Tiếp tục nâng cao vai trò, hiệu lực và hiệu quả quản lý các KCN, KKT Việt Nam
Toàn cảnh Hội nghị trao đổi kinh nghiệm công tác quản lý nhà nước về KCN, KKT giữa Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc và Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ phía Nam |
Các KCN, KKT, “đầu tàu” phát triển kinh tế cuả đất nước
Kể từ năm 1991, khu chế xuất (KCX) Tân Thuận là KCX đầu tiên được thành lập tại Thành phố Hồ Chí Minh, qua 32 năm xây dựng và phát triển, tính đến nay cả nước đã có 412 KCN đã thành lập (bao gồm 368 KCN nằm ngoài các KKT, 37 KCN nằm trong các KKT ven biển, 7 KCN nằm trong các KKT cửa khẩu) với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129,8 nghìn ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 87,7 nghìn ha.
Trong số các KCN đã được thành lập, có 293 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 92,2 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 63 nghìn ha và 119 KCN đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 37,5 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 24,7 nghìn ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN cả nước đạt khoảng 49,8 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 57%. Nếu tính riêng các KCN đã đi vào hoạt động, thì tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 71,1%.
Bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm công tác quản lý nhà nước về KCN, KKT giữa Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ phía Bắc và Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ phía Nam |
26 KKT cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biên giới đất liền, với tổng diện tích 766.000 ha.
19 KKT ven biển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích khoảng 871,5 nghìn ha (tính cả diện tích mặt biển) trong đó diện tích đất liền khoảng 583,1 nghìn ha (chiếm khoảng 1,75% diện tích đất quốc gia) và 288,4 nghìn ha diện tích mặt biển. 18 KKT ven biển được thành lập có tổng diện tích 857,6 nghìn ha (kể cả diện tích mặt biển), bao gồm diện tích đất liền khoảng 569,1 nghìn ha (chiếm khoảng 1,68% tổng diện tích đất cả nước), có khoảng 141,9 nghìn ha đã được quy hoạch để phát triển các khu chức năng; 1 KKT chưa được thành lập là KKT Ninh Cơ, tỉnh Nam Định với diện tích quy hoạch 13.950 ha.
Các đại biểu chăm chú lắng nghe Báo cáo tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ phía Bắc và phía Nam tại Hội nghị |
Các KCN, KKT đã và đang đóng góp lớn vào tăng trưởng sản xuất công nghiệp, nâng cao giá trị xuất khẩu và đẩy mạnh khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, cũng như trên cả nước theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa.
Toàn cảnh Hội nghị giao ban Câu lạc bộ các Ban Quản lý KCN, KKT, KCNC các tỉnh, thành phố phía Nam, tháng 2/2023 tại Đất Mũi, Cà Mau |
Theo thống kê, đến nay các KCN, KKT đã thu hút trên 10.400 dự án đầu tư trong nước và trên 11.200 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng trên 2,54 triệu tỷ đồng và 231 tỷ USD. Những năm gần đây, trung bình hàng năm, vốn FDI trong KCN, KKT chiếm khoảng 35 - 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước. Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện trong KCN, KKT trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 33,19% (giai đoạn 2011 - 2015) và 29,49% (giai đoạn 2016 - 2018).
Vốn đầu tư thực hiện trong KCN, KKT đạt khoảng 221,33 tỷ USD, trong đó, vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN, KKT khoảng 9,33 tỷ USD và vốn đầu tư của các dự án đầu tư trong KCN, KKT là 212 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu trung bình hàng năm của các KKT, KCN chiếm trên 55% tổng kim ngạch xuất khẩu trên cả nước; tại một số địa phương, thu ngân sách nhà nước từ các KCN, KKT chiếm trên 60% tổng thu ngân sách.
Các đại biểu đến từ Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cùng các thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ các Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc tham dự Hội nghị |
Thời gian vừa qua, kinh tế cả nước nói chung và lĩnh vực công nghiệp nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Việc tăng trưởng chậm lại của các nước lớn, đứt gãy chuỗi cung ứng và sụt giảm nhu cầu thế giới đã ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu và sản xuất công nghiệp của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, với sự vào cuộc quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, đúng hướng của Chính phủ; sự chung sức, đồng lòng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã dần phục hồi, cải thiện.
Các thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ các Ban Quản lý KCN, KKT, KCNC các tỉnh, thành phố phía Nam tham dự Hội nghị |
6 tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô của nước ta tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, GDP quý II tăng 4,14% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn so với mức tăng của quý I, tỷ giá cơ bản ổn định, lãi suất tiếp tục giảm; giá trị sản xuất của ngành công nghiệp trong quý II/2023 ước tăng 1,56% so với cùng kỳ năm 2022; vốn FDI đăng ký đạt 13,43 tỷ USD, tăng khoảng 23,6% so với 5 tháng đầu năm, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất 63%.
Những số liệu này cho thấy, năm 2023 mặc dù các KCN, KKT bị ảnh hưởng không nhỏ của tình hình suy thoái kinh tế và biến động chính trị trên thế giới. Song với sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp chính quyền địa phương nói chung và các Ban Quản lý KCN, KKT trong cả nước nói riêng, hoạt động đầu tư kinh doanh trong các KCN, KKT, KCNC vẫn tiếp tục ổn định và phát triển, đặc biệt là tình hình thu hút đầu tư và phát triển các KCN tiếp tục đạt được nhiều kết quả khởi sắc. Các KCN, KKT vẫn là khu vực quan trọng để phát triển công nghiệp, thu hút vốn đầu tư, đưa nền kinh tế phục hồi nhanh sau đại dịch.
Các thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ các Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc tập trung lắng nghe và tổng hợp các ý kiến phát biểu tại Hội nghị |
Nhìn vào nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước trong thu hút FDI 6 tháng vừa qua (gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Hải Phòng, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu…) có thể thấy dòng vốn đầu tư vẫn tìm đến các địa phương có điều kiện cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực dồi dào, ổn định; địa phương nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành và đặc biệt là nơi chính quyền đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Ông Ngô Mạnh Hợp, nguyên Hàm Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Văn phòng Chính phủ, thành viên Câu lạc bộ Hưu trí Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc phát biểu tại Hội nghị |
Song song với kết quả thu hút đầu tư vào các KCN, KKT, trên bản đồ các KCN, KKT tiếp tục ghi nhận thêm nhiều địa chỉ KCN mới. Trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có thêm 4 dự án hạ tầng KCN đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích đạt khoảng 1.420,4 ha.
Ông Phạm Văn Cường, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ban Quản lý KCN, KKT, KCNC các tỉnh, thành phố phía Nam phát biểu tại Hội nghị giao ban Câu lạc bộ phía Nam, tháng 2/2023 tại Đất Mũi, Cà Mau |
Với sự tập trung lớn nguồn lực về vốn, đất đai và lao động, KCN, KKT được kỳ vọng là một trong những động lực chính tạo sự tăng trưởng cho nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2023 và trong thời gian tới.
Cần nâng cao vai trò hoạt động quản lý nhà nước trong KCN, KKT
Các thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ các Ban Quản lý KCN, KKT, KCNC các tỉnh, thành phố phía Nam tham dự Hội nghị |
Những kết quả mà các KCN, KKT đã gặt hái được có sự đóng góp to lớn của các Ban Quản lý KCN, KKT tại các địa phương. Các Ban Quản lý KCN, KKT luôn phát huy cao vai trò, hiệu lực và hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay các chính sách pháp luật của nhà nước liên quan đến công tác quản lý nhà nước trong các KCN, KKT còn nhiều nội dung chồng chéo, chưa rõ ràng, cụ thể, không đồng bộ giữa các quy định của pháp luật, gây khó khăn, vướng mắc cho các Ban Quản lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được uỷ quyền, phân cấp.
Các thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ các Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc tham dự Hội nghị |
Tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm công tác quản lý nhà nước về KCN, KKT giữa Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc và Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ phía Nam phía Nam, các đại biểu và thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ đều thống nhất cho rằng, việc ban hành Luật KKT, KCN là rất cần thiết để đảm bảo sự thống nhất, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý KKT, KCN. Qua đó, khắc phục những khó khăn trong công tác phối hợp quản lý nhà nước giữa các Ban Quản lý với các sở, ngành, địa phương; đồng thời thống nhất quy định về công tác quản lý nhà nước đối với KKT, KCN trong một văn bản luật, để tạo thuận lợi cho thực tiễn triển khai công tác quản lý nhà nước tại địa phương.
Đại biểu đến từ Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tham dự Hội nghị |
Để triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong các KCN, KKT, tại các Hội nghị gần đây: Hội nghị giao ban Câu lạc bộ Ban Quản lý KCN, KCX, KKT, KCNC các tỉnh, thành phố phía Nam lần thứ IX tại tỉnh Cà Mau; Hội nghị sơ kết công tác thi đua khen thưởng 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Khối thi đua Ban Quản lý các KCN, KCX, KKT các tỉnh đồng bằng Sông Hồng; Hội nghị trao đổi kinh nghiệm công tác quản lý nhà nước về KCN, KKT giữa Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc và Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ phía Nam phía Nam, lãnh đạo Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tham dự và chỉ đạo các Ban Quản lý cần bám sát các quy định của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, ngày 28/5/2022 quy định về quản lý KCN, KKT, nhìn nhận tổng thể về mô hình hoạt động của Ban Quản lý để hiểu rõ và hiểu đúng chức năng nhiệm vụ hoạt động của Ban Quản lý, từ đó có giải pháp triển khai và thực thi nhiệm vụ một cách hiệu quả nhất; đồng thời để đề xuất, tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, thành phố ban hành quyết định chức, năng nhiệm vụ của Ban theo đúng quy định của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP.
Các thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ các Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc tham dự Hội nghị |
Mặt khác, cần phải chứng minh được vai trò của Ban Quản lý thông qua các hoạt động quản lý nhà nước của Ban để lãnh đạo tỉnh/thành phố và các ban, ngành chức năng trong tỉnh/thành phố tại địa phương hiểu và đánh giá cao năng lực chuyên môn và vai trò hết sức quan trọng “không thể thiếu” của Ban Quản lý trong hoạt động quản lý nhà nước về KCN, KCX, KKT, từ đó tin tưởng phân cấp, uỷ quyền cho các Ban Quản lý thực thi nhiệm vụ trong phạm vi quản lý.
Các thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ các Ban Quản lý KCN, KKT, KCNC các tỉnh, thành phố phía Nam tham dự Hội nghị |
Ngoài ra, các Ban Quản lý cần có các hoạt động trao đổi thông tin với nhau, để các địa phương khác nắm bắt kịp thời tình hình và có cơ sở báo cáo lãnh đạo tỉnh kịp thời ban hành quyết định chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý (tạo hiệu ứng cao). Hiện nay, một số luật chuyên ngành đang trong giai đoạn góp ý, sửa đổi nên các Ban Quản lý cần quan tâm theo sát (đặc biệt góp ý cho dự thảo dự án Luật về Khu kinh tế, Khu công nghiệp; Luật Đất đai) nhằm kiểm soát tối đa việc xây dựng các KCN, tránh lãng phí về tài nguyên đất đai; cần phân tích, tận dụng lợi thế của địa phương để sử dụng hiệu quả các nguồn lực; căn cứ vào tình hình thực tế của KCN và các quy định trong Nghị định số 35/2022/NĐ-CP để có đề xuất, kiến nghị báo cáo lãnh đạo tỉnh, thành phố có giải pháp triển khai công tác quản lý nhà nước và phát triển các KCN một cách đồng bộ và hiệu quả nhất để nâng cao được vai trò, hiệu lực và hiệu quả quản lý và phát triển các KCN, KKT tại địa phương./.
Ông Hà Hoàng Việt Phương, Trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi trình bày những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước tại các KCN, KKT tỉnh Quảng Ngãi |
Bình luận