Quản lý giống cây trồng: Hành lang pháp lý còn nhiều bất cập
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho biết, thời gian qua, ngành giống cây trồng Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, chọn tạo thành công được nhiều giống tốt đưa vào sản xuất. Trong đó, đã có nhiều giống cây trồng cho năng suất cao như: lúa, cà phê… Bên cạnh đó, vai trò của doanh nghiệp trong sản xuất giống cây trồng ngày càng tăng, công tác lai tạo giống cây trồng cũng được Chính phủ quan tâm ủng hộ.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết hiện nay cả nước có 652 tổ chức, cá nhân sản xuất giống cây trồng được các tỉnh, TP cấp mã số. Trong đó có 298 công ty giống, 79 trung tâm giống, còn lại là các hộ tư nhân, tổ hợp tác, HTX… Đối với giống cây lâm nghiệp cả nước có 661 đơn vị, cá nhân đăng ký sản xuất, kinh doanh giống cây.
Hiện nay lượng giống lúa cơ bản sản xuất được trong nước đáp ứng trên 80%, số còn lại nhập từ nước ngoài. Giống ngô sản xuất tại trong nước mới đáp ứng được 40%, các loại giống cây trồng khác, như: cây công nghiệp, cây ăn quả, cây lâm nghiệp chủ yếu là sản xuất trong nước. Các loại giống rau, hoa chủ yếu sản xuất ở trong nước theo phương pháp truyền thống và hiện nay được nhập khẩu vào sản xuất ngày càng nhiều với chủng loại phong phú.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thời gian qua được thành lập theo quy định hiện hành, hoạt động bình đẳng, không phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước, tư nhân hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Vai trò của doanh nghiệp trong sản xuất, nghiên cứu và phát triển giống mới ngày càng tăng. Trong số giống lúa được công nhận, có 61% giống do doanh nghiệp và các trung tâm giống nghiên cứu chọn tạo; 19/26 giống ngô được công nhận do doanh nghiệp chọn tạo…
Toàn cảnh hội thảo
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, hiện nay, công tác giống cây trồng của Việt Nam vẫn còn khá nhiều khó khăn, đặc biệt khung pháp lý về quản lý giống cây trồng còn hạn chế, chưa có hệ thống văn bản quản lý đầy đủ, chưa phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế.
Cụ thể, trong các quy định của Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn về quy trình khảo nghiệm, sản xuất thử, công nhận và lập danh mục giống như hiện nay thời gian thực hiện rất dài (đối với nhóm giống cây trồng ngắn ngày thì phải mất thời gian từ 3,5 năm đến 4 năm; nhóm giống cây trồng dài ngày thì phải mất thời gian trên 10 năm), làm ảnh hưởng lớn về thời gian và chi phí cho việc công nhận và đưa vào danh mục giống cây trồng gây khó khăn cho quá trình đưa giống mới có chất lượng và năng suất cao vào sản xuất. Pháp lệnh giống cây trồng năm 2004 mới chỉ quan tâm nhiều đến các loại giống cây lương thực và cây ngắn ngày, còn các loại giống cây dài ngày chưa được quan tâm.
Đồng thời, việc kiểm tra, chứng nhận mới chỉ dừng ở chỉ tiêu năng suất; các tiêu chuẩn, quy chuẩn xác định giống vẫn còn thiếu. Về tiêu chí chất lượng, chống chịu sâu bệnh hại, thích ứng với biến đổi khí hậu để phục vụ sản xuất thì chưa có tiêu chí cụ thể. Tình trạng giống giả, giống kém chất lượng vẫn được sản xuất, lưu thông và sử dụng gây thiệt hại cho nông dân, đồng thời làm bóp méo thị trường, cạnh tranh không lành mạnh.
Đưa ra giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giống cây trồng, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho rằng, việc xây dựng hành lang pháp lý vững chắc để tạo điều kiện cho việc phát triển và cung cấp ra thị trường các giống cây trồng năng suất, chất lượng cao và chống chịu tốt có vai trò hết sức quan trọng. Điều này sẽ góp phần thực hiện thành công Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn thời gian tới cần đầu tư nâng cấp, tăng cường năng lực cho các cơ sở nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất và kinh doanh giống cây trồng. Đồng thời, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu chọn tạo giống, nhất là các doanh nghiệp. Ngoài ra, thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý nhà nước về giống và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ về giống.
Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc quốc gia Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) của Ngân hàng Thế giới phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào cho rằng, mục tiêu cuối cùng của công tác giống cây trồng là cung cấp giống cây trồng chất lượng cao cho người nông dân và hướng đến việc xây dựng các quy định về chứng nhận và cấp phép giống cây trồng. Với việc đạt được mục tiêu này sẽ thu hút đầu tư tư nhân, gia tăng sản xuất một số giống cây trồng được chứng nhận và góp phần tạo thêm nhiều việc làm và cải thiện sinh kế cho hàng triệu nông dân khu vực Mê Kông.
Theo Tiến sỹ Peter Setimela, nhà khoa học Cao cấp, Trung tâm Cải tiến ngô và lúa mỳ quốc tế cần kiểm soát chất lượng và đảm bảo chất lượng giống trong đó cần kiểm tra giống trên đồng ruộng, độ thuần giống... Đồng thời, thực hiện cấp chứng nhận giống nhằm mục tiêu đảm bảo tính toàn vẹn di truyền của giống (tính đúng giống), bảo đảm độ sạch của giống, bảo đảm giống đạt tỷ lệ nảy mầm theo quy định và xác định cấp giống.
Tại Hội thảo, nhóm WB đã giới thiệu sáng kiến “Cẩm nang hạt giống cho mọi người”. Cẩm nang là một hướng dẫn toàn diện hỗ trợ các nhà chính sách ở các nước đang phát triển xây dựng, điều chỉnh khuôn khổ pháp lý và thiết lập các ưu tiên có tính thực tế phù hợp với năng lực hiện tại về giống cây trồng./.
Bình luận