Theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa được Ngân hàng công bố, quý III/2021, MB ghi nhận tổng thu nhập hoạt động 8.700 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 26.817 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức tương ứng của năm 2020 là 6.735 tỷ đồng và 19.647 tỷ đồng. Thu nhập hoạt động tăng mạnh trên hầu hết các mảng kinh doanh của Tập đoàn, trong đó, thu nhập lãi thuần quý III/2021 đạt 6.515 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng đạt 19.029 tỷ đồng, vượt trội so với mức đạt được 5.164 tỷ đồng và 14.483 tỷ đồng của năm 2020.

Quản lý chi phí hiệu quả, MB đạt trên 90% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2021
Báo cáo tài chính riêng cho biết, tổng lợi nhuận trước thuế 9 tháng năm 2021 của MB đạt 10.506 tỷ đồng, tăng 42,57% so với 9 tháng năm 2020

Bên cạnh việc tăng mạnh thu nhập hoạt động, điểm đáng chú ý trong báo cáo tài chính tại MB là tổng chi phí hoạt động chỉ tăng rất nhẹ trong kỳ. Theo báo cáo hợp nhất, quý III/2021, tổng chi phí hoạt động tại MB là 3.023 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 2.836 tỷ đồng của quý III/2020. Kết hợp của 2 yếu tố: tăng thu và quản lý hiệu quả khoản chi, quý III/2021, MB ghi nhận lãi 3.898 tỷ đồng, tăng 25,5% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, MB đạt 11.884 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 46% so với 9 tháng đầu năm 2020. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông Ngân hàng tính đến 30/9/2021 (sau khi trừ thuế và lợi ích của cổ đông thiểu số) đạt 9.171 tỷ đồng.

Trong hoạt động của riêng Ngân hàng MB, báo cáo tài chính riêng cho biết, tổng lợi nhuận trước thuế 9 tháng năm 2021 đạt 10.506 tỷ đồng, tăng 42,57% so với mức đạt được của 9 tháng năm 2020 (7.369 tỷ đồng). Như vậy, khối các công ty con của MB cũng đạt kết quả kinh doanh tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào hiệu quả chung của toàn Tập đoàn.

Cũng theo báo cáo tài chính riêng, MB có tổng dư nợ tín dụng tại thời điểm 30/9/2021 là 318.300 tỷ đồng, trong đó nợ đủ tiêu chuẩn là 331.943 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/9/2021, Ngân hàng MB có khoản chi phí dự phòng rủi ro là 4.804 tỷ đồng, đủ sức bao toàn bộ rủi ro trong hoạt động tín dụng.

Quản lý chi phí hiệu quả, MB đạt trên 90% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2021
Thương hiệu MB trở nên phổ cập và được yêu mến trên toàn quốc nhờ phát triển các sản phẩm ngân hàng số

Tại thuyết minh báo cáo tài chính riêng Ngân hàng, MB cho biết, định hướng của Ngân hàng là trở thành một tập đoàn tài chính đa năng. Do vậy, việc sử dụng các công cụ tài chính, bao gồm huy động vốn từ khách hàng và đầu tư vào các tài sản tài chính có chất lượng cao đã trở thành hoạt động mang tính then chốt, giúp Ngân hàng đạt được mức chênh lệch lãi suất cần thiết. Thông qua việc nắm giữ nhiều tài sản là các công cụ tài chính có chất lượng cao, Ngân hàng có đủ khả năng phòng ngừa rủi ro trọng yếu trong quá trình hoạt động và đảm bảo khả năng thanh khoản.

Hiện MB có 6 công ty con gồm: Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản - Ngân hàng TMCP Quân đội (MB nắm 100% vốn); Công ty Chứng khoán MB (MBS - MB nắm 79,42% vốn); Công ty Quản lý quỹ đầu tư MB (MB nắm 90,77% vốn); Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (MB nắm 50% vốn); Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MB nắm 68,37% vốn) và Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas (MB nắm 61% vốn).

Do TTCK Việt Nam tăng trưởng tích cực cả về điểm số và thanh khoản, nên một số công ty con của MB ghi nhận lợi nhuận vượt ngoài dự kiến. Chẳng hạn, MBS đạt 520 tỷ đồng lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm 2021, vượt kế hoạch cả năm được giao./.