Ảnh minh họa: TTXVN
Ảnh minh họa: TTXVN

Trong thư, các doanh nghiệp (DN) bày tỏ, hiện đa số các DN trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã ngừng sản xuất từ ngày 15/7/2021 đến nay vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong khoảng thời gian này, các DN đã và đang phải đối mặt với khó khăn chưa từng có. 80% người lao động tại 19 DN dù đã được tiêm 1 mũi vaccine đủ 14 ngày, nhưng vẫn chưa được quay trở lại nhà máy.

Theo quan điểm của tỉnh Tiền Giang “sản xuất phải an toàn- an toàn mới sản xuất”. Cần đến khi 100% người lao động tiêm mũi 2 vaccine đủ 14 ngày và người nhà được tiêm đủ vaccine thì mới đủ an toàn để có thể cho DN hoạt động trở lại theo hướng bình thường mới.

Vào ngày 1/10, cộng đồng DN có viết thư kêu cứu gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có phản hồi cụ thể, cũng như không thấy có thay đổi tích cực nào. Trong khi đầu tháng 10/2021, nhiều tỉnh, thành phía Nam đã có phương án hoạt động và hướng dẫn cụ thể cho DN, NLĐ các vấn đề cần làm khi sản xuất trở lại. Tỉnh Tiền Giang vẫn giữ quan điểm tiếp tục lấy mô hình sản xuất “3 tại chỗ” làm trọng tâm, kèm theo các yêu cầu xét nghiệm phức tạp hơn quy định của Bộ Y tế, gây khó khăn cho NLĐ, cũng như lãng phí tài chính của DN trong lúc khó khăn.

Nghị quyết 128/NQ- CP quy định rõ việc xét nghiệm và đi lại của người dân từ khu vực cấp độ 1 đến cấp độ 4, Bộ Y tế cấp thẻ xanh để đi lại cho người dân đã tiêm 1 mũi vaccine. Tiền Giang cũng đã phân vùng 2 trên địa bàn toàn tỉnh từ đầu tháng 10/2021, rất nhiều cơ sở kinh doanh mua bán đã được phép hoạt động bình thường, người dân đã đi lại tự do trong tỉnh nhưng lại không thể đi làm, DN vẫn phải đóng cửa, thiệt hại kéo dài.

Trước thực trạng trên, 19 DN mong muốn Chính phủ có giải pháp tháo gỡ, đồng thời đề nghị được xem xét 5 vấn đề:

Thứ nhất, đề nghị không bắt buộc sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 địa điểm”.

Thứ hai, cho người lao động đang sinh sống tại vùng 1-3 đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine đủ 14 ngày theo Nghị quyết 128 được sử dụng phương tiện giao thông cá nhân và xe đưa đón quay lại nhà máy sản xuất vào ngày 1/11/2021. Doanh nghiệp sẽ cung cấp danh sách và phương án phòng chống dịch trong cơ quan cũng như cam kết của doanh nghiệp và người lao động.

Thứ ba, đề nghị không hạn thời gian giới nghiêm (19h tối đến 5h sáng hôm sau) đối với người lao động trong quá trình đến nhà máy làm việc (theo công văn số 6249/UBND-KGVX, ngày 18/10/2021).

Thứ tư, đề nghị test nhanh kháng nguyên, không bắt buộc xét nghiệm Realtime PCR mẫu đơn cho người lao động trước ngày đầu tiên quay lại làm việc (theo nội dung cuộc họp 4 bên ngày 19/10/2021). Sau đó doanh nghiệp sẽ thực hiện xét nghiệm hàng tuần theo quy định của Bộ Y tế.

Thứ năm, đề nghị cho phép người lao động ngoài tỉnh đã tiêm đủ 2 liều vaccine quay lại Tiền Giang làm việc.

Cộng đồng các doanh nghiệp FDI đóng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đề nghị Thủ tướng Chính phủ “xem xét và có biện pháp can thiệp giúp đỡ doanh nghiệp dần khôi phục sản xuất để góp phần vào tiến trình phục hồi kinh tế, đồng thời giải quyết việc làm và ổn định đời sống kinh tế cho người lao động trên tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ”.

Sáng 26/10, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Vĩnh đã chủ trì buổi làm việc với các DN FDI trên địa bàn tỉnh nhằm lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp và giải đáp các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, theo Báo Ấp Bắc.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Vĩnh ghi nhận ý kiến, khó khăn của DN. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN để đồng hành vượt qua khó khăn.

Về định hướng mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới, theo ông, giai đoạn từ ngày 1/10 đến 31/10, tỉnh không chỉ thực hiện sản xuất phương án “3 tại chỗ”, mà còn nhiều mô hình khác.

Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang yêu cầu các DN đang thực hiện các mô hình sản xuất này tiếp tục thực hiện như cũ, song song với việc chuẩn bị xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn từ ngày 1/11.

Tất cả các DN xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh gắn với công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch với các mô hình, trước hết là “3 tại chỗ”. Nếu DN nào đảm bảo thực hiện “3 tại chỗ” có hiệu quả, an toàn thì xây dựng phương án hoạt động.

Phương án thứ hai là tổ chức cho người lao động đi về hằng ngày. Thứ ba là kết hợp phương án “3 tại chỗ” và tổ chức cho lao động đi về hằng ngày.

Những phương án này do chủ DN tự quyết định, lựa chọn xây dựng phương án theo hướng dẫn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thời gian thực hiện từ ngày 1/11 với điều kiện phương án đó phải hoàn chỉnh.

Hiện nay, tỉnh mở hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng phải đảm bảo thận trọng và an toàn. Dự kiến đến ngày 31/10, tỷ lệ tiêm vắc xin cho công nhân sẽ đạt 56%, một thời gian ngắn nữa sẽ đảm bảo phủ 100% mũi 2 cho công nhân.

Do đó, những DN nếu đủ điều kiện thì ngay từ đầu tháng 11 đưa vào hoạt động với số lượng công nhân khoảng 56%/tổng số lao động, sau đó bổ sung dần. DN đảm bảo yêu cầu thì quyết định toàn bộ quy mô sử dụng lao động của mình.

Về việc di chuyển của người lao động trong nội tỉnh, nếu di chuyển bằng phương thức đưa đón tập trung thì DN xây dựng phương án, còn trường hợp đủ điều kiện thì đi về hằng ngày bằng phương tiện cá nhân.

Đối với người lao động ngoài tỉnh, UBND tỉnh cam kết với DN sẽ làm việc với các địa phương với tinh thần sớm nhất để thông báo cho DN. Quan điểm của đồng chí là nếu người lao động ngoài tỉnh đã tiêm đủ hai mũi vắc xin COVID-19 thì vào làm việc trên địa bàn tỉnh bình thường.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh cũng cho rằng, công tác xét nghiệm COVID-19 đầu vào rất quan trọng để đảm bảo tính an toàn đối với hoạt động của DN. Quan điểm của UBND tỉnh là người lao động trước khi trở lại làm việc phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 bằng phương pháp RT-PCR.

Sau đó, khi tầm soát, xét nghiệm định kỳ, các DN tự chịu trách nhiệm và thực hiện đúng theo quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế. Cơ quan nhà nước sẽ giám sát và kiểm tra việc xét nghiệm, tầm soát định kỳ theo đúng đối tượng, tỷ lệ theo quy định về công tác phòng, chống dịch. Đối với biện pháp xử lý khi phát hiện F0, F1, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo cho ngành Y tế tham mưu đề xuất xử lý vấn đề này.

Một ngày sau khi UBND tỉnh Tiền Giang đối thoại với DN FDI, ngày 27/10/2021, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang khẩn trương xem xét giải quyết các kiến nghị của Cộng đồng doanh nghiệp FDI tại tỉnh Tiền Giang.

Phó Thủ tướng yêu cầu, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021; Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch và phục hồi, sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

"Trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc, UBND tỉnh Tiền Giang cần khẩn trương xin ý kiến bộ chuyên ngành để tháo gỡ, giải quyết theo thẩm quyền", Phó Thủ tướng nêu rõ./.