Phát triển vận tải tiết kiệm nhiên liệu góp phần xây dựng nền kinh tế xanh tại Việt Nam
Diễn đàn do Tạp chí Năng lượng sạch Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức vào ngày 5/2/2021 với sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS)
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Hữu Tiến – Phó Vụ trưởng Vụ môi trường – Bộ Giao thông vận tải cho biết, những vấn đề khó khăn mà Việt Nam cũng như các nước trên thế giới hiện nay đang phải đối mặt đó là, cạn kiệt dần nguồn nhiên liệu hóa thạch nội địa, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường từ giao thông vận tải.
Phân tích kỹ vấn đề này, theo PGS, TS. Nguyễn Hồng Thái, Phó Chủ tịch Hội kinh tế và vận tải đường sắt Việt Nam, khi bị tình trạng ùn tắc giao thông trong các đô thị diễn ra, sự lãng phí nhiên liệu tăng lên, đồng thời sự ô nhiễm càng gia tăng do khối lượng phương tiện dồn ứ không di chuyển được.
Đáng chú ý, hầu hết những loại xe ô tô cũ và xe máy đang lưu hành đều không có bộ kiểm soát khí thải ra môi trường. Trong khi đó, nhiều người tham gia giao thông tại Việt Nam còn chưa có thói quen bảo dưỡng phương tiện định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
"Nhiều phương tiện cá nhân không thực hiện nghiêm túc chế độ bảo hành, bảo dưỡng định kỳ là nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải ra môi trường với mức độ độc hại ngày càng lớn. Đặc biệt, nhiều phương tiện cũ nát, hết niên hạn sử dụng vẫn tham gia giao thông, không chỉ làm lãng phí năng lượng mà còn đe dọa đến sự an toàn tính mạng cho người tham gia giao thông; gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng không khí của các đô thị, đe dọa đến sức khỏe và cuộc sống của người dân", ông Thái chỉ ra.
Chính vì vậy, với vai trò là cầu nối phục vụ sản xuất, giao thông vận tải cũng cần có định hướng phát triển, nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường theo chủ trương của Đảng và nhà nước. Mặt khác bản thân giao thông vận tải cũng là một khâu không thể thiếu của quá trình sản xuất, việc thúc đẩy vận tải xanh có ý nghĩa quan trong trong định hướng phát triển nền kinh tế xanh tại Việt Nam và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Thời gian qua, cùng với nhiệm vụ trọng tâm là phát triển hệ thống giao thông vận tải đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, ngành giao thông vận tải đã quan tâm phát triển vận tải tiết kiệm nhiên liệu ở 3 lĩnh vực sau: Thứ nhất, về chính sách phát triển vận tải; Thứ hai về nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên năng lượng trong giao thông vận tải; Thứ ba về phát triển phương tiện giao thông vận tải thân thiện với môi trường.
Cụ thể: về chính sách thúc đẩy phương tiện sử dụng năng lượng sạch thân thiện với môi trường. Quyết định số 318QĐ-TTg, ngày 04/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật môi trường phương tiện giao thông vận tải đường bộ của nước ta đạt mức tiên tiến trong khu vực; tăng cường sử dụng nhiên liệu sạch trong giao thông đô thị, đến năm 2020 có 5%-20% số xe buýt và taxi chuyển sang sử dụng năng lượng điện, năng lượng sạch thay thế xăng, dầu.
Bên cạnh đó, cùng với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, hệ thống giao thông vận tải cũng đang từng bước được cải thiện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành quy định về dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống; xe mô tô, xe gắn máy cũng như phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và ban hành Tiêu chuẩn Việt Nam về giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với xe ô tô con, xe mô tô, xe gắn máy", ông Tiến cho biết.
Từ thực trạng của hệ thống giao thông ở Việt Nam và kinh nghiệm giảm phát thải của một số quốc gia trên thế giới, PGS, TS. Nguyễn Hồng Thái đề xuất, ngành giao thông vận tải cần lồng ghép việc giảm nhẹ khí phát thải nhà kính vào các quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư, phát triển giao thông vận tải.
Bên cạnh đó, cần ban hành chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia tài trợ về tài chính cho việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Tiến cho rằng, cần ưu tiên phát triển phương tiện vận tải hàng hóa khối lượng lớn, ít tiêu tốn nhiên liệu, như: đường sắt, đường thủy tiến tới hình thành một số doanh nghiệp vận tải hàng hoá đa phương thức có quy mô lớn, có khả năng thực hiện các chuỗi vận tải hoàn chỉnh đường bộ - đường sắt - đường biển, hoặc đường bộ - đường thuỷ - đường biển.
Đối với mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ngành giao thông vận tải cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng quy chuẩn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với một số loại phương tiện vận tải, hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật; đồng thời có chính sách khuyến khích, thúc đẩy ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng trong giao thông vận tải./.
Bình luận