Phát huy vai trò của các KCN trong phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Bắc Ninh
Lãnh đạo Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh chụp ảnh lưu niệm với các nhà đầu tư và các cơ quan chức năng tại Hội nghị đánh giá kết quả đầu tư hạ tầng các KCN tỉnh Bắc Ninh |
Phát huy cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả quản lý và phát triển các KCN
Qua 25 năm xây dựng và phát triển, Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh (Ban Quản lý) đã phát huy cao vao trò, hiệu lực và hiệu quả hoạt động trên các lĩnh vực hoạt động công tác.
Cơ cấu tổ chức bộ máy tổ chức của Ban Quản lý phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu và được hoàn thiện hơn; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Ban Quản lý phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay Ban Quản lý có 8 phòng chuyên môn và tương đương, 1 đơn vị sự nghiệp trực thuộc với tổng số 86 cán bộ, công chức, viên chức Ban Quản lý.
Hoạt động quản lý nhà nước trong các KCN Bắc Ninh được Ban Quản lý triển khai đồng bộ và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực:
Nhà máy đang xây dựng trong KCN Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh |
Công tác quản lý quy hoạch và xây dựng KCN được chú trọng, việc quản lý thi công xây dựng theo giấy phép và công tác phòng cháy chữa cháy được quan tâm.
Hoạt động xúc tiến đầu tư từng bước đổi mới, thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn, nhất là vốn đầu tư nước ngoài.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong các KCN có mức ổn định và tăng trưởng khá, tiếp tục đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
Công tác quản lý lao động được tăng cường. Việc giải quyết các hồ sơ, thủ tục cho lao động nước ngoài nhanh chóng, thông thoáng.
Toàn cảnh KCN Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh |
Công tác quản lý môi trường được quan tâm thường xuyên, hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm nặng về môi trường trong KCN.
Công tác quản lý sau đầu tư được đẩy mạnh hơn; tiến hành nhiều hoạt động rà soát, hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua công tác thanh tra, kiểm tra.
An ninh trật tự trong KCN được đảm bảo, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Hoạt động dịch vụ có nhiều cố gắng trong môi trường có sự cạnh tranh gay gắt với nhiều nhà cung cấp.
Tiếp tục thực hiện tốt cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý.
Tăng cường sự phối hợp giữa Ban quản lý với các sở, ngành trong Tỉnh, giữa các phòng, đơn vị trực thuộc trong nội bộ cơ quan. Các công tác khác được thực hiện kịp thời và đảm bảo theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
Nhà máy xử lý nước thải trong KCN Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh |
Quá trình 25 năm xây dựng và phát triển các KCN trên địa bàn Tỉnh, Ban luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ và hỗ trợ nhiệt tình của các bộ, ngành Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Bắc Ninh, sự phối kết hợp chặt chẽ của các sở, ngành liên quan trong Tỉnh. Cùng với đó, Hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2015 được duy trì, kết hợp với ứng dụng các phần mềm công nghệ thông tin phục vụ hiệu quả công tác quản lý, điều hành và giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan. Đồng thời việc thành lập Trung tâm hành chính công của Tỉnh đã tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước; nâng cao sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân đối với các dịch vụ công nói chung và các dịch vụ công của Ban nói riêng.
Những thuận lợi cơ bản trên đã tạo động lực giúp cho Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác chuyên môn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Tỉnh giao, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước đối với các KCN trên địa bàn Tỉnh; cung cấp đa dạng các dịch vụ phục vụ và hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp KCN.
KCN Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đang thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược, có thương hiệu nổi tiếng toàn cầu |
Đồng hành cùng nhà đầu tư và các doanh nghiệp trong các KCN
Quá trình 25 phấn đấu xây dựng và phát triển, Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư và doanh nghiệp, thưc hiện tốt công tác quản lý nhà nước sau cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào các KCN của Tỉnh, thể hiện trên các mặt cộng tác sau:
Công tác quản lý doanh nghiệp: Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh thường xuyên rà soát tình hình triển khai thực hiện dự án và nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà đầu tư/doanh nghiệp, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhất là các vấn đề về cấp điện, cấp nước, thuê đất, ưu đãi đầu tư... Tính đến hết tháng 6/2023, Ban Quản lý đã rà soát, tiến hành chấm dứt hoạt động dự án đầu tư và thu hồi 377 dự án.
Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh làm việc với Công ty TNHH nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam |
Công tác quản lý lao động: Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh đã tham mưu cho UBND Tỉnh ký Biên bản uỷ quyền cho Ban về việc thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động trong các KCN trên địa bàn Tỉnh.
Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tỉnh ký Quy chế phối hợp về quản lý nhà nước về lao động trong các KCN.
Hướng dẫn các doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về lao động như: Tiếp nhận Đăng ký Nội quy lao động, Thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp; thông báo về việc làm thêm giờ từ 200h đến 300h trong năm (nhận ủy quyền thực hiện từ tháng 1/2016); báo cáo giải trình của doanh nghiệp, duyệt nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được làm việc trong KCN; tiếp nhận và thụ lý hồ sơ đăng ký thực hiện Hợp đồng nhận lao động thực tập của doanh nghiệp trong KCN hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề có thời gian dưới 90 ngày của doanh nghiệp KCN; xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp Giấy phép lao động của doanh nghiệp trong KCN; cấp mới, cấp lại Giấy phép lao động (GPLĐ) cho lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp trong KCN (thực hiện từ ngày 01/01/2012).
Nụ cười rạng rỡ của công nhân Công ty Cổ phần In và Bao bì Goldsun trong buổi gặp mặt đầu năm mới tại Doanh nghiệp trong KCN Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh |
Bên cạnh đó, Ban Quản lý thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền phố biến chính sách pháp luật về lao động, cùng với các Trung tâm của Ban và các đơn vị trên địa bàn hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng lao động; kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động như: tiền lương, chế độ đãi ngộ, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, môi trường làm việc, bảo hộ lao động, thực hiện các quy định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…
Công nhân đang làm việc tại nhà máy Samsung Việt Nam, KCN Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh |
Phối hợp các cơ quan liên quan hỗ trợ giải quyết các vụ việc đình công, lãn công xảy ra trong các KCN. Phối hợp với Công đoàn các KCN Bắc Ninh phát triển các tổ chức Công đoàn cơ sở của các doanh nghiệp KCN, giám sát việc thực hiện Thoả ước lao động giữa chủ doanh nghiệp và người lao động; hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết kịp thời những mâu thuẫn phát sinh trong quá trình sử dụng lao động.
Tổ chức công đoàn cơ sở - cầu nối giữa người lao động với chủ doanh nghiệp phát triển mạnh tại các KCN. Số lượng ban đầu gồm 5 Công đoàn cơ sở với 1.725 đoàn viên công đoàn. Hiện nay, có 95% số doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định có đủ điều kiện thành lập tổ chức công đoàn. Tính đến nay, có tổng số 763 công đoàn cơ sở tại các KCN với 161.305 đoàn viên. Công đoàn thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy của công nhân lao động và chủ doanh nghiệp, thực hiện công tác chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, góp phần tạo mối quan hệ lao động hài hoà, tiến bộ và ổn định trong các doanh nghiệp KCN.
Ông Nguyễn Đức Long, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN Bắc Ninh (thứ hai từ trái sang) cùng lãnh đạo Văn Phòng Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh thăm và tặng quà gia đình cán bộ Ban Quản lý nhân Ngày thương binh liệt sỹ 27-7 |
Công tác bảo vệ môi trường: Công tác quản lý môi trường trong các KCN trên địa bàn toàn Tỉnh cơ bản đã đi vào nền nếp. Ban đã xây dựng và thực hiện Quy chế phối hợp quản lý và bảo vệ môi trường trong KCN với Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã. Thực hiện quan trắc tổng thể về môi trường đối với các KCN và doanh nghiệp KCN Bắc Ninh, hướng dẫn và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và bản cam kết bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp KCN. Từ tháng 6/2012, tham gia Hội đồng thẩm định ĐTM cho các dự án đầu tư trong các KCN. Phối hợp với các sở, ngành liên quan trong Tỉnh và với các công ty đầu tư phát triển hạ tầng KCN thực hiện tuyên truyền pháp luật về môi trường trong KCN, tiến hành giải quyết các vướng mắc về xả thải, xử lý nước thải của các doanh nghiệp KCN. Chủ trì, tham gia kiểm tra, giám sát về môi trường trong các KCN Bắc Ninh.
Trạm xử lý nước thải và trạm điện trong KCN Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh |
Về tình hình đầu tư, xây dựng các công trình và thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường trong KCN: KCN Tiên Sơn được khởi công xây dựng đầu tiên vào tháng 12/2000 và đưa vào vận hành Nhà máy xử lý nước thải tập trung giai đoạn I công suất 2.000 m3/ngày đêm. Đến nay, trong 12 KCN đi vào hoạt động có 11/12 KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung đang hoạt động đạt chuẩn và 1/12 KCN (Hanaka) đã xây dựng và lắp đặt thiết bị Trạm xử lý nước thải tập trung (giai đoạn I, công suất 500 m3/ngày đêm từ năm 2018) nhưng chưa đưa vào vận hành được, do chưa có mặt bằng để thi công trục chính hệ thống thu gom nước thải từ các doanh nghiệp thứ cấp về Trạm xử lý nước tập trung KCN. Các KCN cũng đã lắp đặt hệ thống quan trắc, giám sát môi trường tự động để theo dõi thường xuyên, liên tục chất lượng nước thải trước khi xả thải ra ngoài môi trường...
Toàn cảnh KCN Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh |
Công tác thanh tra, kiểm tra: Cùng với việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp hàng năm, Ban Quản lý các KCN thực hiện tốt việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư, kiến nghị của doanh nghiệp, người lao động trong KCN không để tồn đọng kéo dài.
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tham nhũng đi đôi với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với cán bộ công chức, viên chức. Minh bạch hoá các quy trình, thủ tục hành chính, phát huy tốt hoạt động của bộ phận "một cửa" tại Trung tâm Hành chính công của Tỉnh. Ban thanh tra nhân dân thường xuyên giám sát, kiểm tra đảm bảo sớm phát hiện biểu hiện tiêu cực, tham nhũng để có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Xây dựng quy chế phối hợp hoạt động với nhiều sở, ban, ngành trong Tỉnh nhằm thực hiện tốt công tác quản lý và phối hợp với các cơ quan liên quan để giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo xảy ra liên quan đến các KCN.
Ban Quản lý thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Tỉnh về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, nên Ban không tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trong giai đoạn từ đầu nhiệm kỳ tới năm 2022. Năm 2023, Ban Quản lý lập kế hoạch kiểm tra đối với 16 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Ban Quản lý phối hợp và chuẩn bị tốt phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền đối với Ban.
Ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh (thứ tư, hàng trên, áo trắng, từ phải sang) và lãnh đạo Ban Quản lý kiểm tra thực địa công tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN Quế Võ và kiểm tra môi trường trong và xung quanh KCN |
Công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, phòng chống cháy nổ trong các KCN: Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh đã phối hợp với các cơ quan chức năng như Công an Tỉnh (ký và thực hiện Quy chế phối hợp từ năm 2002), công an huyện, thị, thành phố, các đồn công an KCN và các công ty hạ tầng KCN đảm bảo tốt an ninh trật tự, an toàn trong các KCN, không để xảy ra vụ việc nghiêm trọng.
Đồng thời, thường xuyên hướng dẫn doanh nghiệp trong các KCN nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy. Phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc công tác phòng cháy chữa cháy theo quy định.
Đường vào KCN Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh |
Phấn đấu hoàn thành toàn diện nhiệm vụ xây dựng và phát triển các KCN
Phát huy những thành tựu đã đạt được trong 25 năm xây thành và phát triển song hành cùng sự nghiệp phát triển lớn mạnh của các KCN tỉnh Bắc Ninh, trong chặng đường phía trước, tập thể cán bộ, công chức, viên chức Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh quyết tâm tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, phấn đấu nỗ lực để xây dựng tập thể cơ quan ngày càng phát triển vững mạnh và nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý và phát triển các KCN của Tỉnh, để tạo đòn bẩy thúc đẩy các KCN của Tỉnh ngày càng phát triển lớn mạnh và bền vững. Ban Quản lý phấn đấu:
Trong 6 tháng cuối năm 2023:
Về công tác xây dựng đảng, 100% các Chi bộ trực thuộc hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó, 20-25% số chi bộ trực thuộc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; cơ quan, các đoàn thể chính trị - xã hội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của mình, đạt vững mạnh. 100% cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, không có biểu hiện vi phạm pháp luật, không vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm. Trên 95% số đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Kết nạp 1-2 quần chúng ưu tú vào Đảng. Giới thiệu, bồi dưỡng 1-2 quần chúng ưu tú tham gia các lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng tạo nguồn cho công tác phát triển đảng viên. 100% các tổ chức đoàn thể đạt trong sạch vững mạnh.
Quỹ đất sạch trong KCN Thuận Thành 1, tỉnh Bắc Ninh sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư |
Công tác phát triển các KCN: Ước 6 tháng cuối năm 2023, cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho khoảng 40 dự án, với tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh đạt khoảng 500 triệu USD. Dự kiến trong năm 2023, thu hút được khoảng 100 dự án thứ cấp đầu tư vào các KCN với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng thêm khoảng 1,2 tỷ USD (trong đó: Dự án FDI là 80 dự án với tổng vốn 1 tỷ USD; dự án trong nước là 20 dự án với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD).
Dự kiến năm 2023 có thêm 40 dự án thứ cấp đi vào hoạt động.
Các doanh nghiệp thứ cấp trong các KCN đạt được một số chỉ tiêu chủ yếu sau: Giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 1.200.000 tỷ đồng; doanh thu đạt: 1.300.000 tỷ đồng; Giá trị xuất khẩu đạt khoảng 35 tỷ USD; giá trị nhập khẩu đạt khoảng 28 tỷ USD; thu ngân sách thông qua các khoản thuế đạt khoảng 11.000 tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2023, các KCN trên địa bàn Tỉnh sử dụng khoảng 300.000 lao động.
Quỹ đất sạch trong KCN Yên Phong II-C tỉnh Bắc Ninh sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư |
Giai đoạn 2023-2025:
Đến cuối nhiệm kỳ phấn đấu: (1) Tổng vốn đầu tư thứ cấp vào các KCN đạt khoảng 25 tỷ USD; (2) Giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp KCN chiếm khoảng 80-85% giá trị sản xuất công nghiệp toàn Tỉnh; (3) Giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp KCN đạt khoảng 37,7 tỷ USD; (4) Nộp ngân sách từ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp thứ cấp trong các KCN đạt khoảng 12.000 tỷ đồng; (5) Các doanh nghiệp KCN Bắc Ninh sử dụng khoảng 320.000 lao động; (6) Thực hiện và hoàn thành đề án, nhiệm vụ công nghệ thông tin (xây dựng “Hệ thống thông tin trong các KCN”, thực hiện trong 2 năm 2023-2024); (7) Đưa vào hoạt động thêm 1-2 văn phòng đại diện của Ban Quản lý tại các KCN; (8) 100% KCN đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Phó Trưởng ban Quản lý các KCN Bắc Ninh Nguyễn Đức Long (thứ tư từ trái sang) và lãnh đạo các phòng chức năng Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh chụp ảnh lưu niệm với Công ty TNHH nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam trong KCN VSIP, tỉnh Bắc Ninh |
Hàng năm phấn đấu: (1) Có từ 98% trở lên đảng viên được học tập, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng, sau học tập đều có viết thu hoạch thể hiện nhận thức của cá nhân; (2) 100% chi bộ trực thuộc hoàn thành nhiệm vụ, trong đó có từ 50% chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; (3) Đảng bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; (4) 100% đảng viên hoàn thành nhiệm vụ, trong đó có từ 50% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; (5) 1 chi bộ trực thuộc và 15 cá nhân đảng viên được kiểm tra theo Điều 30 Điều lệ Đảng; (6) cơ quan, đơn vị được công nhận đạt chuẩn văn hóa; (7) Chính quyền, đoàn thể chính trị xã hội cùng cấp được xếp loại chất lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; (8) Trong nhiệm kỳ kết nạp tổng số 11 đảng viên mới (tính đến cuối nhiệm kỳ).
Nhà máy FDI trong KCN Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh |
Để đạt được hiệu quả những chỉ tiêu nêu trên, Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh xác định một số nhiệm vụ trọng tâm cần phải triển khai thực hiện trong giai đoạn 2023-2025, đó là:
Thứ nhất, thay đổi tư duy, cách nhìn tiếp cận trong công tác quản lý, điều hành để phù hợp với bối cảnh, xu hướng mới; thay đổi mới về môi trường đầu tư, kinh doanh với điều kiện tình hình trong nước và quốc tế đang tác động trực tiếp đến phát triển công nghiệp Bắc Ninh.
Thứ hai, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong Đảng ủy, lãnh đạo Ban Quản lý các KCN và toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phát động các phong trào thi đua yêu nước, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ Ban Quản lý các KCN Tỉnh lần thứ IV đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XX. Đặc biệt là mục tiêu thu hút đầu tư FDI, phát triển công nghiệp - xuất nhập khẩu, thu ngân sách, giải quyết việc làm...
Thứ ba, đẩy mạnh cải cách hành chính, nêu cao tinh thần, trách nhiệm phục vụ doanh nghiệp và người dân; đẩy mạnh chuyển đổi số (ngay từ Ban Quản lý, nhà đầu tư hạ tầng, các doanh nghiệp, khách hàng của doanh nghiệp, người lao động trong các KCN gắn với triển khai, thực hiện có hiệu quả Đề án số 06 ĐA/CP của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”; nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; siết chặt kỷ cương, kỷ luật; nâng cao đạo đức công vụ và xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu; đi đôi với thanh tra, kiểm tra, giám sát, rà soát hoạt động của các doanh nghiệp và các khu công nghiệp, nhất là các vấn đề tồn tại về quy hoạch, xây dựng...; đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm liên quan. Tiếp tục thực hiện việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, tăng tính tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ tư, Ban Quản lý sẽ là đầu mối tổng hợp phản ánh, kiến nghị kịp thời giải quyết và tham mưu tháo gỡ cho các doanh nghiệp sản xuất trong các KCN, cũng như thu hút lựa chọn các nhà đầu tư mới (phân vai, tránh cạnh tranh chéo lẫn nhau giữa các chủ đầu tư các KCN…). Hàng tháng, rà soát tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, sáng kiến của các nhà đầu tư hạ tầng, doanh nghiệp trong KCN báo cáo UBND Tỉnh và Thường trực Tỉnh ủy. Chủ động phối hợp với Sở Công Thương đề xuất việc khen thưởng, giải thưởng đối với các doanh nghiệp có những đóng góp, sáng kiến hay trong sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
Cổng ngoài KCN VSIP, tỉnh Bắc Ninh |
Thứ năm, chủ động phối hợp với các sở, ngành thúc đẩy xúc tiến, thu hút đầu tư, chuẩn bị các nội dung cho Hội nghị Công bố quy hoạch tỉnh gắn với thu hút đầu tư của Tỉnh trong tháng 10/2023. Đồng thời, tiếp nhận bàn giao dự án Khu công nghệ thông tin tập trung của Tỉnh và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, cần sớm lên phương án, kế hoạch thực thi đảm bảo yêu cầu và đón làn sóng nhà đầu tư mới vào địa bàn Tỉnh.
Thứ sáu, phối hợp Công an Tỉnh, Sở Giao thông vận tải tăng cường an ninh trật tự, đảm bảo an toàn giao thông, phòng chống cháy, nổ; quan tâm vấn đề y tế, an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm…, góp phần đảm bảo các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, sinh hoạt của công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp.
Thứ bảy, tăng cường công tác xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể vững mạnh rà soát sửa đổi quy chế làm việc của Đảng ủy theo đúng quy định; quan tâm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, đơn vị, cán bộ, đảng viên.
Nhà máy Goertek Vina tại KCN Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh |
Cần có cơ chế pháp lý "đủ mạnh” để khẳng định vai trò, địa vị pháp lý
Chặng đường 25 năm xây dựng và phát triển của Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh gắn liền với quá trình hình thành và phát triển lớn mạnh của các KCN của Tỉnh. Đến nay các KCN tỉnh Bắc Ninh đã và đang khẳng định vai trò then chốt đối với phát triển của ngành công nghiệp Tỉnh nhà nói riêng và phát triển kinh tế, xã hội Bắc Ninh nói chung. Song thẳng thắn nhìn nhận thực tế toàn cảnh quá trình phát triển các KCN của Tỉnh, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như sau:
Thu hút đầu tư nói chung và thu hút FDI nói riêng đang tập trung tại một số KCN đã phát triển, các KCN mới hình thành chưa thu hút được nhiều hoặc chưa thu hút được đầu tư dẫn đến sự phát triển không đồng đều của các KCN và các địa phương có KCN.
Mặt khác, mối liên kết kinh tế còn trong phạm vi hẹp, các doanh nghiệp FDI chưa thực sự là đòn bảy thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp địa phương.
Chế tài về chế độ báo cáo của doanh nghiệp KCN chưa đủ mạnh, gây khó khăn trong việc nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp KCN.
Việc thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đối với KCN theo Quyết định của UBND Tỉnh có lúc còn hạn chế. Do đó dẫn đến tình trạng Ban Quản lý khó nắm bắt, theo dõi được hoạt động của các doanh nghiệp KCN trong một số lĩnh vực.
Hoạt động dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc còn gặp khó khăn như: thị phần bị chia nhỏ do có nhiều nhà cung ứng dịch vụ; các kênh xúc tiến đầu tư chưa được đa dạng, chất lượng chưa cao...
Công nhân làm việc trong Công ty bao bì Tiến Thành, KCN Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh |
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về KCN, việc phát triển các KCN, KKT tại mỗi địa phương sẽ có những thuận lợi cơ bản, cũng như những khó khăn riêng, song nhìn chung các KCN, KKT trong cả nước hiện nay đang gặp những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước và phát triển KCN, KKT. Vì vậy, để khẳng định vai trò, vị thế pháp lý và hoạt động thực thi công vụ của Ban Quản lý KCN, KKT trong hoạt động quản lý nhà nước cũng như hoạt động đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư trong các KCN, KKT trong cả nước; Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh mong muốn Trung ương và tỉnh Bắc Ninh quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, cũng như giải quyết thực trạng hiện nay tại các KCN Bắc Ninh như sau:
Đối với Trung ương
Quốc hội, Chính phủ sớm xem xét sớm xây dựng Luật về KKT, KCN để khẳng định vị thế pháp lý trong công tác quản lý nhà nước đối với KKT, KCN. Tiến hành rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số quy định còn chồng chéo đối với hoạt động quản lý nhà nước hiện nay đã ban hành tại các luật như: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Xây dựng...
Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho các Ban Quản lý KCN, KKT ổn định bộ máy tổ chức, thực hiện chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng ban Quản lý các KCN Bắc Ninh phát biểu đề xuất kiến nghị đến các cơ quan Trung ương sớm giải quyết những khó khăn, vướng mắc tại các KCN Bắc Ninh hiện nay tại Hội nghị trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước giữa Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ KCN, KKT phía Bắc và phía Nam (tháng 7/2023) |
Đối với UBND tỉnh Bắc Ninh
Lĩnh vực đầu tư: Đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo các cấp, các ngành có liên quan nhằm giải quyết vướng mắc đối với Khu liền kề, Khu phát triển và Cụm công nghiệp Tân Hồng - Hoàn Sơn. Cụ thể:
UBND Tỉnh xem xét quyết định hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định phân công, giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các dự án thuộc 3 Khu vực: Khu liền kề, Khu phát triển và Cụm công nghiệp Tân Hồng - Hoàn Sơn, nhằm tháo gỡ khó khăn, kiến nghị trước mắt của nhà đầu tư.
UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành sớm thẩm định hồ sơ, phê duyệt quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, làm cơ sở sáp nhập các dự án đầu tư tại 3 khu vực này vào KCN theo quy hoạch đã được duyệt.
Toàn cảnh hạ tầng KCN Yên Phong II – C, tỉnh Bắc Ninh do Viglacera đầu tư |
Về thành lập KCN: Trước mắt, UBND Tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp để tổ chức thực hiện quy hoạch và thành lập KCN Thuận Thành III - Phân khu C quy mô khoảng 196 ha (đã được phê duyệt quy hoạch phát triển đến năm 2007) và KCN Quế Võ mở rộng - giai đoạn 2 quy mô khoảng 150 ha theo quy định về thành lập KCN tại Điều 9, Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế.
Về lâu dài, thành lập từ nay đến năm 2030 thêm 5 KCN được tích hợp vào quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, gồm: KCN Lương Tài I (quy mô 245 ha thuộc địa phận xã An Thịnh, huyện Lương Tài); KCN Lương Tài II (quy mô 495 ha thuộc địa phận xã Bình Định, Quảng Phú, huyện Lương Tài); KCN Đô thị và Dịch vụ Lương Tài (quy mô 665 ha thuộc địa phận Lâm Thao, Phú Lương, Bình Định và thị trấn Thứa, huyện Lương Tài); KCN Gia Bình I (quy mô 250 ha thuộc địa phận xã Đại Lai, huyện Gia Bình) và KCN Quế Võ mở rộng 2 (quy mô 150 ha thuộc địa phận xã Yên Giả, Mộ Đạo và phường Phượng Mao, thị xã Quế Võ).
Công tác giải phóng mặt bằng: Đề nghị UBND Tỉnh báo cáo, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh điều chỉnh phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 của tỉnh Bắc Ninh cho phù hợp với thực trạng phát triển các khu công nghiệp của Tỉnh.
Ông Nguyễn Đức Cao, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN Bắc Ninh phát biểu đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các KCN tại Hội nghị sơ kết thi đua Khối thi đua Ban Quản lý các KCN, KKT các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng, tháng 7/2023 |
UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương có KCN, tập trung cao công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án đang triển khai còn vướng mắc và những dự án mới được thành lập, đảm bảo bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư theo đúng kế hoạch; tiếp tục quan tâm đề ra những chính sách thực sự phù hợp theo đúng quy định của pháp luật nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật bên ngoài tường rào các KCN và các chính sách ưu đãi của Tỉnh đối với nhà đầu tư (nhất là đối với dải cây xanh KCN Tiên Sơn, dải cây xanh KCN Yên Phong, dải cây xanh dọc tuyến đường N4, KCN Đại Đồng - Hoàn Sơn, các lô đất cây xanh KCN Quế Võ, Quế Võ mở rộng…); đặc biệt chỉ đạo UBND Thành phố Từ Sơn, Hội đồng giải phóng mặt bằng thành phố Từ Sơn có giải pháp thu hồi đất đối với các hộ chưa nhận đền bù giải phóng mặt bằng phần diện tích đất để thi công hệ thống thu gom nước thải từ các doanh nghiệp thứ cấp về Trạm xử lý nước thải tập trung KCN Hanaka.
KCN Yên Phong đang đẩy mạnh giải phóng mặt bằng để bàn giao quỹ đất sạch cho các nhà đầu tư |
Đầu tư xây dựng hạ tầng ngoài KCN: Chỉ đạo cơ quan, đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ một số tuyến đường tỉnh lộ, quốc lộ, đường Vành đai 4, cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành...; việc quy hoạch các vị trí khai thác nước mặt cấp cho Nhà máy nước sạch của các KCN chưa được quy hoạch đồng bộ, kịp thời... ảnh hưởng đến tiến độ triển khai đầu tư xây dựng và vận hành hạ tầng KCN.
Quản lý doanh nghiệp: Đề nghị UBND Tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Tài chính hướng dẫn Tổng Công ty Viglacera - CTCP hoàn thiện các thủ tục pháp lý về miễn tiền thuê đất cho dự án của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV) trong suốt thời gian thực hiện dự án trên diện tích khu đất Công ty SEV và UBND tỉnh Bắc Ninh đã ký Thỏa thuận phát triển dự án tại KCN Yên Phong.
UBND Tỉnh chỉ đạo các cơ quan có liên quan giải quyết dứt điểm vướng mắc về ưu đãi đầu tư (thuế thu nhập doanh nghiệp) đối với các dự án tại 3 khu vực (Khu liền kề, Khu phát triển, Cụm công nghiệp Tân Hồng - Hoàn Sơn) theo đề xuất của cơ quan thuế.
Toàn cảnh Nhà máy Samsung trong KCN Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh |
Nguyễn Đức Long, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN Bắc Ninh
Bình luận