đô Bắc Kinh, 57 quốc gia thành viên sáng lập Ngân hàng Đầu tư Kết cấu Hạ tầng châu Á (AIIB), do Trung Quốc đứng đầu, đã bắt đầu ký các điều khoản trong hiệp định về liên kết để thành lập định chế tài chính mới này.

Nội dung của hiệp định này bao gồm các quy định về vốn góp, quyền bỏ phiếu, nghiệp vụ kinh doanh, kết cấu điều hành, cơ chế quyết sách…

Theo các điều khoản thành lập, Trung Quốc sẽ đóng góp gần 30 tỷ USD trong 100 tỷ USD vốn cơ bản của AIIB, theo đó Bắc Kinh sẽ nhận được từ 25-30% quyền biểu quyết.
Dự kiến, AIIB sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay. Ngân hàng này được cho là đối thủ của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Singapore đưa ra sáng kiến mới thúc đẩy khu vực tài chính

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Tharman Shanmugam cho biết do những diễn biến trên thị trường và thay đổi trong quy định toàn cầu những năm qua, Singapore sẽ tiến tới hợp lý hóa sự phân biệt giữa các hoạt động nội địa và quốc tế trong hệ thống ngân hàng hiện hành.

Theo ông Tharman, quy định của MAS về vấn đề này đã không còn hiệu quả. Dự kiến, thông báo chi tiết về điều chỉnh này sẽ được công bố vào tháng Tám tới.
Bên cạnh đó, nhà chức trách cũng sẽ áp dụng nhiều sáng kiến phát triển năng lực và nhân lực để đảm bảo giá trị cốt lõi của Singapore trong hàng loạt hoạt động của khu vực tài chính, qua đó giúp định hình sự thành công của Singapore với tư cách một trung tâm tài chính khu vực và thế giới.

Một trong số các sáng kiến trên là chương trình dành cho sinh viên các ngành nghề kỹ thuật sau khi tốt nghiệp, trong đó các tân cử nhân sẽ được trải nghiệm làm việc tại một thể chế tài chính và được đào tạo hướng tới bằng cấp cao hơn.

Hàn Quốc tung gói kích thích kinh tế 15.000 tỷ won do dịch MERS

Ngày 1/7, Chính phủ Hàn Quốc và các nghị sỹ đảng cầm quyền Saenuri trong Quốc hội đã nhất trí kế hoạch tung ra gói kích thích trị giá 15.000 tỷ won (13,5 tỷ USD) để hỗ trợ nền kinh tế nước nhà, vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề của Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS).

Kế hoạch này sẽ được trình lên Quốc hội vào ngày 6/7 để xem xét thông qua trong phiên họp ngày 20/7 tới.

Các quan chức cho biết họ đã nhất trí về quy mô gói kích thích sau khi phân tích kỹ ảnh hưởng của MERS đối với nền kinh tế và kết luận rằng dịch bệnh này đã làm giảm mạnh mức chi tiêu của người dân và ảnh hưởng nặng nề đến nhiều ngành kinh tế, đặc biệt là du lịch.

Theo đề xuất, số tiền trên sẽ được huy động từ việc tận dụng ở mức cao nhất những khoản tiền chưa sử dụng đến của ngân sách năm 2014 và phát hành trái phiếu của chính phủ ở mức thấp nhất.

WB hối thúc Trung Quốc đẩy nhanh cải cách lĩnh vực tài chính

Trong Báo cáo Cập nhật kinh tế Trung Quốc mới công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) hối thúc Trung Quốc đẩy nhanh cải cách lĩnh vực tài chính do nhà nước kiểm soát và cảnh báo sự thất bại trong việc giải quyết vấn đề này có thể kết thúc ba thập niên tăng trưởng ấn tượng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo WB, ưu tiên của Trung Quốc trong năm nay là thực hiện những điều chỉnh cơ cấu trong khi cân đối giữa việc cải cách với những yêu cầu ngắn hạn. Thiết chế tài chính này cho rằng sự can thiệp của nhà nước là nguyên nhân khiến hệ thống tài chính hoạt động yếu kém và những cải cách đối với lĩnh vực này nhằm tăng hiệu quả của các khoản đầu tư mới và tăng cường sự tiếp cận tài chính là cần thiết để giữ vững đà tăng trưởng và tái cân bằng nền kinh tế./.