Nhiều sự lựa chọn để tăng trưởng nhanh và bền vững

"Phát triển bền vững ngày càng trở thành xu thế bao trùm trên thế giới; kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Trong đó, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững có quan hệ hữu cơ, mật thiết với nhau, vừa là quan điểm vừa là mục tiêu xuyên suốt trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, được thể hiện trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 10 năm, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm qua các thời kỳ, trong đó tăng trưởng xanh là phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững.", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chia sẻ tại Hội thảo Phát triển bền vững 2023 với chủ đề “Trách nhiệm - Hành động của chúng ta” vừa diễn ra.

Theo Thứ trưởng, kinh tế thế giới trong giai đoạn tới dự kiến sẽ có sự thay đổi nhanh chóng với nhiều diễn biến phức tạp. Nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với những hậu quả do dịch Covid-19 để lại, bao gồm sự suy giảm tăng trưởng kinh tế, bất ổn về chính trị, lạm phát và giá cả hàng hóa tăng cao sau những nỗ lực kích cầu tại nhiều quốc gia. Bên cạnh đó, xu hướng khu vực hóa, phong trào dân tộc cực đoan, xung đột địa - chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đang tạo ra các thách thức to lớn đối tiến trình phát triển bền vững của toàn cầu. Trong khi đó, thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ nạn đói bùng phát, bất bình đẳng gia tăng, tỷ lệ người nghèo trên toàn cầu tăng lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ. Hệ sinh thái đại dương và rừng bị đe dọa; đa dạng sinh học suy giảm với tốc độ chưa từng có; ô nhiễm môi trường, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp. Trên phương diện toàn cầu, việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

Phát triển bền vững vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, cần huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cho phát triển bền vững. Ảnh: MPI

Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tạo điều kiện cho dịch chuyển ngày càng tự do và trên quy mô lớn, các nguồn lực phát triển (vốn, công nghệ, nhân lực…). Quá trình đó tạo ra áp lực đòi hỏi các quốc gia phải liên tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, phát triển nhân lực chất lượng cao, đầu tư hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông, viễn thông, cũng như hệ thống hạ tầng kết nối các vùng miền trong mỗi quốc gia, đảm bảo khai thác tốt hơn tiềm năng của các vùng lãnh thổ. Các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng... tác động ngày càng sâu rộng đến phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia, đòi hỏi các quốc gia phải chung tay xây dựng và triển khai các biện pháp và huy động nguồn lực để ứng phó.

Cũng theo Thứ trưởng, trong nước, thực trạng tăng trưởng kinh tế đang phải đối mặt với các thách thức như: năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn chưa cao; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu; phát triển khoa học công nghệ còn hạn chế, chưa tạo thành động lực tăng trưởng; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm; tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào sự gia tăng đầu tư, trong khi nhu cầu vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội rất lớn, nguồn vốn nhà nước, vốn ưu đãi và viện trợ đều có xu hướng giảm. Quá trình đô thị hóa tiếp tục diễn ra nhanh, tạo sức ép lớn về nhu cầu phát triển hạ tầng và xử lý ô nhiễm môi trường. Thách thức về khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước, tài nguyên và đất đai. Thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng nhanh, khốc liệt và khó lường, ảnh hưởng đến sản xuất và cuộc sống của người dân.

Việc huy động nguồn lực để đáp ứng nhu cầu trong những năm tới đây sẽ gặp nhiều thách thức, đặc biệt là trong bối cảnh phục hồi sau dịch Covid-19. So với thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19, nguồn thu ngân sách/GDP của cả nước có xu hướng giảm. Nguồn ODA giảm rõ rệt, đặc biệt là sau khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình thấp vào năm 2010. Nguồn đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước chưa thể hiện được vai trò là động lực của tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững đất nước như kỳ vọng.

"Các áp lực về chuyển đổi phương thức phát triển, đặc biệt là cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 trong bối cảnh thiếu hụt về tài nguyên, năng lượng, trình độ phát triển khoa học và công nghệ còn thấp… sẽ đặt nền kinh tế Việt Nam trước nhiều thách thức. Tuy nhiên, những phương thức và mô hình phát triển mới như: tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế sinh thái, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ… cùng với tiến bộ khoa học và công nghệ đang mang lại cho nền kinh tế Việt Nam nhiều sự lựa chọn để tăng trưởng nhanh và bền vững. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, biến động khó lường như vậy, việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư.", Thứ trưởng nhìn nhận.

6 giải pháp trọng tâm

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia về tăng trưởng xanh, xin đề xuất một số giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy, chuyển đổi việc thực hiện các mục tiêu phát trển vững trong thời gian tới như sau:

(i) Hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tăng cường hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách thông qua cải cách hành chính công và tiếp tục thúc đẩy sự tham gia của các đối tượng yếu thế trong quá trình ra quyết định.

(ii) Tiếp tục ưu tiên đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại để nâng cao năng suất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

(iii) Ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi sau Covid-19; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cho phát triển bền vững.

(iv) Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hệ thống an sinh xã hội, nhằm đảm bảo tăng khả năng chống chịu với các cú sốc, hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế; phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

(v) Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tăng cường hợp tác quốc tế để thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

(vi) Tăng cường nâng cao nhận thức, thúc đẩy phối hợp, hợp tác giữa các bên liên quan để tạo sự lan tỏa trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững là công việc của tất cả mọi người.

“Với những giải pháp đề ra, cùng nỗ lực của tất cả chúng ta, của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức hiệp hội, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp, tôi tin tưởng rằng quá trình thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển bền vững ở Việt Nam sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp trong thời gian tới, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư...”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương chia sẻ./.