Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam: Hành trình 25 năm kết nối tình yêu thương
25 năm xây dựng và phát triển
Sau 25 năm thành lập và phát triển, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã làm tròn trách nhiệm là cầu nối cộng đồng, xã hội, các tổ chức quốc tế và trẻ em. Giúp cộng đồng đem tới trẻ em khắp mọi miền đất nước nguồn lực, tình cảm, kiến thức trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận TƯ trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể và cá nhân
Đáng chú ý, trong 25 năm qua, hệ thống Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã vận động các nhà tài trợ trong và ngoài nước được khoảng 5.500 tỷ đồng; hỗ trợ thực hiện quyền trẻ em, giúp đỡ được khoảng 30 triệu lượt trẻ em, thông qua 18 chương trình, như: Chương trình “Vì trái tim trẻ thơ” (Hỗ trợ phẫu thuật dị tật tim bẩm sinh); “Vì ánh mắt trẻ thơ” (Phẫu thuật và điều trị dị tật mắt); phẫu thuật nụ cười; phẫu thuật chỉnh hình cho trẻ dị tật vận động; hỗ trợ học bổng; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa trường học, lớp học; hỗ trợ xe đạp; hỗ trợ xe lăn…
Những hoạt động này cùng với việc nguồn kinh phí của các nhà tài trợ hỗ trợ trẻ em thông qua Quỹ đều được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về quản lý tài chính, được công khai trên trang website của Quỹ, đã tạo được niềm tin để các nhà tài trợ cùng đồng hành trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội cho đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn.
Ông Hoàng Văn Tiến, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cho biết, trong định hướng kế hoạch hoạt động từ nay đến năm 2020, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam phấn đấu vận động nguồn lực đạt 80 tỷ đồng/năm, mỗi năm hỗ trợ trực tiếp cho 55.000 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn. Quỹ sẽ tiếp tục phát huy những truyền thống tốt đẹp, rút ra các bài học kinh nghiệm trong công tác hỗ trợ trẻ em để cùng phát triển, mang lại những giá trị cuộc sống tốt đẹp hơn cho những trẻ em nghèo, thiệt thòi trên mọi miền Tổ quốc.
Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quỹ BVTEVN nhấn mạnh: Kết quả trên là sự nỗ lực và cố gắng của các thế hệ đội ngũ cán bộ, công chức, nhân viên của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cùng sự giúp đỡ quý báu của cộng đồng xã hội đối với trẻ em đã thực hiện được trong thời gian qua. Chặng đường 25 năm qua là hành trình kết nối tình yêu thương, sự quan tâm, chia sẻ, là hành trình phấn đấu tất cả vì trẻ em Việt Nam. Đó cũng chính là hành trình góp phần vun đắp truyền thống “lá lành đùm là rách, thương người như thể thương thân” cùng những giá trị tốt đẹp, nhân văn của dân tộc Việt Nam.
Sự đóng góp tích cực của các tổ chức, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đã khích lệ tinh thần làm nhiều việc thiện cho cộng đồng, nhân lên ngày càng nhiều các tấm gương người tốt, việc tốt trong xã hội dành cho trẻ em Việt Nam.
Bà Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng đề nghị, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam hoạt động đúng mục tiêu và phương châm đã đề ra. Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cần tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của mình, nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tích cực chăm lo, nâng cao mọi mặt công tác; khẳng định và tạo niềm tin đối với các nhà tài trợ, xứng đáng là địa chỉ tin cậy để kết nối các trái tim nhân ái, huy động tốt nguồn lực trong và ngoài nước; góp phần cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, bảo vệ, giáo dục, chăm lo cho trẻ em, đảm bảo các quyền và nâng cao chất lượng cuộc sống tốt đẹp cho trẻ em Việt Nam…
Tiếp tục gieo mầm xanh hi vọng để phát triển cộng đồng
Có thể thấy Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam là địa chỉ tin cậy, kết nối các trái tim nhân ái; huy động tốt nguồn lực trong và ngoài nước, góp phần cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, bảo vệ, giáo dục, chăm lo cho trẻ em, đảm bảo quyền, nâng cao chất lượng sống cho trẻ em...
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tặng bằng khen cho các cá nhân, tập thể
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, trong suốt 25 năm qua, Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội luôn dành tình thương, tình cảm sâu sắc cho trẻ em. Phần thưởng quý giá nhất chính là Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã hỗ trợ được hơn 30 triệu lượt trẻ em, nghĩa là hơn 30 triệu trẻ em đã bớt rủi ro trong cuộc sống. Nhờ đó, cuộc đời của nhiều đứa trẻ đã thay đổi và bước sang một trang mới.
Em Nguyễn Văn Trung, sinh năm 1993 quê ở Hà Tĩnh. Trung chia sẻ tại buổi lễ: “Em sinh ra trong gia đình nông nghiệp, hoàn cảnh rất khó khăn. Nhà có 3 anh em thì 2 người bị mù, sức khỏe bố kém, mọi gánh nặng dồn lên vai mẹ. Từ năm lớp 3 đến năm lớp 10 em nhận được học bổng của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Hà Tĩnh. Từ năm lớp 10 đến hết đại học, em được nhận học bổng của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. Nhờ sự hỗ trợ thường xuyên này em đã có động lực, niềm tin để vượt qua khó khăn, tiếp tục vươn lên học tập. Thành công hôm nay là nhờ có sự đồng hành rất lớn của Quỹ. Hiện tại, em là Phó Chủ tịch Hội người mù thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Em nhận thấy, mình có nghĩa vụ tiếp tục hỗ trợ những hoàn cảnh kém may mắn như em.
Xúc động trước hoàn cảnh của Trung, em Tráng Thị Chủ, sinh năm 2002, dân tộc Mông tại Lào Cai tâm sự, hiện em đang học lớp 9. Em đã may mắn vì được nhận xe đạp từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. Trước đó, sáng nào em cũng đi bộ 5km đến trường, nhiều khi mệt mỏi và thấy ảnh hưởng đến việc học. Từ khi được nhận chiếc xe đạp, em thấy em học tốt hơn và đỡ mệt hơn. Ngồi bên cạnh em Chủ, em Trần Thị Như Quỳnh, sinh năm 2004 tại Đồng Nam nghẹn ngào, em mồ côi cha mẹ, từ nhỏ em ở với bà, nếu như không được nhận sự hỗ trợ dài hạn trong những năm qua, em không thể có cơ hội đến trường. Số tiền hỗ trợ giúp em trang trải chi phí học tập, mua sắm đồ dùng học tập và đỡ đần bà.
Mặc dù, 25 năm qua, nhiều trẻ em đã được thụ hưởng các chương trình từ hệ thống của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. Song, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh luôn băn khoăn: Hiện cả nước còn gần 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và gần 2,5 triệu trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Bên cạnh đó, tình trạng trẻ em bị xâm hại, mua bán, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em phạm pháp, tự kỷ, phải lao động sớm, bỏ học vẫn còn; nhiều trẻ em mắc bệnh, dị tật cần sự chung tay giúp đỡ của xã hội...
Trước thực trạng đó, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội và cộng đồng, đặc biệt là Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cần có thêm nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả hơn... để tiếp tục giúp đỡ trẻ em thiệt thòi./.
Bình luận