50% nước uống không đạt tiêu chuẩn chất lượng: Việt Nam đối mặt với khủng hoảng về nước sạch
Sáng ngày 8/12, với sự hỗ trợ của UNICEF và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo kết quả điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021 (gọi tắt là Điều tra SDGCW Việt Nam 2020-2021).
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, để thực hiện điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam năm 2020-2021, Tổng cục Thống kê đã nhận được sự hỗ trợ của UNICEF và ủng hộ từ UNFPA từ cuối năm 2019. Sự đồng hành, phối hợp của các chuyên gia quốc tế cũng như các chuyên gia trong nước, UNICEF đã giúp Tổng cục Thống kê thực hiện cuộc điều tra theo tiêu chuẩn của Chương trình Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ toàn cầu lần thứ 6 (MICS) từ thiết kế mẫu phiếu hỏi, sổ tay đến chương trình thu thập thông tin.
Bà Nguyễn Thị Hương cho biết, đây là cuộc điều tra MICS lớn nhất tại Việt Nam và trên thế giới cho đến thời điểm hiện tại. |
Đây là cuộc điều tra MICS lớn nhất tại Việt Nam và trên thế giới cho đến thời điểm hiện tại, với số lượng mẫu là 14.000 hộ gia đình trên 700 địa bàn thuộc tất cả 63 tỉnh thành của cả nước. Mẫu điều tra đại diện cho 6 vùng kinh tế và hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và các nhóm dân tộc thiểu số chính.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, kết quả điều tra phản ánh cuộc sống chân thực của trẻ em và phụ nữ trên cả nước. Bên cạnh các chủ đề về sức khỏe sinh sản phụ nữ, dinh dưỡng cho trẻ em, giáo dục, y tế, tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông bình đẳng, phát triển toàn diện, báo cáo còn phản ánh thêm một số chủ đề mới đang được quan tâm, như: lao động sớm, khuyết tật trẻ em và các chỉ tiêu khác có liên quan.
Kết quả cho thấy, bức tranh tổng thể về trẻ em và phụ nữ Việt Nam với nhiều chỉ tiêu tổng hợp nhằm cung cấp thông tin, bổ sung khoảng trống về số liệu, phục vụ cho đánh giá các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam theo chuẩn quốc tế và không thay thế các nguồn dữ liệu có sẵn khác của Việt Nam.
Đồng thời, kết quả điều tra cung cấp thông tin về 38 chỉ tiêu phát triển bền vững toàn cầu và 35 chỉ tiêu phát triển bền vững của Việt Nam; cập nhật số liệu đảm bảo độ tin cậy và so sánh quốc tế; đồng thời, kết quả điều tra làm bằng chứng hỗ trợ các nhà hoạch định xây dựng chính sách, các chương trình phục vụ cho đánh giá tiến trình thực hiện các mục tiêu quốc gia của Việt Nam và cam kết toàn cầu về trẻ em, phụ nữ.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Bà Nguyễn Thị Hương tin tưởng rằng, kết quả điều tra sẽ được sử dụng hiệu quả và phổ biến tới đông đảo người dùng thông tin nói chung, các nhà hoạch định chính sách nói riêng. Và đồng thời, đây cũng là thông tin hỗ trợ việc thiết lập các chương trình, các chính sách, đặc biệt là các chính sách tập trung vào trẻ em và phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi, như: người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn, các hộ nghèo, người khuyết tật….
Đồng quan điểm, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers nhấn mạnh, kết quả Điều tra SDGCW Việt Nam 2020-2021 là một tham vọng lớn nhất trong các cuộc điều tra đã được thực hiện từ trước tới nay. Những thông tin của cuộc điều tra rất quý giá, là cơ sở khoa học để các nhà nghiên cứu, lập chính sách đối sánh các dữ liệu hiện có với nhau, đồng thời, gợi mở cho các nhà hoạch định chính sách suy nghĩ về chính sách cùng hệ thống bảo trợ xã hội, về những đầu tư mà các cơ quan Chính phủ đang thực hiện, từ đó, có thể tăng cường cho các dịch vụ xã hội ở những nơi mà người dân cần nhất, nhằm đảm bảo không phụ nữ và trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.
Theo bà Rana Flowers, những thông tin của cuộc điều tra rất quý giá, gợi mở cho các nhà hoạch định chính sách suy nghĩ về chính sách cùng hệ thống bảo trợ xã hội. |
Bà Rana Flowers cũng chỉ ra 5 điểm nổi bật của kết quả điều tra đó là: Thứ nhất, phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc H’Mông và Khmer là nhóm đối tượng yếu thế hơn cả xét về các yếu tố phát triển bền vững của Liên hợp quốc; Thứ hai, mặc dù điều tra không chứng minh hoặc không làm rõ khoảng cách số hoặc là thiếu tiếp cận với các phương tiện số giữa trẻ em các vùng miền, dân tộc, tuy nhiên, điều tra đã chứng minh trẻ em và phụ nữ Việt Nam thiếu tiếp cận về internet và thiếu kỹ năng công nghệ thông tin; Thứ ba, ở nhiều khu vực, tình trạng bất bình đẳng giới mặc dù không rõ ràng nhưng kết quả điều tra cho thấy nguy cơ trẻ em không đi học tăng dần theo cấp học và đội tuổi. Thứ tư, tình trạng kỷ luật trẻ em bằng phương pháp bạo lực trong hộ gia đình vẫn là một thực trạng phổ biến ở Việt Nam; Thứ năm, Việt Nam đang đối mặt với khủng hoảng về nước sạch. Theo đó, có tới 50% người dân sử dụng và uống nước mà không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng nước.
Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho rằng, những vấn đề trên đòi hỏi Chính phủ Việt Nam cần có những giải pháp tình thế, cũng như có sự đầu tư dài hạn vào những lĩnh vực còn nhiều khoảng trống, để đảm bảo việc tiếp cận công bằng các dịch vụ xã hội, từ đó đảm bảo phát triển bền vững.
Đồng thời, bà Rana Flowers nhấn mạnh, cột mốc năm 2030 sắp đến gần, chỉ còn khoảng 8 năm nữa để Việt Nam hoàn thành thực hiện các cam kết Mục tiêu phát triển bền vững, do vậy, Chính phủ Việt Nam cần tập trung thu thập dữ liệu về phụ nữ và trẻ em liên quan đến các mục tiêu phát triển bền vững thường xuyên hơn và công khai rộng rãi cho tất cả mọi người để có thể chứng minh được những thay đổi đã và sẽ đạt được. Bằng chứng và dữ liệu từ các điều tra và nghiên cứu cũng là cơ sở để Chính phủ, cơ quan chức năng cân nhắc về tốc độ tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
"Đây là thời điểm không chỉ cần có những giải pháp tình thế mà chúng ta cần phải có đầu tư dài hạn về mặt bảo trợ, trợ giúp xã hội để chúng ta có thể đảm bảo tiếp cận công bằng cho tất cả các nhóm đối tượng khác nhau, trong đó có phụ nữ và trẻ em với các dịch vụ xã hội. Từ đó, chúng ta mới có thể đạt được tăng trưởng kinh tế một cách bền vững," bà Rana Flowers nhấn mạnh./.
Bình luận