Quy hoạch 2021-2030: Bố trí lại không gian phát triển, giúp Bình Định nắm bắt được cơ hội mới
Chiều ngày 2/8, Hội đồng thẩm định đã thông qua Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng – Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì phiên họp.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng – Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì phiên họp |
Bình Định chưa có sự phát triển mang tính bứt phá so với các địa phương khác trong vùng
Theo UBND tỉnh Bình Định, giai đoạn 2011-2020, Tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế: Kinh tế tăng trưởng khá, quy mô kinh tế không ngừng mở rộng, thuộc nhóm các tỉnh phát triển khá trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
Tuy nhiên, tốc độ tăng GRDP giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt 6,2%, thấp hơn chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIX của Tỉnh (tăng trưởng GRDP bình quân 8%/năm), và thấp hơn mức bình quân của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
Tỷ trọng GRDP của tỉnh Bình Định so với vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung không có sự thay đổi (khoảng 7,6% đến 7,8%) trong vòng 10 năm vừa qua, điều này cho thấy Tỉnh chưa có sự phát triển mang tính bứt phá, vượt trội so với các địa phương khác trong vùng.
Cơ cấu kinh tế mặc dù chuyển dịch đúng hướng, nhưng còn chậm và chưa đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIX của Tỉnh đề ra: Năm 2020, tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản cao hơn so với mục tiêu; tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ thấp hơn so với mục tiêu. Hiện chưa xây dựng được vùng nguyên liệu đủ sản lượng để phục vụ sản xuất nông – công nghiệp. Tăng trưởng khu vực dịch vụ của Tỉnh thấp hơn mức tăng của GRDP.
Kết cấu hạ tầng đã được tập trung đầu tư, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển của Tỉnh. Nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước đã bổ sung lớn cho tổng nguồn vốn đầu tư phát triển của Tỉnh, góp phần phát triển các ngành kinh tế của Bình Định. Tuy nhiên, khu vực kinh tế ngoài Nhà nước chiếm tỷ trọng cao nhưng lại bộc lộ xu hướng giảm. Tỷ trọng vốn khu vực kinh tế Nhà nước và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng tăng lên.
Quy hoạch phải giải được câu hỏi vì sao Bình Định có nhiều tiềm năng lợi thế mà chậm phát triển
Khai mạc phiên họp thẩm định, Bộ trưởngNguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, chất lượng quy hoạch là yếu tố quan trọng hàng đầu. Quy hoạch phải nhận diện những tiềm năng lợi thế của Tỉnh, từ đó, các giải pháp trong Quy hoạch phải khắc phục những hạn chế trong giai đoạn vừa qua.
"Vì sao Bình Định có nhiều tiềm năng lợi thế mà chậm phát triển, làm thế nào nắm bắt được cơ hội mới để khai thác tiềm năng lợi thế để thúc đẩy sự phát triển", Bộ trưởng nêu vấn đề.
Giới thiệu về Dự thảo Quy hoạch, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định cho biết, Quy hoạch lần này đề ra mục tiêu đến năm 2030, Bình Định là tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Kinh tế của Tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh dựa trên các trụ cột tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ du lịch, logistics và vận tải, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đô thị hóa.
Thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, cải thiện mạnh mẽ mạnh môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thuộc nhóm cao của cả nước. Có kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, hiện đại, hệ thống đô thị phát triển theo hướng đô thị thông minh, kết nối thuận tiện với các trung tâm kinh tế của vùng, cả nước và quốc tế. Tập trung phát triển đô thị Quy Nhơn hiện đại về không gian, kiến trúc, khai thác tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là về cảnh quan và khí hậu khu vực ven đầm Thị Nại; quy hoạch xây dựng Trung tâm hành chính mới của Tỉnh tại Khu kinh tế Nhơn Hội. Kiên trì thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; bảo vệ hệ sinh thái và cảnh quan thiên nhiên; thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; bảo tồn và phát huy tốt bản sắc văn hoá các dân tộc; đảm bảo quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, Quy hoạch lần này đề ra mục tiêu đến năm 2030, Bình Định là tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Ảnh: Đức Trung |
Thời kỳ 2021-2030, không gian đô thị Bình Định theo mô hình: 2 vùng – 3 cực phát triển - 3 hành lang kinh tế
Bình Định trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 sẽ phát triển với cấu trúc không gian đô thị theo mô hình: 2 vùng – 3 cực phát triển– 3 hành lang kinh tế.
Trong 2 vùng kinh tế, Phân vùng Bắc gồm 4 đơn vị hành chính: Thị xã Hoài Nhơn, huyện Hoài Ân, huyện Phù Mỹ, huyện An Lão, được xác định là vùng phát triển bảo tồn rừng tự nhiên, phát triển du lịch sinh thái, sản xuất thiết bị phụ trợ phục vụ các dự án năng lượng tái tạo, chế biến gang thép, đóng tàu, cảng biển chuyên dùng, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản công nghệ cao.
5 trụ cột phát triển kinh tế tỉnh Bình Định trong kỳ quy hoạch 1) Tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp 4.0, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo giá trị cao. 2) Phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. 3) Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản dựa trên công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, chuyển từ số lượng sang chất lượng. 4) Phát triển đô thị nhanh và bền vững, đô thị hóa trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Tỉnh. Xây dựng đô thị thông minh, phát triển đô thị gắn với hình thành, phát triển đô thị khoa học, thung lũng sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo và trí tuệ nhân tạo (AI), các trường đại học. 5) Phát triển mạnh mẽ dịch vụ cảng biển - logistics, nhằm khai thác hết tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển của Tỉnh; nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, thúc đẩy dịch vụ cảng biển - logistics trở thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại của Tỉnh. |
Phân vùng Nam gồm 7 đơn vị hành chính: TP. Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, huyện Tuy Phước, huyện Vân Canh, huyện Phù Cát, huyện Tây Sơn, huyện Vĩnh Thạnh; là vùng động lực chính của Tỉnh, phát triển đa ngành: công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ, vận tải biển, đô thị thông minh.
Trong 3 cực phát triển, thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận được xác định là động lực chính, hạt nhân phát triển phía Nam tỉnh; Thị xã Hoài Nhơn là cửa ngõ phía Bắc đồng thời là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển phía Bắc tỉnh; huyện Tây Sơn (Đô thị Tây Sơn dự kiến) là cực phía Tây và là hạt nhân thúc đẩy phát triển phía Tây của tỉnh.
Trong 3 hành lang kinh tế, hành lang kinh tế Bắc Nam: phát triển dọc theo Quốc lộ 1, kết nối các đô thị và cụm công nghiệp, khu công nghiệp của Bình Định với các cụm công nghiệp, khu công nghiệp dọc Duyên hải miền Trung, phát triển công nghiệp, đô thị và thúc đẩy giao thương Bắc Nam. Hành lang kinh tế biển: Dọc tuyến đường bộ ven biển (ĐT 639), kết nối các không gian kinh tế ven biển, phát triển đô thị du lịch dịch vụ biển, công nghiệp phụ trợ, đóng tàu, cảng biển, nuôi trồng thủy hải sản ứng dụng công nghệ cao và năng lượng tái tạo. Hành lang kinh tế Đông Tây: phát triển dọc theo các tuyến giao thông Đông Tây của QL 19, thúc đẩy giao thương kinh tế với các tỉnh Tây Nguyên và các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.
Đến năm 2050, Bình Định tiếp tục thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung với GRDP bình quân đầu người và tỷ lệ đô thị hóa cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Bình Định trở thành trung tâm kinh tế biển; trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam; trung tâm du lịch lớn của cả nước, trung tâm kết nối khu vực Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và khu vực lân cận. Kinh tế phát triển bền vững dựa trên các trụ cột: khoa học và công nghệ; công nghiệp chế biến chế tạo; công nghiệp công nghệ thông tin và AI; du lịch chất lượng cao; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và hệ thống logistics gắn liền cảng biển, cảng hàng không. Tỉnh có hệ thống đô thị thông minh, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Các hoạt động kinh tế, xã hội và quản trị của chính quyền vận hành chủ yếu theo phương thức của nền kinh tế số, xã hội số, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Các ngành sản xuất, dịch vụ phát triển theo phương thức thông minh và các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, chất lượng Quy hoạch là yếu tố quan trọng hàng đầu. Ảnh: Đức Trung |
Thông qua Quy hoạch tỉnh Bình Định với điều kiện chỉnh sửa, bổ sung
Tại phiên họp, hầu hết ý kiến các thành viên Hội đồng thẩm định và các chuyên gia đồng tình, đánh giá Quy hoạch Bình Định được cơ quan lập chủ trì phối hợp xây dựng công phu; thực hiện nghiêm túc quy trình lập theo quy định; nội dung quy hoạch thể hiện khá rõ nét khát vọng phát triển.
Các thành viên Hội đồng và các chuyên gia cũng góp ý giúp tỉnh Bình Định hoàn thiện và nâng cao chất lượng Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Kết thúc phiên họp thẩm định, các thành viên Hội đồng đã bỏ phiếu đồng ý thông qua Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 với điều kiện chỉnh sửa, bổ sung.
Phát biểu kết luận phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng – Chủ tịch Hội đồng thẩm định, đánh giá cao sự chỉ đạo tập trung của Bình Định trong quá trình xây dựng Quy hoạch.
Để sớm hoàn thiện, Bộ trưởng đề nghị làm rõ một số nội dung về quy trình lập, sự phân công phối hợp giữa các bộ, ban, ngành trong nghiên cứu xây dựng và đề xuất các vấn đề tích hợp, xử lý các vấn đề liên ngành liên huyện; đồng thời, lưu ý cơ quan lập Quy hoạch tỉnh làm rõ thêm vai trò, vị thế, sứ mệnh của Bình Định trong thời kỳ mới, gắn với kinh tế vùng và cả nước; đặc biệt là việc phát huy lợi thế Quốc lộ 19 gắn với Tây Nguyên.
Chỉ ra rằng, quan điểm phát triển tại Quy hoạch chưa rõ nét, Bộ trưởng đề nghị bổ sung quan điểm về phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; bổ sung quan điểm con người là trung tâm, là mục tiêu cho phát triển.
Bộ trưởng cũng đề nghị Tỉnh cân nhắc một số đột phá như: phát triển đô thị Quy Nhơn thành Tổ hợp đô thị Trí tuệ Nhân tạo – Cảng biển – Du lịch quốc tế; Tổ hợp Công nghiệp – Đô thị VSIP – Vân Canh; Tổ hợp Công nghiệp – Cảng biển; Trung tâm chuỗi sản phẩm tôm quốc tế…
"Tuy nhiên, từ nay đến năm 2030 chỉ còn 7 năm, Tỉnh cần lựa chọn một số nội dung trọng tâm, trọng điểm để tập trung nguồn lực đầu tư cho sự phát triển… Trong đó, cần khai thác tối đa các lợi thế hiện có như lợi thế về biển, sân bay, Quốc lộ 19 và hệ thống giao thông đang tạo ra không gian phát triển mới cho Tỉnh", Bộ trưởng lưu ý.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị các thành viên Hội đồng thẩm định tiếp tục giúp Bình Định hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đảm bảo chất lượng và tiến độ theo kế hoạch đã đề ra./.
Bình luận