TS. Dương Nguyệt Nga

Đại học Kinh tế Quốc dân

Nguyễn Phương Uyên, Thái Trần Vân Huế, Nguyễn Thị Diệu Hiền, Nguyễn Khánh Linh

Sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân

Tóm tắt

Dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, hợp đồng thông minh (HĐTM) nổi lên như một giải pháp tiên tiến giúp nâng cao hiệu quả giao kết và thực thi hợp đồng trong kỷ nguyên kinh tế số. Nhờ cơ chế tự động thực thi và bảo mật cao, HĐTM có tiềm năng giảm thiểu rủi ro gian lận, tiết kiệm chi phí và nâng cao tính minh bạch. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện chưa có quy định cụ thể điều chỉnh loại hợp đồng này, đặt ra nhiều thách thức trong việc xác định điều kiện có hiệu lực của HĐTM. Chính vì vậy, trong phạm vi bài viết, nhóm tác giả khái quát định nghĩa HĐTM, từ đó tập trung phân tích thực trạng các vấn đề pháp lý liên quan đến điều kiện có hiệu lực của HĐTM. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất các kiến nghị đối với cơ quan nhà nước nhằm hoàn thiện khung pháp lý tại Việt Nam.

Từ khóa: kinh tế số, blockchain, hợp đồng thông minh, điều kiện có hiệu lực

Summary

Under the impact of the Fourth Industrial Revolution, smart contracts have emerged as an advanced solution to improve the efficiency of contract conclusion and enforcement in the digital economy era. Thanks to the automatic enforcement mechanism and high security, smart contracts have the potential to minimize fraud risks, save costs, and increase transparency. However, Vietnamese law currently does not have specific regulations governing this type of contract, posing many challenges in determining the conditions for the validity of smart contracts. Therefore, within the scope of the article, the authors summarize the definition of smart contracts, thereby focusing on analyzing the current situation of legal issues related to the conditions for the validity of smart contracts. On that basis, the article proposes recommendations for state agencies to improve the legal framework in Vietnam.

Keywords: digital economy, blockchain, smart contracts, conditions for validity

GIỚI THIỆU

Kinh tế số không chỉ là một xu hướng, mà còn là động lực thay đổi cách con người làm việc, giao dịch và giao tiếp. Sự phát triển của Internet, trí tuệ nhân tạo và blockchain đã thúc đẩy quá trình này, trong đó blockchain đóng vai trò quan trọng trong việc ứng dụng HĐTM vào các giao dịch tài chính, chuỗi cung ứng, thương mại điện tử và nhiều lĩnh vực khác. HĐTM cải thiện phương thức giao kết hợp đồng bằng mã hóa kỹ thuật số, tự động thực thi các thỏa thuận theo điều kiện định sẵn, giúp giảm chi phí trung gian, đảm bảo tính minh bạch, bảo mật và nâng cao hiệu quả giao dịch. Tuy nhiên, tại Việt Nam, khung pháp lý cho HĐTM, đặc biệt là các quy định về điều kiện có hiệu lực, vẫn chưa rõ ràng, gây khó khăn trong thực tiễn áp dụng. Vì vậy, việc hoàn thiện pháp luật về điều kiện có hiệu lực của HĐTM đóng vai trò quan trọng.

KHÁI QUÁT VỀ HĐTM

Blockchain - công nghệ nền tảng của HĐTM

Hiểu một cách đơn giản, blockchain là một cơ sở dữ liệu, một hình thức lưu trữ hồ sơ và giao dịch với khả năng lưu giữ toàn bộ các loại thông tin với hình thức khác nhau. Blockchain được phát triển vào năm 2009 bởi Satoshi Nakamoto, hoạt động như một sổ cái công khai ghi nhận tất cả các giao dịch trên mạng. Với cấu trúc chuỗi các khối liên kết chặt chẽ, mỗi khối chứa dữ liệu về một đối tượng nhất định. Sự liên kết giữa các khối được đảm bảo bằng cách sử dụng thông tin từ khối trước làm nền tảng cho khối sau, tạo nên một chuỗi có thứ tự cố định và không thể đảo ngược. Vì vậy, nếu ai đó muốn thay đổi một giao dịch, họ buộc phải chỉnh sửa toàn bộ chuỗi, điều này gần như bất khả thi (Phạm, T. T. H., 2020). Đặc điểm này tạo ra tính bất biến của blockchain. Công nghệ blockchain cũng loại bỏ sự phụ thuộc vào bên trung gian bằng cách cho phép các chủ thể giao dịch trực tiếp với nhau. Dữ liệu về giao dịch được các bên tham gia trực tiếp tạo lập và ghi nhận vào blockchain, nơi thông tin được công khai và có sự giám sát của tất cả các chủ thể liên quan. Nhờ vậy, mỗi bên có thể tự kiểm tra, theo dõi và xác minh giao dịch một cách minh bạch và an toàn.

HĐTM

HĐTM là một trong những ứng dụng tiêu biểu của công nghệ blockchain, cho phép các điều khoản được thực thi tự động khi đáp ứng đủ điều kiện đã thỏa thuận. Dù chưa có một định nghĩa thống nhất trên toàn cầu, nhiều học giả đã đưa ra các quan điểm khác nhau về khái niệm này. Nick Szabo (1997) định nghĩa, HĐTM là tập hợp cam kết được tự động thực thi thông qua giao thức máy tính, trong khi các học giả khác, như: Jerry I-H Hsiao (2017) và Larry A. DiMatteo (2019) nhấn mạnh tính tự động hóa, phi tập trung và khả năng thực thi của HĐTM trên nền tảng blockchain. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại là một chương trình máy tính, vì tính mới mẻ và hình thức hoạt động khác biệt so với hợp đồng truyền thống nhưng lại được ứng dụng rộng rãi, nên giá trị pháp lý của HĐTM trở thành một vấn đề được quan tâm. Một số quốc gia đã có bước tiến trong việc công nhận HĐTM về mặt pháp lý, như Hoa Kỳ với các đạo luật cấp tiểu bang, tiêu biểu là Arizona và Nevada với quy định cụ thể về HĐTM trong hệ thống pháp luật.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, các quy định pháp luật điều chỉnh HĐTM vẫn đang bị bỏ ngỏ. Chính vì vậy, trong bài viết này, nhóm nghiên cứu đặt ra câu hỏi: Có khả năng nào HĐTM được coi là một hợp đồng có giá trị pháp lý không? Và soi chiếu các đặc điểm của HĐTM dưới định nghĩa của hợp đồng truyền thống để đưa ra kết luận. Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Xét tính thỏa thuận giữa các bên, HĐTM vẫn đảm bảo sự tự nguyện khi các bên thống nhất các điều khoản và mã hóa chúng trên blockchain. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là tính cố định của mã lập trình sau khi được triển khai khiến hợp đồng không thể thay đổi, ngay cả khi các bên muốn điều chỉnh. Điều này làm giảm tính linh hoạt của hợp đồng và đặt ra câu hỏi về sự tự do thỏa thuận trong quá trình thực hiện. Xét tiêu chí những thỏa thuận này sẽ xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự, HĐTM có thể tự động thực thi các điều khoản khi thỏa mãn các điều kiện được lập trình sẵn, qua đó xác lập hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ giữa các bên mà không cần sự can thiệp của con người. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra vấn đề về khả năng giải quyết tranh chấp trong trường hợp có lỗi lập trình hoặc sự kiện bất khả kháng. Nói cách khác, việc thực thi cứng nhắc của HĐTM có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Nhìn chung, HĐTM có thể đáp ứng các tiêu chí cơ bản của hợp đồng theo Bộ luật Dân sự năm 2015, do vẫn đảm bảo sự thỏa thuận và xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự giữa các bên. Tuy nhiên, để công nhận HĐTM một cách chính thức trong hệ thống pháp luật, cần xem xét thêm nhiều vấn đề quan trọng. Trong phạm vi bài nghiên cứu, nhóm tác giả sẽ tập trung phân tích Điều kiện có hiệu lực của HĐTM.

NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ VỀ ĐIỀU KIỆN CÓ HIỆU LỰC CỦA HĐTM

Năng lực chủ thể giao kết hợp đồng

Điểm a khoản 1 Điều 117 của Bộ luật Dân sự năm 2015, thì chủ thể của các giao dịch dân sự phải “có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập”. Tuy nhiên, trong mô hình HĐTM, với đặc tính bảo mật, ẩn danh, các chủ thể thường được đại diện qua địa chỉ điện tử thay vì dùng danh tính thực của mình. Do đó, làm thế nào để có thể xác định danh tính và kiểm tra năng lực pháp luật và năng lực hành vi của các chủ thể tham gia giao kết? Mặc dù nhà nước đã có những bước tiến lớn cho việc quản lý danh tính số, nhưng pháp luật hiện hành vẫn chưa có quy định cụ thể về cách thức tích hợp định danh vào HĐTM. Các giải pháp định danh trên blockchain, như: Self Soulbound Token (một token có thể thể hiện các đặc điểm độc nhất của người dùng blockchain. Chúng được đề xuất để lưu trữ trực tiếp dữ liệu xác thực liên quan đến người dùng trên blockchain; theo đó nhà cung cấp dịch vụ xác thực người dùng dựa trên thông tin này, cho phép người dùng tự xác thực mà không cần cơ quan trung ương hoặc tổ chức trung gia) hay Self-Sovereign Identity (cho phép tạo ra đại diện kỹ thuật số của một cá nhân, tổ chức hoặc thiết bị IoT trong thế giới kỹ thuật số. Với SSI, người dùng có quyền tự chủ trong việc quản lý danh tính của họ mà không cần sự can thiệp của bên thứ ba) đóng vai trò then chốt trong việc xác thực danh tính chủ thể trong giao dịch trên HĐTM, tuy nhiên, Nhà nước chưa công nhận chính thức các cơ chế định danh phi tập trung này, cũng như chưa có hướng dẫn cụ thể về cách tích hợp chúng với các hệ thống định danh điện tử do Nhà nước quản lý.

Sự thỏa thuận và ý chí của các bên trong hợp đồng

Trong mô hình HĐTM, các bên chủ thể thường thiếu hiểu biết về ngôn ngữ lập trình và cấu trúc mã code, dẫn đến nguy cơ không hiểu đúng hoặc không hiểu đầy đủ nội dung giao kết. Ngoài ra, tính chất không thể thay đổi và tự động thực thi của HĐTM có thể khiến các bên mất quyền kiểm soát khi xảy ra các tình huống bất khả kháng hoặc lỗi trong ý chí giao kết. Điều này trái với nguyên tắc cốt lõi của hợp đồng là nguyên tắc tự do ý chí, nơi các bên có thể đàm phán hoặc sửa đổi hợp đồng khi có sự thay đổi bất ngờ trong điều kiện thực tế. Ngoài ra, hiện nay khung pháp lý về chữ ký điện tử tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể của cơ quan nhà nước về các loại chữ ký điện tử này, dẫn đến sự lúng túng trong áp dụng.

Nội dung và mục đích của hợp đồng

Trong HĐTM được lập hoàn toàn bằng ngôn ngữ lập trình mà không qua văn bản truyền thống nào, một thách thức nan giải phát sinh là liệu lập trình viên có đảm bảo kiến thức pháp lý để không tạo ra những hợp đồng có rủi ro vi phạm pháp luật? Với mô hình hợp đồng bằng văn bản thông thường chứa các nghĩa vụ được tự động hóa trên blockchain, câu hỏi đặt ra là các điều khoản được thiết lập từ ngôn ngữ thông thường sang ngôn ngữ lập trình có đảm bảo tính chính xác không? Ngoài ra, tính phức tạp và tính tự động thực thi của HĐTM còn gây ra khó khăn cho các cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra và dừng các giao dịch vi phạm pháp luật...

Khác với pháp luật, đạo đức xã hội là khái niệm phi lý thuyết không thể mã hóa thành các điều kiện logic. Ngược lại, ngôn ngữ lập trình của HĐTM vận hành dựa trên các lệnh logic “nếu - thì” để thực thi các điều kiện rõ ràng và có thể đo lường. Bản chất cứng nhắc này khiến HĐTM gặp giới hạn khi phải xử lý những khái niệm mang tính trừu tượng, các tiêu chuẩn pháp lý mang tính định tính như “thiện chí công bằng”. Ở một góc nhìn rộng hơn, vấn đề này tạo ra khoảng trống giữa những gì HĐTM làm được và những gì pháp luật yêu cầu. Đi từ yêu cầu hệ thống pháp luật phải toàn diện và đồng bộ, khi xem xét và giải quyết các tranh chấp cũng cần tiếp cận vấn đề một cách tổng thể, xem xét đầy đủ các khía cạnh. Tuy nhiên, HĐTM, với bản chất được lập trình trước, không thể tự điều chỉnh để phù hợp với các tình huống phức tạp hoặc các vấn đề nằm ngoài mã nguồn ban đầu. Điều này có thể tạo ra những quyết định thiếu công bằng, thiếu sự đồng cảm và đôi khi đi ngược lại với những giá trị nhân văn mà xã hội kỳ vọng từ pháp luật.

Hình thức của hợp đồng

Pháp luật Việt Nam quy định trong một số trường hợp, hợp đồng bắt buộc phải có hình thức văn bản, điển hình với hợp đồng mua - bán hàng hóa quốc tế. Cụ thể, theo Luật Thương mại năm 2005 thì, mua - bán hàng hóa quốc tế phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương. Theo Luật Giao dịch điện tử năm 2023, các hình thức này bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu, hoặc các hình thức được pháp luật công nhận. Đặc biệt, Luật Giao dịch điện tử năm 2023 khẳng định, giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì nó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu. Vậy câu hỏi được đặt ra ở đây là, liệu HĐTM có coi là được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu hay không khi nó mang nhiều đặc điểm khác biệt so với các giao dịch điện tử thông thường?

Ngoài ra, giả sử HĐTM đáp ứng yêu cầu về hình thức theo Luật Giao dịch điện tử năm 2023, nhưng khi áp dụng vào thực tế, nó vẫn gặp phải những thách thức liên quan đến công chứng và chứng thực, đặc biệt đối với các loại hợp đồng yêu cầu bắt buộc phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, đặc thù của HĐTM là hoạt động dựa trên mã hóa và xác nhận bằng khóa công khai, không sử dụng chữ ký truyền thống hay dấu xác nhận từ cơ quan công chứng. Điều này dẫn đến khoảng trống pháp lý trong việc công nhận giá trị của HĐTM trong các giao dịch cần công chứng.

Đối tượng của hợp đồng

Đối với các tài sản vật lý (như bất động sản hoặc phương tiện giao thông), việc kết nối giữa tài sản thực tế và mã lập trình trên blockchain gặp nhiều khó khăn. HĐTM không có cơ chế tự động xác minh tính hợp pháp hoặc quyền sở hữu của tài sản, điều này đòi hỏi sự can thiệp của các cơ quan hoặc bên thứ ba có thẩm quyền. Điều này dẫn đến nguy cơ không đảm bảo được tính chính xác và toàn vẹn của đối tượng giao dịch. Đặc biệt, với một số loại giao dịch yêu cầu đối tượng phải có công chứng từ cơ quan có thẩm quyền (như chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thế chấp tài sản), HĐTM vốn chỉ tồn tại dưới dạng mã lập trình trên blockchain nên sẽ không đáp ứng được yêu cầu này. Bên cạnh đó, Bitcoin và Ethereum - hai loại tài sản ảo chưa được pháp luật Việt Nam công nhận về tính pháp lý, cũng là hai đối tượng chủ yếu của HĐTM. Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam tuy không cấm nhưng vẫn chưa có quy định cụ thể liên quan đến hoạt động phát hành, mua bán hoặc trao đổi tiền ảo. Tuy nhiên, theo báo cáo của Hiệp hội Blockchain Việt Nam, trong năm 2023, Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về lợi nhuận tiền số, chỉ sau Mỹ và Anh với ước tính khoảng 1,2 tỷ USD trên tổng số 37,6 tỷ USD của toàn cầu (H. V. Minh, 2025). Điều đó thể hiện rằng, dù chưa được pháp luật Việt Nam thừa nhận, những các loại tài sản này vẫn được sử dụng một cách rộng rãi, vận hành thường xuyên. Điều này đã dẫn đến việc nền kinh tế nước nhà bị thất thu thuế, đồng thời vô tình tạo khe hở cho các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới các hoạt động lùa gà, huy động vốn, lừa đảo khiến người dân bị mất tiền oan. điển hình là trao đổi tiền điện tử giả.

KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT TẠI VIỆT NAM

Về Năng lực chủ thể giao kết hợp đồng

Trước tiên, Nhà nước cần công nhận danh tính số trên blockchain như một hình thức định danh hợp lệ, tương tự như chữ ký số và danh tính điện tử (VNeID). Việc công nhận danh tính số dựa trên SSI hoặc SBT sẽ giúp các giao dịch trên HĐTM trở nên minh bạch và góp phần vào việc hoàn thiện tính pháp lý của HĐTM. Bên cạnh đó, cần cho phép các tổ chức chứng thực chữ ký số cấp chứng chỉ số dưới dạng Verifiable Credentials (VCs)[1] hoặc SBT trên blockchain, giúp người dùng có thể sử dụng danh tính này để thực hiện các giao dịch mà không cần bên trung gian xác thực trong từng lần giao dịch. Ngoài ra, cần ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật về xác thực danh tính trên HĐTM, đảm bảo tính tương thích với các giải pháp blockchain phổ biến, như: Ethereum Name Service (ENS)[2] và Verifiable Credentials (VCs). Những tiêu chuẩn này cần hỗ trợ các công nghệ bảo vệ quyền riêng tư như zero-knowledge proofs (ZKP)[3], giúp người dùng chứng minh danh tính mà không cần công khai toàn bộ thông tin cá nhân. Cuối cùng, pháp luật cần quy định rõ về cơ chế giám sát và xử lý tranh chấp liên quan đến danh tính số trên HĐTM. Điều này bao gồm cách xác minh danh tính khi có tranh chấp, cơ chế phục hồi danh tính khi bị mất hoặc bị tấn công, và cách kết hợp hệ thống định danh truyền thống như VNeID với danh tính phi tập trung trên blockchain.

Về sự thỏa thuận và ý chí của các bên trong hợp đồng

Để thúc đẩy ứng dụng HĐTM, cơ quan quản lý nhà nước cần sớm ban hành quy định hướng dẫn chi tiết về việc sử dụng chữ ký điện tử đặc biệt trong cả môi trường blockchain. Điều này bao gồm việc công nhận giá trị pháp lý của các hình thức chữ ký điện tử ngoài chữ ký số, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình xác thực để đảm bảo tính pháp lý. Ngoài ra, để khắc phục tính cứng nhắc vốn có của HĐTM, các bên cần lường trước các sự kiện bất khả kháng và mã hóa thành các trường hợp cụ thể trong hợp đồng nhằm đảm bảo khả năng thích ứng trước những tình huống không lường trước được.

Về nội dung và mục đích của hợp đồng

Khi xảy ra tranh chấp, pháp luật cần có cơ chế giải thích hợp đồng. Cụ thể, trong mỗi một phân loại của HĐTM cần phải cân nhắc đến 3 yếu tố gồm: (i) Ý chí thực sự; (ii) Ngôn từ; (iii) Ngôn ngữ mã hóa. HĐTM hỗn hợp có cả phiên bản ngôn ngữ con người và phiên bản ngôn ngữ mã hóa sẽ chứa cả ba yếu tố trên. Còn HĐTM mã hóa toàn phần vốn chỉ tồn tại ở dạng mã hóa, thì bao gồm yếu tố ý chí thực sự và yếu tố ngôn ngữ mã hóa. Đối với loại HĐTM này, việc lập trình và phát triển một chương trình máy tính đòi hỏi lập trình viên phải hiểu và chuyển đổi yêu cầu của con người sang ngôn ngữ mã hóa, một phương pháp thường được áp dụng là tạo ra bộ tài liệu quy trình. Tài liệu này mô tả các bước thực hiện dưới dạng ngôn ngữ con người và sơ đồ mô hình hóa, giúp lập trình viên chuyển đổi thành mã lập trình. Góp phần giải quyết vấn đề giải thích HĐTM, Nhà nước cũng có thể phát triển nghiên cứu về mô hình quản trị bằng ngôn ngữ tự nhiên đối với trạng thái và tác dụng của các yếu tố được mã hóa trong HĐTM. Các cơ chế này liên kết ngôn ngữ tự nhiên với mã, giúp người soạn thảo đảm bảo thỏa thuận giữa các bên không bị sai lệch mà còn được củng cố.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cho rằng, xây dựng mục đích và nội dung thỏa thuận chỉ là định hướng để thực hiện hành vi cụ thể hóa những định hướng đó nên các đặc trưng của HĐTM có khác biệt như thế nào với hợp đồng truyền thống, căn bản không thể dẫn tới việc thực hiện những hành vi vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, do HĐTM được lập trình dưới dạng mã máy tính và tự động thực thi, việc xác định mục đích thực sự của hợp đồng cũng như nội dung thỏa thuận có thể gặp nhiều khó khăn. Do đó, khi xảy ra tranh chấp, pháp luật cần có cơ chế giải thích hợp đồng. Theo Nguyễn Hoàng Thái Hy và Nguyễn Ngọc Hồng Anh (2023), trong mỗi một phân loại của HĐTM cần phải cân nhắc đến 3 yếu tố gồm: (i) Ý chí thực sự; (ii) Ngôn từ và (iii) Ngôn ngữ mã hóa. HĐTM hỗn hợp có cả phiên bản ngôn ngữ con người và phiên bản ngôn ngữ mã hóa sẽ chứa cả ba yếu tố trên. Còn HĐTM mã hóa toàn phần vốn chỉ tồn tại ở dạng mã hóa thì bao gồm yếu tố ý chí thực sự và yếu tố ngôn ngữ mã hóa. Đối với loại HĐTM này, việc lập trình và phát triển một chương trình máy tính đòi hỏi lập trình viên phải hiểu và chuyển đổi yêu cầu của con người sang ngôn ngữ mã hóa, một phương pháp thường được áp dụng là tạo ra bộ tài liệu quy trình. Tài liệu này mô tả các bước thực hiện dưới dạng ngôn ngữ con người và sơ đồ mô hình hóa, giúp lập trình viên chuyển đổi thành mã lập trình. Góp phần giải quyết vấn đề giải thích HĐTM, nhà nước cũng có thể phát triển nghiên cứu về mô hình quản trị bằng ngôn ngữ tự nhiên đối với trạng thái và tác dụng của các yếu tố được mã hóa trong HĐTM (Blycha và Garside, 2021). Các cơ chế này liên kết ngôn ngữ tự nhiên với mã, giúp người soạn thảo đảm bảo thỏa thuận giữa các bên không bị sai lệch mà còn được củng cố.

Hình thức của hợp đồng

Giải pháp hữu hiệu nhất là cần phải là phát triển hệ thống công chứng điện tử hoặc chứng thực số trên nền tảng blockchain. Theo đó, các cơ quan công chứng có thể tích hợp chữ ký số hoặc mã định danh vào HĐTM để xác nhận giao dịch và lưu trữ thông tin trên hệ thống blockchain, bảo đảm tính minh bạch, không thể sửa đổi và dễ dàng kiểm tra khi cần thiết. Do vậy, hành lang pháp lý liên quan đến công chứng điện tử không nên và không thể chỉ dừng lại ở Luật Công chứng (chủ yếu quy định về hình thức và trình tự, thủ tục thực hiện công chứng), mà cần có sự thay đổi cơ bản về giá trị và cách sử dụng văn bản công chứng điện tử với các thủ tục khác mà văn bản công chứng là một thành phần “đầu vào”[4]. Để thực hiện được điều này, tất yếu là quy định về các thủ tục hành chính và thủ tục (không phải hành chính) của tổ chức có liên quan (tổ chức tín dụng…) cũng cần thay đổi, cho phép nhận và xử lý hồ sơ điện tử.

Theo đó, các cơ quan công chứng có thể tích hợp chữ ký số hoặc mã định danh vào HĐTM để xác nhận giao dịch và lưu trữ thông tin trên hệ thống blockchain, bảo đảm tính minh bạch, không thể sửa đổi và dễ dàng kiểm tra khi cần thiết. Do vậy, hành lang pháp lý liên quan đến công chứng điện tử không nên và không thể chỉ dừng lại ở Luật Công chứng (chủ yếu quy định về hình thức và trình tự, thủ tục thực hiện công chứng), mà cần có sự thay đổi cơ bản về giá trị và cách sử dụng văn bản công chứng điện tử với các thủ tục khác mà văn bản công chứng là một thành phần “đầu vào”. Để thực hiện được điều này, tất yếu là quy định về các thủ tục hành chính và thủ tục (không phải hành chính) của tổ chức có liên quan (tổ chức tín dụng…) cũng cần thay đổi, cho phép nhận và xử lý hồ sơ điện tử.

Đối tượng của hợp đồng

Đối với việc quản lý các loại tài sản ảo, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm các quốc gia khác trên thế giới. Cụ thể, Nhật Bản hiện nay đã công nhận tài sản ảo là tài sản hợp pháp và xây dựng khung pháp lý chặt chẽ tại Luật dịch vụ thanh toán PSA. Ngoài ra, để khắc phục tình trạng thất thu thuế trong việc sử dụng loại tài sản này, Mỹ cũng đã có những quy định chặt chẽ về việc tính thuế đối với bitcoin. Cuối cùng, với việc sử dụng tài khoản ẩn danh trong việc sở hữu tài sản điện tử trên nền tảng blockchain, EU cũng đã ban hành quy định MiCa để quản lý các nhà cung cấp dịch vụ tài sản điện tử, yêu cầu cấp giấy phép hoạt động và xác minh danh tính khách hàng./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. C. Mazzocca et al. (2024), A survey on decentralized identifiers and verifiable credentials, arXiv preprint arXiv:2402.02455.

2. E. Morais, T. Koens, C. van Wijk, and A. Koren (2019), A survey on zero knowledge range proofs and applications, arXiv preprint arXiv:1907.06381.

3. F. Béres, I. A. Seres, A. A. Benczúr, and M. Quintyne-Collins (2020), Blockchain is watching you: Profiling and deanonymizing Ethereum users, arXiv preprint arXiv:2005.14051.

4. Green Sarah (2018), Smart Contracts, Interpretation and Rectification, Lloyd’s Maritime and Commercial Law Quarterly, 234.

5. H. V. Minh (2025), Khung pháp lý để quản lý tiền Bitcoin là yêu cầu cấp thiết, truy cập từ https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/khung-phap-ly-de-quan-ly-tien-bitcoin-la-yeu-cau-cap-thiet-1425717.ldo.

6. J. I.-H. Hsiao (2017), Smart contract on the blockchain-paradigm shift for contract law, US-China Law Review.

7. N. Szabo (1997), Formalizing and securing relationships on public networks, First Monday, 2(9).

8. L. A. Dimatteo, M. Cannarsa, and C. Poncibò (2019), Smart contracts and contract law, The Cambridge Handbook of Smart Contracts, Blockchain Technology and Digital Platforms, Cambridge University Press.

9. Nguyễn Hoàng Thái Hy và Nguyễn Ngọc Hồng Anh (2023), Kinh nghiệm cho Việt Nam về giải thích HĐTM (smart contract) tại tòa án theo pháp luật của một số quốc gia - Vai trò của công nghệ và ngôn ngữ mã hóa, Kỷ yếu Hội thảo - HĐTM - Những vấn đề pháp lý liên quan, Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.

10. N. Blycha and A. Garside (2021), Smart legal contracts: A model for the integration of machine capabilities into contracts, Computer Law & Security Review, 12.

11. Phạm T. T. H. (2020), Blockchain và HĐTM - Xu thế tất yếu của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 và những thách thức pháp lý đặt ra, Tạp chí Khoa học Pháp lý, 3, 315-316.

12. R. A. Pava-Díaz, J. Gil-Ruiz, and D. A. López-Sarmiento (2024), Self-sovereign identity on the blockchain: Contextual analysis and quantification of SSI principles implementation, Frontiers in Blockchain, 7, 2–4.

13. Y. Joo, and J. Seo (2024), User authentication techniques using a dynamic SoulBound Token, Journal of Web Engineering, 23(8).

Ngày nhận bài: 10/02/2025; Ngày phản biện: 20/2/2025; Ngày duyệt đăng: 13/3/3025

[1] “VCs”: là các building blocks (khối xây dựng) của SSI. VCs cho phép người dùng chứng minh các thuộc tính hoặc tuyên bố về bản thân mà không cần tham khảo ý kiến của cơ quan trung ương. Song song với đó, VCs có thể được xác minh bằng mật mã bởi bất kỳ bên nào khác mà không cần thông qua cơ quan trung ương.

[2] “ENS” : là một hệ thống đặt tên dựa trên blockchain Ethereum, hệ thống này chuyển đổi tên mà con người có thể đọc được (ví dụ: alice.eth) thành các định danh mà máy móc có thể đọc được (ví dụ: địa chỉ Ethereum). Từ đó, ENS Cung cấp một phương thức thân thiện với người dùng hơn để chuyển tài sản trên Ethereum, cho phép người dùng sử dụng tên ENS (ví dụ: alice.eth) thay vì địa chỉ Ethereum hệ thập lục phân dễ bị lỗi

[3] “ZKP” : là một kỹ thuật mật mã cho phép một bên (gọi là prover) chứng minh với một bên khác (gọi là verifier) rằng một tuyên bố nào đó là đúng, mà không tiết lộ bất kỳ thông tin nào khác ngoài sự thật của tuyên bố đó. Ví dụ, một người muốn chứng minh rằng mình trên 18 tuổi để được phép sử dụng một dịch vụ, nhưng không muốn tiết lộ tuổi thật của mình. ZKP cho phép người đó chứng minh điều này mà không cần tiết lộ thông tin cụ thể về tuổi của mình

[4] thủ tục đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản sau khi chuyển nhượng, thủ tục nộp thuế...