“Về công tác giám sát, tại phiên họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội...”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp thứ 5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc hôm nay (ngày 22/11), theo Văn phòng Quốc hội.

Phải “đọc tên” nơi ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái luật
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu các cơ quan phải chỉ rõ địa chỉ nơi nào ban hành văn bản quy phạm pháp luật vượt thẩm quyền. Ảnh: Quốc hội
Liên quan đến xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 10/2021 của Quốc hội, ông Vương Đình Huệ cho biết, việc này đã có nền nếp và nằm trong lộ trình để tổ chức thực hiện giám sát tối cao của Quốc hội.

Theo ông Vương Đình Huệ, việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật là một trong những hoạt động giám sát quan trọng của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Việc này cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Hiện công tác này được Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội chú trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.

“Tại phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo tổng hợp kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban để có góc nhìn tổng thể về tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện nay. Trên cơ sở đó, nghiên cứu giải pháp để xử lý những văn bản có nội dung sai hoặc chưa rõ ràng, cách hiểu và áp dụng không thống nhất đã được phát hiện..., để có phương án giải quyết, nhằm xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước…”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Trước thực trạng chậm ban hành văn bản, thậm chí còn ban hành văn bản trái với quy định của pháp luật, ông Vương Đình Huệ lưu ý, trong năm qua, sau khi rà soát, Bộ Tư pháp đã phải hủy bỏ hoặc là thu hồi 69 văn bản ban hành trái quy định của pháp luật. Vấn đề đặt ra là trách nhiệm ở đâu? Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nào?

“Với tinh thần đổi mới công tác giám sát, khắc phục tình trạng báo cáo và rút kinh nghiệm chung chung, bên cạnh biểu dương những việc tốt, các cơ quan phải chỉ rõ địa chỉ, đồng thời nêu đích danh những nơi chậm sửa đổi, chậm khắc phục tồn tại, hạn chế, nơi nào ban hành không đúng thẩm quyền, vượt thẩm quyền, trái pháp luật... Vướng mắc về thể chế chính là ở đây, nên đề nghị các đại biểu dành thời gian thích đáng để thảo luận vấn đề này. Trong đó, trách nhiệm chính của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội trong thực hiện giám sát…”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh./.