Những giải pháp để cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh ngành Công Thương đạt hiệu quả cao
Thành công từ những nỗ lực
Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác chỉ đạo, điều hành về cải cách hành chính
Công tác chỉ đạo điều hành về cải cách hành chính (CCHC) đã và đang được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm chỉ đạo sát sao với phương châm Chính phủ kiến tạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân để phát triển kinh tế. Tại Bộ Công Thương, công tác CCHC nói chung và cải cách thủ tục hành chính (TTHC) nói riêng luôn được Lãnh đạo Bộ, đứng đầu là đồng chí Bộ trưởng đặc biệt quan tâm, chỉ đạo gắn liền với trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị và các đồng chí thứ trưởng theo lĩnh vực phụ trách.
Lãnh đạo Bộ thường xuyên lồng ghép, phổ biến, quán triệt sâu rộng về tầm quan trọng và mục tiêu, ý nghĩa của công tác CCHC thông qua các hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, các hội nghị, hội thảo chuyên môn và các hội nghị giao ban của Bộ... góp phần nâng cao tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ và triển khai thực hiện các nhiệm vụ về CCHC.
Qua đó, đã tạo chuyển biến rõ rệt trong hành động của toàn bộ hệ thống lãnh đạo, cán bộ, công chức của Bộ Công Thương thời gian qua nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, người dân trong sản xuất, kinh doanh theo đúng tinh thần các nghị quyết số 19 của Chính phủ.
Năm 2017, theo chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước và yêu cầu đặt ra tại Bộ trong tình hình mới, căn cứ các chương trình, kế hoạch về CCHC, phạm vi chức năng quản lý, Bộ Công Thương theo phân cấp, thẩm quyền đã ban hành một hệ thống nhiều văn bản chỉ đạo điều hành về CCHC đảm bảo hiệu quả, kịp thời, tạo cơ sở, tiền đề để các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ triển khai đảm bảo đồng bộ, hiệu quả các chương trình, kế hoạch về CCHC hành chính theo đúng chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, cũng như Bộ Công Thương (khoảng trên 20 văn bản, chưa tính chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ tại các văn bản có liên quan).
Luôn nỗ lực trong công tác đơn giản hóa TTHC, điều kiện đầu tư kinh doanh, nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, người dân trong sản xuất, kinh doanh theo tinh thần các nghị quyết số 19 của Chính phủ.
Bộ Công Thương là bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống an sinh xã hội của các tổ chức và người dân, chúng tôi xác định "chất lượng công tác CCHC của Bộ Công Thương phải được đo bằng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp".
Nằm trong nỗ lực chung của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hướng tới một Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp, thời gian qua công tác CCHC nói chung, cải cách TTHC, hiện đại hóa hành chính nói riêng luôn được Bộ Công Thương hết sức quan tâm, chú trọng nhằm nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, gắn công tác xây dựng thể chế với công tác xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật; bảo đảm các quy định, TTHC được thực thi thống nhất, hiệu quả trên phạm vi cả nước.
Tiếp theo Phương án tổng thể đơn giản hóa TTHC trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương năm 2017 (Quyết định số 4846/QĐ-BCT, ngày 09/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương), Bộ Công Thương đã thực hiện đơn giản hóa, bãi bỏ 123 TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý, tại 40 văn bản quy phạm pháp luật. Ngày 20/09/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định số 3610a/QĐ-BCT về phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017-2018 (Quyết định số 3610a/QĐ-BCT); theo đó, 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh được cắt giảm, chiếm tới 55,5% tổng các điều kiện đầu tư kinh doanh hiện có.
Bộ Công Thương luôn nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính
Phương án cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh của Bộ Công Thương được thực hiện theo các nguyên tắc sau:
Thứ nhất, chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước bằng việc chuyển dần sang hậu kiểm trong xây dựng, thực hiện các điều kiện kinh doanh.
Thứ hai, tính đến các điều kiện gia nhập thị trường theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Thứ ba, điều kiện đầu tư, kinh doanh nếu thực sự cần thiết cũng phải đáp ứng các tiêu chí theo quy định tại Điều 7, Luật Đầu tư năm 2014.
Thứ tư, phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh và chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực phải được đánh giá, xem xét thận trọng về tính khả thi, các điều kiện nguồn lực của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, xem xét khả năng phân cấp mạnh mẽ hơn cho các địa phương trong quản lý, thực hiện.
Thứ năm, phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh cần phải gắn với công tác CCHC, đặc biệt là công tác cải cách thể chế, cải cách TTHC.
Với các nguyên tắc xác định như trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ tiến hành công tác rà soát, hệ thống hóa toàn bộ danh mục các điều kiện đầu tư kinh doanh gắn với CCHC.
Công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tại Bộ Công Thương được thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt.
Với phương châm và thực hiện tổ chức sắp xếp bộ máy như trên, Bộ đã hoàn thiện việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức trình Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ ký ban hành Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18/08/2017 thay thế Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương.
Theo Nghị định số 98, số đầu mối của Bộ đã cắt giảm 5 đầu mối (từ 35 vụ, vục và tương đương xuống còn 30 đầu mối trong đó có 26 đơn vị hành chính và 4 đơn vị sự nghiệp công lập). Để đạt được mục tiêu này, Bộ Công Thương đã thực hiện việc sáp nhập, hợp nhất một số đơn vị, như: sáp nhập Vụ Phát triển nguồn nhân lực vào Vụ Tổ chức cán bộ; sáp nhập Vụ Thi đua khen thưởng vào Văn phòng Bộ; hợp nhất Vụ Thị trường châu Á – Thái Bình dương và Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á thành Vụ Thị trường châu Á – châu Phi; hợp nhất Vụ Thị trường châu Âu với Vụ Thị trường châu Mỹ thành Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, hợp nhất Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công nghiệp với Viện Nghiên cứu Thương mại thành Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương... Bên cạnh đó, số lượng tổ chức cấp phòng tại Bộ Công Thương đã được cắt giảm mạnh mẽ. Cụ thể, tại các cục, vụ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ đã cắt giảm 72 đơn vị cấp phòng (tương đương giảm 36,5% số phòng).
Sau khi Nghị định số 98 được ban hành, Bộ Công Thương đã thực hiện việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ và cán bộ các đơn vị theo mô hình tổ chức mới. Đã ban hành các quyết định quy định về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ (riêng với trường hợp Tổng cục Quản lý thị trường chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quy định). Phân bổ biên chế công chức và chỉ tiêu hợp đồng theo Nghị định số 68 cho các cơ quan hành chính của Bộ năm 2017. Sắp xếp, bố trí nhân sự lãnh đạo của các đơn vị, điều chuyển cán bộ chuyên môn nghiệp vụ theo sự điều chuyển về chức năng nhiệm vụ cho các đơn vị. Chỉ đạo các đơn vị mới thành lập hoặc đổi tên gọi thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết để đơn vị mới hoạt động (cơ sở vật chất, con dấu, tài khoản...). Hiện các đơn vị theo cơ cấu tổ chức mới của Bộ đã đi vào hoạt động ổn định.
Cùng với việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy, Bộ đã xây dựng phương án tổ chức, bố trí sắp xếp nhân sự, đảm bảo sử dụng có hiệu quả nhất cơ cấu biên chế công chức trong quá trình sắp xếp bộ máy, đảm bảo khách quan, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, công chức của Bộ.
Việc sắp xếp, đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ cần phải được đẩy mạnh trong thời gian tới. Hiện nay, Bộ Công Thương đang được giao quản lý 13 viện nghiên cứu, 35 trường đào tạo trực thuộc Bộ, không kể các đơn vị sự nghiệp trực thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thuộc Bộ.
Để thực hiện sắp xếp, đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, Bộ Công Thương đang tiến hành quy hoạch, sắp xếp lại các trường đào tạo thuộc Bộ theo nguyên tắc: sắp xếp, đổi mới cơ chế quản lý và hoạt động của các cơ sở đào tạo nhằm tập trung nguồn lực cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Công Thương, góp phần thực hiện hiệu quả quy hoạch phát triển nhân lực ngành Công Thương, các chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp và thương mại được ưu tiên phát triển; tinh gọn đầu mối quản lý, giao tối đa quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở đào tạo; tổ chức lại hệ thống các cơ sở đào tạo trên cơ sở chọn các trường có thế mạnh về đào tạo và nghiên cứu khoa học làm hạt nhân, mở rộng hoạt động của các trường này thông qua việc tiếp nhận các trường khác theo hình thức sáp nhập, lập phân hiệu phù hợp với quy định của pháp luật. Đối với viện nghiên cứu thuộc Bộ, ngoài việc đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, Bộ đã và đang thực hiện thí điểm cổ phần hóa một số viện nghiên cứu đủ điều kiện theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên cơ sở đó sẽ tổng kết, đánh giá và đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, xã hội hóa hoạt động của các viện nghiên cứu.
Về việc thành lập mới các tổ chức trực thuộc đơn vị hành chính, sự nghiệp: không lồng ghép nội dung về tổ chức bộ máy vào trong các văn bản chuyên môn, chỉ quy định trong các văn bản chuyên ngành về lĩnh vực tổ chức nhà nước; thực hiện sắp xếp, kiện toàn, giảm đầu mối gắn với tinh giản biên chế; kiên quyết giảm và không thành lập mới các tổ chức trung gian; chỉ thành lập tổ chức mới trong trường hợp cá biệt thật sự cần thiết do yêu cầu của thực tiễn được cấp có thẩm quyền quyết định; giải thể các tổ chức hoạt động không hiệu quả…
Trong công tác cán bộ, chú trọng, sử dụng các cán bộ lãnh đạo có tâm, tầm, có năng lực, nhiệt huyết với công việc, dám nghĩ, dám làm, tạo lực lượng nòng cốt trong công tác cán bộ. Tiến hành rà soát, đánh giá, bổ sung quy hoạch nhân sự lãnh đạo các cấp của Bộ Công Thương giai đoạn 2017-2020, tiến hành xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo giai đoạn 2021-2026. Tiến hành rà soát, bổ sung các quy chế, quy định về công tác bổ nhiệm, luân chuyển, đề bạt, đánh giá cán bộ. Điều này góp phần đảm bảo cho việc sắp xếp, bố trí nhân sự được tiến hành dân chủ công khai, minh bạch đúng quy định, đảm bảo lựa chọn được người có tài, có đức, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của Chính phủ kiến tạo và phát triển.
Luôn là Bộ thực hiện tốt trong công tác hiện đại hóa nền hành chính
Tính đến tháng 12/2017, Bộ Công Thương đã và đang triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng các nội dung Kế hoạch cung cấp dịch vụ công trực tuyến năm 2017; theo đó, tất cả 298 TTHC cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 trở lên; trong đó có 11 nhóm dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 41 nhóm dịch vụ công mức độ 3 (tương ứng với 154 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4) và cả 154 dịch vụ công trực tuyến này đều đã được tích hợp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ. Trong các tháng cuối năm 2017, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai mới và nâng cấp 22 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4 thuộc các lĩnh vực an toàn thực phẩm, hóa chất, lưu thông hàng hóa trong nước, Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, vật liệu nổ công nghiệp, xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại… và thực hiện tích hợp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ.
Bộ Công Thương đã thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia (VNSW) đối 05 TTHC, bao gồm: cấp giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi; cấp phép nhập khẩu tự động xe mô tô phân khối lớn; cấp phép nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ôzôn; cấp giấy chứng nhận quy trình kimberley đối với kim cương thô; cấp giấy phép xuất nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp. Cả 05 TTHC nói trên đều đã được thực hiện trực tuyến mức độ 4. Tính riêng thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D trong năm 2017 đã gửi sang VNSW và Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) 189.552 bộ hồ sơ.
Hiện nay, Bộ Công Thương đã phối hợp với Tổng cục Hải quan hoàn thành việc kết nối kỹ thuật trao đổi C/O mẫu D điện tử với VNSW và ASW, đã và đang tiếp tục thực hiện kế hoạch triển khai chính thức trao đổi C/O mẫu D điện tử với 05 nước thành viên gồm: Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam, dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2017.
Luôn quan tâm, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền định hướng dư luận
Những năm vừa qua, Bộ Công Thương hết sức quan tâm, chú trọng đến công tác thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận, đã thực hiện ký kết nhiều chương trình hợp tác thông tin tuyên truyền giữa Bộ Công Thương với các cơ quan thông tấn, báo chí và các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ và triển khai khai mạnh mẽ công tác thông tin, tuyên truyền hoạt động chỉ đạo điều hành; kết quả, tình hình triển khai các chương trình, nhiệm vụ, đề án lớn thuộc phạm vi quản lý nói chung và công tác CCHC của Bộ Công Thương nói riêng; công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm trong lĩnh vực Công Thương trên các phương tiện thông tin đại chúng tạo sự đồng thuận cao trong quần chúng nhân dân.
Với quyết tâm xây dựng một cơ quan quản lý ngành hiệu quả, trách nhiệm và minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, phù hợp với yêu cầu của đất nước thời kỳ hội nhập, năm 2017, các đơn vị thông tin, tuyên truyền thuộc Bộ đã bám sát các hoạt động của lãnh đạo Bộ Công Thương trong việc tuyên truyền các chỉ đạo quyết liệt triển khai thực hiện công tác tái cơ cấu ngành thông qua việc sắp xếp bộ máy tổ chức; cải cách hành chính trong đó có việc hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không phù hợp, áp dụng công nghệ thông tin, thực hiện chính phủ điện tử; đẩy mạnh dịch vụ hành chính công....
Qua theo dõi, tổng kết, các bài viết về CCHC của Bộ Công Thương thời gian qua đã thể hiện một cách trung thực, kịp thời, đúng định hướng, nêu bật được sự nghiêm túc, quyết tâm, quyết liệt của Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng như sự vào cuộc của các đơn vị chức năng thuộc Bộ, sở công thương các địa phương, tập đoàn, tổng công ty. Điều này đã góp phần định hướng dư luận và tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cộng đồng xã hội đối với Bộ Công Thương trong việc thực hiện vai trò quản lý nhà nước và thực thi các quy định pháp luật của nhà nước liên quan CCHC nói riêng và các hoạt động khác, mang lại lợi ích to lớn cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân.
Nhiệm vụ trong thời gian tới
Để tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh công tác CCHC tại Bộ Công Thương thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực để đẩy mạnh triển khai nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
Một là, kiện toàn bộ máy tổ chức của Bộ Công Thương theo Nghị định số 98/2017/NĐ-CP, ngày 18/08/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương.
Hai là, triển khai Đề án đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ thuộc phạm vị quản lý trực tiếp của Bộ Công Thương giai đoạn 2017-2020.
Ba là, hoàn thiện các khung khổ pháp lý để thực hiện hiệu quả Quyết định số 3610a/QĐ-BCT về phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017-2018.
Bốn là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện Chính phủ điện tử để nâng cao chất lượng chỉ đạo điều hành, hoạt động của Bộ Công Thương.
Năm là, nâng cao chất lượng phục vụ và tính công khai minh bạch trong hoạt động của Bộ Công Thương thông qua đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân, tổ chức.
Sáu là, triển khai và nâng cao chất lượng giải quyết TTHC cho doanh nghiệp theo mô hình trung tâm một cửa tại Bộ Công Thương.
Bảy là, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương.
Tám là, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận.
Chín là, đẩy mạnh hiệu quả công tác tiếp nhận/xử lý phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp đối với lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương./.
Bình luận