Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu Bảng xếp hạng PCI 2019
Hôm nay (ngày 5/5), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tổ chức lễ công bố trực tuyến Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019.
Chỉ số PCI do VCCI và USAID hợp tác xây dựng từ năm 2005 để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Báo cáo PCI 2019 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.500 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 11.000 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và trên 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại 21 địa phương tại Việt Nam.
Theo Báo cáo PCI 2019, Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng PCI 2019 (73,40 điểm), tiếp đến là Đồng Tháp (72,10 điểm), Vĩnh Long (71,30 điểm) và Bắc Ninh (70,79 điểm). Các tỉnh, thành phố tiếp theo trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu, bao gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Bến Tre, Long An, Hà Nội và Hải Phòng.
Bảng xếp hạng PCI 2019
Ngoài ra, các địa phương nằm trong nhóm xếp hạng cao còn có Cần Thơ, Thái Nguyên, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh và Bà Rịa -Vũng Tàu…
Báo cáo PCI năm 2019 đã cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế các địa phương đã giữ vững được xu hướng cải thiện theo thời gian. Một số chuyển biến rõ nét, như: mức độ năng động, sáng tạo của chính quyền cấp tỉnh gia tăng, công tác giải quyết vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp đã có những cải thiện rõ rệt, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn, các doanh nghiệp gặp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thông tin, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự được củng cố, gánh nặng chi phí không chính thức tiếp tục giảm, cải cách hành chính có kết quả tích cực…
Mặc dù vậy, không gian cải thiện vẫn còn rất lớn với chính quyền các địa phương, đó là: việc tăng cường minh bạch thông tin đấu thầu, mua sắm công, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực, đặc biệt là những thủ tục về đất đai và giải phóng mặt bằng, thủ tục liên quan tới quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quyết định chủ trương đầu tư…
Bên cạnh đó, Báo cáo cũng chỉ ra, 05 vấn đề khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp dân doanh đang gặp phải, bao gồm: tìm kiếm khách hàng (63%), tiếp cận vốn (35%), tìm kiếm nhân sự thích hợp (34%), tìm kiếm đối tác kinh doanh (28%) và biến động thị trường (27%). Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có gặp nhiều khó khăn hơn so với các doanh nghiệp lớn.
Trong năm 2020 và thời gian tới, khó khăn của các doanh nghiệp chắc chắn sẽ còn nghiêm trọng hơn, bởi những tác động tiêu cực do dịch bệnh Covid-19. Nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ tạm dừng hoạt động, thậm chí phá sản. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả từ Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền địa phương.
Đối với các doanh nghiệp FDI, Báo cáo PCI 2019 cho thấy, các doanh nghiệp FDI tiếp tục đánh giá tích cực về môi trường kinh doanh Việt Nam. Những cải thiện ấn tượng nhất là trong trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, tiếp cận đất đai và cắt giảm chi phí không chính thức cũng như gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp doanh nghiệp FDI cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan tới giai đoạn hoạt động sau đăng ký, thủ tục xuất nhập khẩu, bảo hiểm xã hội, thuế... Đồng thời, mong muốn Việt Nam có chiến lược và chính sách hiệu quả để nâng cao chất lượng lao động, đặc biệt là lao động có kỹ năng.
Báo cáo PCI 2019 dành một phần quan trọng để đánh giá việc áp dụng tự động hóa và số hóa vào trong sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp. Đã có một số lượng đáng kể doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu áp dụng tự động hóa và số hóa. Hai yếu tố chính thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng tự động hóa, số hóa là chi phí tuyển dụng và đào tạo lao động mới, đặc biệt khi doanh nghiệp khó tuyển được lao động có tay nghề phù hợp. Đây cũng cách để doanh nghiệp tham gia tốt hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu./.
Bình luận