PPP là công cụ quan trọng để thu hút đầu tư vào ngành nông nghiệp
Theo bà Phạm Thị Hồng Hạnh, Ban thư ký PSAV, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2009, ngành nông nghiệp đã thành lập 6 nhóm công tác ngành hàng theo hình thức PPP gồm: Cà phê, chè, gia vị hồ tiêu, thủy sản, hàng hóa tập trung, rau quả. Sau đó, căn cứ vào nhu cầu thực tiễn có hai nhóm được thành lập thêm gồm hóa chất nông nghiệp và tài chính nông nghiệp.
Qua thời gian thực hiện 8 nhóm ngành hàng thì nhóm ngành hàng cà phê và chè được đánh giá có hoạt động tiêu biểu hiệu quả đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các ngành hàng nông sản chủ lực.
Nhóm ngành hàng cà phê theo hình thức PPP được đánh giá hoạt động có hiệu quả
Nhóm công tác PPP ngành hàng cà phê đã triển khai được 256 mô hình vườn mẫu tại 4 tỉnh, giúp tăng năng suất cà phê tăng từ 12% lên 17% trong giai đoạn 2015-2016, giúp tăng thu nhập cho người nông dân khoảng 14%. Cùng với việc tập huấn cho trưởng nhóm và nông dân về sản xuất cà phê bền vững, đến nay nhóm đã hỗ trợ xây dựng được bộ tài liệu quốc gia về hướng dẫn sản xuất cà phê bền vững, áp dụng rộng rãi trong cả nước.trong đó điển hình nhất chính là năng suất cà phê tăng lên 17%, thu nhập tăng lên 14% và giảm đáng kể phát thải khí nhà kính, gần đạt mục tiêu 20-20-20. Ngoài ra, dự án mô hình cà phê còn tiến hành tập huấn cho nông dân về sản xuất bền vững, hỗ trợ xây dựng bộ tài liệu quốc gia, được áp dụng chung không chỉ trong dự án mà ở tất cả cả các tỉnh sản xuất cà phê trên cả nước.
Ngoài cà phê, đối với nhóm ngành hàng chè, thông qua dự án cũng đã xây dựng được bộ tài liệu sản xuất chè bền vững, tập huấn chè, tạo chuỗi cung ứng chè bền vững và chất lượng của Việt Nam. Với nhóm rau quả, dự án cũng đã giúp cải thiện năng suất thông qua các hoạt động như tập huấn trồng trọt, tưới tiết kiệm, đưa giống mới vào sản xuất.
Mặc dù đạt được một số kết quả nhất định, nhưng hiện nay, PPP tài chính nông nghiệp đang còn hạn chế, mô hình hợp tác xã PPP sử dụng thẻ tín dụng để mua phân bón, vật tư nông nghiệp vẫn chưa thực hiện được do thói quen của nông dân và trình độ quản lý, kinh doanh của hợp tác xã chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cũng chưa có nhiều mạng lưới giao dịch đến cấp xã, quy mô nhỏ và chi phí giao dịch cao.
Còn theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, việc kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia mở rộng mô hình còn hạn chế, hầu hết mới chỉ là mô hình điểm. Sự tham gia của khối công chưa như mong đợi. Ngoài ra, năng lực và kinh nghiệm thúc đẩy dự án còn hạn chế, đồng thời cũng chưa hình thành được mạng lưới chuyên gia trong vấn đề này.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, một trong những ưu tiên lớn hiện nay của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn là đẩy mạnh tái cơ cấu ngành theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững, đồng thời tập trung nguồn lực phát triển nông thôn mới.
Ông Nguyễn Xuân Cường khẳng định, ngành nông nghiệp Việt Nam đang tập trung thu hút vốn đầu tư tư nhân để tái cơ cấu ngành, hướng tới nền nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, dựa vào khoa học công nghệ, quản trị. PPP là một công cụ quan trọng để thu hút đầu tư vào ngành nông nghiệp để phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và tăng cường đầu tư vào chế biến sâu. Từ những kết quả và hạn chế trong triển khai thực hiện của các nhóm đối tác PPP nông nghiệp, Bộ trưởng Cường cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục tiếp thu kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp nhằm hoàn thiện thông tư hướng dẫn, thúc đẩy nhanh tiến trình PPP, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ luôn theo sát các nhóm PPP để đưa ra các cơ chế chính sách tốt hơn nhằm thu hút vốn đầu tư xã hội vào quy trình sản xuất chuỗi”, ông Cường nhấn mạnh thêm.
Bình luận