Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2016 đạt 8,6%

Theo Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2016, phương hướng, nhiệm vụ năm 2017 của UBND tỉnh Ninh Thuận, mặc dù còn nhiều khó khăn, song, tình hình kinh tế của Tỉnh đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 8,6%; thu nhập bình quân đầu người 30,3 triệu đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 8.320 tỷ đồng; Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 2.000 tỷ đồng; Giá trị kim ngạch xuất khẩu ước đạt 80,2 triệu USD.

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực nông nghiệp, tổng diện tích gieo trồng của toàn Tỉnh đạt 78.593 ha, vượt 1,6% kế hoạch, tăng 11,9% cùng kỳ; chuyển đổi 2.038 ha đất lúa sang các cây trồng cạn, tiêu thụ ít nước, vượt 32,7% kế hoạch.

Đối với lĩnh vực thủy sản: Tình hình thời tiết và ngư trường khá thuận lợi, các đàn cá nổi xuất hiện dày và liên lục, ngư trường được mở rộng, năng lực tàu thuyền công suất lớn tăng nhanh, sản lượng khai thác tăng cao, ước đạt 83.800 tấn, tăng 11% so cùng kỳ; sản xuất tôm giống được phục hồi, sản lượng ước đạt 21,8 tỷ con, tăng 11,8% so cùng kỳ.

Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng tình hình hạn hán, nhưng đã tập trung chỉ đạo bám sát mục tiêu đầu năm, triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó đã huy động nguồn lực cộng đồng, lồng ghép các nguồn vốn ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng các xã nông thôn mới, tính đến cuối năm 2016 có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã dưới 7 tiêu chí, đạt mục tiêu đề ra.

Hoạt động kinh doanh du lịch có chuyển biến, chủ trương xây dựng môi trường du lịch sạch được tập trung triển khai, môi trường du lịch được cải thiện, lượng du khách đến tỉnh tăng khá, đã thu hút trên 1,7 triệu lượt khách, tăng 13,3% so cùng kỳ, trong đó khách quốc tế tăng khá.

Hoạt động xuất khẩu chuyển biến tích cực, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu ước đạt 80,2 triệu USD, vượt 14,6% kế hoạch, tăng 33,4% so cùng kỳ, trong đó xuất khẩu hạt nhân điều tăng mạnh, ước đạt 43,73 triệu USD, tăng 68,1%, thủy sản đạt 35,16 triệu USD, tăng 18% cùng kỳ, nhờ giá tiêu thụ tăng, thị trường ổn định và có nhiều hợp đồng mới.

Đầu tư phát triển: Huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 8.320 tỷ đồng, bằng 94,8% cùng kỳ, do nguồn vốn EVN hỗ trợ đầu tư Dự án di dân tái định cư Điện hạt nhân giảm mạnh, vốn trái phiếu chính phủ chưa phát hành, trong tổng số thì nguồn vốn ngân sách nhà nước ước đạt 2.780 tỷ đồng, chiếm 33,4%, vốn các thành phần kinh tế và dân cư ước đạt 5.540 tỷ đồng, chiếm 66,6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Về đầu tư các thành phần kinh tế: Đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Tỉnh, để lại ấn tượng tốt đẹp, tạo làn sóng đầu tư mới, động lực mới cho sự phát triển của Tỉnh; đồng thời chỉ đạo triển khai sau hội nghị mời gọi đầu tư, gắn với thực hiện các quy định mới về thu hút, xét chọn, giám sát xử lý các dự án đầu tư theo hướng tăng cường tính công khai, công bằng, minh bạch trong thực hiện, đến cuối tháng 10/2016 đã cấp mới và điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư và chủ trương địa điểm cho 64 dự án, với tổng vốn đăng ký 18.555 tỷ đồng.

Phấn đấu GRDP năm 2017 đạt 10%-11%

Năm nay, Ninh Thuận phấn đấu đạt các chỉ tiêu về kinh tế, như: Tốc độ tăng trưởng GRDP (theo giá so sánh 2010) đạt 10%-11%, GRDP bình quân đầu người đạt 33-34 triệu đồng; cơ cấu kinh tế: Nông lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 36%-37%, công nghiệp - xây dựng chiếm 22%-23%, dịch vụ chiếm 39%-40%; Thu ngân sách trên địa bàn đạt 2.140 tỷ đồng (thu nội địa 2.130 tỷ đồng, thu hải quan 10 tỷ đồng); giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 80 triệu USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 8.800 tỷ đồng.

Theo đó, Tỉnh sẽ tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu phát triển kinh tế, như: Tạo đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới; khuyến khích tích tụ ruộng đất và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sử dụng nước tiết kiệm kết hợp với công nghệ thâm canh và quản lý cây trồng tổng hợp. Tập trung nguồn lực đẩy mạnh tiến độ xây dựng nông thôn mới, phấn đấu có ít nhất 02 xã đạt chuẩn trong năm 2017.

Ninh Thuận là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển năng lượng tái tạo

Tập trung thu hút phát triển các ngành công nghiệp Tỉnh có lợi thế, trọng tâm là công nghiệp chế biến nông, thủy sản, năng lượng tái tạo, ưu tiên các dự án có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn.

Tỉnh cũng phấn đấu trong năm 2017 có một số dự án điện mặt trời được triển khai thí điểm, 2-3 dự án điện gió được triển khai xây dựng và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đồng thời phối hợp triển khai các bước theo lộ trình tổ hợp các dự án Khu công nghiệp Cà Ná; tập trung hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để khai thác có hiệu quả các năng lực sản xuất mới vừa hoàn thành, như: chế biến Nha đam, rau câu, bia Sài Gòn – Ninh Thuận giai đoạn 2... đóng góp cho tăng trưởng, phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2017 tăng 16%.

Ngoài ra, Tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác quy hoạch xây dựng đô thị và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án giao thông theo hình thức BT, các khu đô thị mới, nhà ở xã hội, chương trình nhà ở cho người nghèo, người có công; tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị.

Về du lịch: Tỉnh phấn đấu năm 2017 thu hút trên 1,75 triệu lượt khách.

Ngoài ra, Ninh Thuận cũng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm; khai thác tốt nhất năng lực chế biến thủy sản xuất khẩu, duy trì xuất khẩu mặt hàng nông sản và mở rộng quy mô xuất khẩu một số mặt hàng mới.

Để thực hiện thành công mục tiêu và các nhiệm vụ nói trên về kinh tế, Ninh Thuận sẽ tập trung vào 7 nhóm giải pháp chủ yếu sau:

1. Chủ động thông tin kịp thời các chủ trương, chính sách, kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương và của Tỉnh, để tạo sự đồng thuận thống nhất cao của cộng đồng các dân tộc trong Tỉnh trong triển khai thực hiện các chủ trương, quyết sách lớn về kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời giao cho các Sở ngành, địa phương xây dựng chương trình trọng tâm, nhiệm vụ đột phá của ngành, địa phương trong năm 2017 để tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện.

2. Huy động tốt nhất các nguồn lực cho đầu tư phát triển: Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy về huy động nguồn lực ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cấp thiết; thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, nhất là các nguồn vốn: Hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, nguồn thu sử dụng đất và nguồn vốn các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; phối hợp tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong thực hiện các dự án Trung ương đầu tư trên địa bàn; tích cực huy động các nguồn vốn ODA.

3. Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 318/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ và các kết luận, chỉ đạo của Trung ương về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận.

4. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước: Tiếp tục kiện toàn các cơ quan nhà nước; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong giải quyết các thủ tục hành chính; nâng cao tính chủ động trong tham mưu đề xuất, trách nhiệm người đứng đầu, hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức viên chức. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hiệu quả quản trị, hành chính công cấp tỉnh (PAPI); đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính.

5. Tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, cập nhật thông tin về diễn biến kinh tế thế giới và trong nước để nâng cao chất lượng phân tích, dự báo; tăng cường hợp tác, liên kết phát triển với các tỉnh trong vùng và cả nước để khai thác có hiệu quả lợi thế so sánh của địa phương; tăng cường quảng bá thương hiệu các sản phẩm đặc thù, xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường; đẩy mạnh đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác đối ngoại, xúc tiến đầu tư.

6. Đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Có giải pháp đồng bộ trong triển khai các Chương trình, đề án đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; triển khai các chính sách nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh xúc tiến, mời gọi các cơ sở đào tạo có uy tín trong và ngoài nước đầu tư thành lập cơ sở đào tạo tại Tỉnh.

7. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường, phát triển theo mô hình kinh tế xanh, sạch để phát triển bền vững; Đẩy mạnh hợp tác liên kết với các tổ chức khoa học có uy tín trong và ngoài nước, chuyển giao công nghệ ứng dụng vào sản xuất. Thực hiện có hiệu quả các Chương trình, Đề án về xây dựng môi trường xanh, sạch nhằm chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường./.