Chiều ngày 5/5/2023, Hội nghị Thẩm định Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Hội đồng quy hoạch tỉnh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.

Quy hoạch 2021-2030: Tạo được dấu mốc giúp Bình Thuận phát triển đột phá, bền vững và sáng tạo
Toàn cảnh Hội nghị

"Lập quy hoạch tỉnh lần này là cơ hội quý để tổng kiểm kê, rà soát, đánh giá nguồn lực phát triển"

Bình Thuận là tỉnh có vị trí mang tầm chiến lược, là “đầu mối” trung chuyển liên kết vùng trong khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, gắn kết với vùng Đông Nam Bộ (đặc biệt vùng động lực phía Nam) và giữ vai trò là 01 “cửa ngõ” của vùng Tây Nguyên. Sở hữu điều kiện tự nhiên đặc thù với đường bờ biển dài 192 km, đặc biệt có huyện đảo Phú Quý bao gồm 12 đảo lớn nhỏ.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định tỉnh cho biết, giai đoạn 2011 – 2020 vừa qua, tỉnh Bình Thuận đã có bước phát triển mạnh mẽ, với mức tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011-2020 đạt 7,34%/năm; riêng năm 2020, quy mô GRDP đạt gần 84 nghìn tỷ, gấp hơn 3,7 lần năm 2010, GRDP bình quân/đầu người đạt đạt 67,5 triệu đồng (2911 USD) xếp 20/63 tỉnh, thành phố và bằng 83% mức bình quân chung của cả nước.

So với các tỉnh khác trong vùng, Bình Thuận có tỷ trọng đóng góp từ sản xuất điện, năng lượng và du lịch là rất lớn, trong tương lai hướng tới “phát triển thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển tầm quốc tế cao ở châu Á Thái Bình Dương”.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, thì các khó khăn và thách thức trong giai đoạn quy hoạch cũng rất lớn, ví dụ như: (1) Thu hút đầu tư và sử dụng vốn chưa hiệu quả (vốn FDI chỉ chiếm 2,54% vào năm 2020, chỉ số ICOR 3,62 trong khi của cả nước là 6,22); (2) Tỷ lệ đô thị hóa tăng chậm (0,4%/năm); (3) Chưa tận dụng được lợi thế vị trí địa lý tiếp giáp cả vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

"Bình Thuận nên coi việc lập quy hoạch tỉnh lần này là cơ hội quý để tổng kiểm kê, rà soát, đánh giá nguồn lực phát triển, xác định các “điểm nghẽn”, từ đó đưa quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu, chiến lược và phân bổ không gian phát triển, phân bổ nguồn lực phát triển trong thời kỳ quy hoạch. Tạo được dấu mốc giúp tỉnh phát triển một cách đột phá, bền vững và sáng tạo", Thứ trưởng Trần Quốc Phương lưu ý.

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Dương Văn An, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết, kể từ khi Thủ tướng quyết định giao nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Bình Thuạn, đến nay là hơn 2 năm, tỉnh đã hoàn thiện, có tờ trình gửi hội đồng thẩm định quốc gia. Trong 2 năm lập quy hoạch, tỉnh Bình Thuận cũng gặp khó khăn giống các địa phương khác, như: dịch COVID, vấn đề mới khó lần đầu tiên làm...

"Sau năm 2030, Bình Thuận là vùng động lực của vùng Duyên hải miền trung. Bình Thuận có nhiều tiềm năng phát triển, quá trình xây dựng Quy hoạch đặt ra làm thế nào tỉnh Bình Thuận có tầm nhìn xa, bứt phá nhưng phù hợp với thực tiễn hiện nay", Bí thư tỉnh ủy Bình Thuận nêu rõ quan điểm.

Quy hoạch 2021-2030: Tạo được dấu mốc giúp Bình Thuận phát triển đột phá, bền vững và sáng tạo
Quy hoạch tỉnh Bình Thuận 2021-2030: Tập trung phát triển kinh tế biển

Thời kỳ 2021-2030: Xây dựng Bình Thuận trở thành Trung tâm Du lịch - Thể thao biển mang tầm quốc gia, quốc tế

Giới thiệu một số nội dung chính của Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng cho biết, mục tiêu tổng quát của quy hoạch trọng tâm là phát triển 03 trụ cột: (1) Công nghiệp với nòng cốt là công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp công nghệ cao được tổ chức thành các cụm (cluster) liên ngành; (2) Dịch vụ với các loại hình du lịch, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, dịch vụ đào tạo và nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học công nghệ, dịch vụ logistics; (3) Nông nghiệp, với trọng tâm là nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao với những chuỗi sản xuất nông - công nghiệp chế biến.

Báo cáo Quy hoạch tỉnh Bình Thuận cũng đề ra phương án phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng, phương án phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế và liên kết không gian các hoạt động kinh tế - xã hội và tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội; trong đó bố trí trục động lực: Trục Đông - Tây gắn với hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam, đường sắt tốc độ cao, đường sắt quốc gia và QL1A; kết nối giao thông quan trọng với vùng Đông Nam Bộ, tiểu vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, đặc biệt là kết nối với TP. Hồ Chí Minh.

Quy hoạch nêu rõ mục tiêu, tạo bước phát triển đột phá về mọi mặt cho ngành du lịch để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; xây dựng Bình Thuận trở thành Trung tâm Du lịch - Thể thao biển mang tầm quốc gia, quốc tế, trong đó lấy Khu du lịch quốc gia Mũi Né làm trọng tâm, động lực lan tỏa tới các khu vực khác trong tỉnh.

Giữ vững hình ảnh du lịch Bình Thuận “An toàn - thân thiện - chất lượng” đưa Bình Thuận trở thành một trong những điểm đến hàng đầu khu vực và quốc tế.

Phấn đấu đến năm 2030, du lịch Bình Thuận với hạt nhân là Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của Khu vực châu Á - Thái Bình Dương; du lịch Bình Thuận đóng vai trò quan trọng trong hệ thống du lịch của vùng du lịch Duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước.

Phát triển loại hình du lịch biển, vui chơi, giải trí và du lịch thám hiểm, thể thao: thu hút đầu tư các dự án tổ hợp du lịch, khu nghỉ dưỡng cao cấp gắn với dịch vụ vui chơi, giải trí, thương mại, dịch vụ, thể thao, casino. Lấy khu du lịch quốc gia Mũi Né làm hạt nhân lan tỏa để thúc đẩy phát triển, tăng trưởng của ngành du lịch.

Cùng với du lịch biển, phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp sinh thái rừng - thác - hồ - biển - đảo, đồi cát sản phẩm du lịch văn hóa là những sản phẩm thương hiệu, thu hút mạnh mẽ khách du lịch. Phát triển du lịch gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chăm sóc phát triển rừng, giữ gìn bảo tồn các khu bảo tồn thiên nhiên như Núi Ông, Tà Kóu, khu bảo tồn biển Cù Lao Câu, các đồi cát, thác nước… phục vụ du lịch sinh thái, trải nghiệm sống hài hòa với thiên nhiên và giáo dục ý thức bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng gắn với du lịch MICE. Thực hiện xã hội hóa, xây dựng Trung tâm hội nghị - triển lãm tại Phan Thiết.

Hình thành và phát triển trung tâm hội nghị, triển lãm, mua sắm, giải trí quy mô lớn, hiện đại tại khu du lịch quốc gia Mũi Né và các Khu du lịch trọng điểm tiềm năng của tỉnh; Hình thành các trung tâm thương mại, mua sắm, quảng trường, các không gian vui chơi giải trí ngoài trời, tăng khả năng tương tác giao lưu của người dân địa phương và du khách đến Bình Thuận.

Phát triển du lịch văn hóa: khôi phục, giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử, văn hóa lễ hội, làng nghề truyền thống; phát triển các sản phẩm lưu niệm và ẩm thực đặc trưng của địa phương. Đầu tư xây dựng bảo tàng tỉnh, khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ nhằm bảo tồn, giới thiệu, quảng bá lịch sử, văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Phát triển du lịch cộng đồng: khôi phục, giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, làng nghề, cảnh quan thiên nhiên; khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương đối với các sản phẩm thủ công truyền thống, làng nghề để phát triển du lịch cộng đồng.

Phát triển các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe có giá trị cao gắn với phát triển du lịch, phục vụ phân khúc đối tượng thu nhập cao; chuyển hoạt động y tế - chăm sóc sức khỏe thuần túy trở thành một lĩnh vực hoạt động có giá trị gia tăng cao, thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh; tạo môi trường tốt cho phát triển dịch vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Quy hoạch 2021-2030: Tạo được dấu mốc giúp Bình Thuận phát triển đột phá, bền vững và sáng tạo
Phấn đấu đến năm 2030, du lịch Bình Thuận với hạt nhân là Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của Khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Dự báo đến năm 2030, Bình Thuận cần 29-30 tỷ USD để phát triển

Quy hoạch đặt ra kịch bản tăng trưởng cho Bình Thuận. Trong đó, xác định đến 2030 đạt một số chỉ tiêu chính quan trọng.

Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 7,5-8,0%. Đến năm 2030, Quy mô GRDP đạt 266.357 tỷ đồng, tăng gấp 3,18 lần so với năm 2020 (năm 2020 đạt 83.726 tỷ đồng)

Thứ hai, kinh tế số chiếm tỷ trọng trong GRDP của tỉnh đạt khoảng 30%; đóng góp của nhân tố TFP vào tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 38-40% đến năm 2030 khoảng 50%.

Thứ ba, thu hút vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khoảng 36-38% so với GRDP giai đoạn 2021-2030.

Thứ tư, GRDP bình quân/người đến năm 2030 đạt khoảng 7.800-8.000 USD (năm 2020 đạt 2.911 USD) và thu nhập bình quân đầu người đến năm 2030 tăng gấp 2,7-3,5 lần so với năm 2020.

Trên cơ sở phát huy tốt các tiềm năng và lợi thế, triển vọng phát triển tỉnh Bình Thuận đến năm 2050 như sau: Có mức GRDP bình quân/người từ 32.000-35.000 USD và gần 100% người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng; môi trường sống có chất lượng tốt, xã hội hài hòa với thiên nhiên; Quốc phòng - an ninh được đảm bảo vững chắc.

Căn cứ vào phương án tăng trưởng theo kịch bản cơ sở, dự báo nhu cầu vốn đầu tư của tỉnh lũy kế đến năm 2030 theo giá hiện hành khoảng 750.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 29 - 30 tỷ USD). Trong đó: giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 260.000 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 cần khoảng 490.000 tỷ đồng.

Vốn cho đầu tư phát triển tỉnh Bình Thuận có thể huy động từ 2 nguồn chính là: (i) Vốn huy động từ ngân sách nhà nước; (ii) Vốn huy động từ khu vực ngoài nhà nước (bao gồm vốn của khu vực tư nhân trong nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Đối với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, dự báo, cùng với tăng trưởng kinh tế của Bình Thuận vào giai đoạn tới, nguồn thu ngân sách cũng sẽ gia tăng, dẫn đến lượng vốn nhiều hơn cho đầu tư.

Trong giai đoạn 2011 - 2020, tổng thu ngân sách nhà nước tỉnh Bình Thuận (trừ dầu thô và thu hải quan) đạt khoảng 9-10% GRDP của tỉnh; tổng chi cho đầu tư phát triển so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương đạt khoảng 22-23%. Nếu áp dụng tỷ lệ này, có thể dự báo rằng ngân sách nhà nước của tỉnh sẽ đóng góp khoảng 40-42 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 5,2-5,3% nhu cầu đầu tư của tỉnh tới năm 2030. Nếu tính cả các dự án của Trung ương đầu tư trên địa bàn và nguồn hỗ trợ từ ngân sách trung ương thì nguồn vốn ngân sách nhà nước sẽ đáp ứng được khoảng 10-12% tổng vốn đầu tư.

Đối với nguồn vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn, trong giai đoạn 2021 - 2020, nguồn vốn từ khu vực doanh nghiệp nhà nước tại Bình Thuận rất thấp, chỉ chiếm tỷ trọng 5,4% so với tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn và tương đương 2,2% so với GRDP hàng năm của tỉnh. Xu hướng chung thời gian tới là tiếp tục sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước, thực hiện cổ phần hóa đối với các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực nhà nước không cần phải nắm giữ nên nguồn vốn này sẽ không đáng kể so với tổng nhu cầu vốn đầu tư trên địa bàn.

Đối với nguồn vốn từ khu vực ngoài nhà nước, trên cơ sở cân đối khả năng huy động vốn đầu tư từ ngân sách có thể thấy, nhu cầu vốn đầu tư cần huy động tư nguồn vốn ngoài ngân sách (bao gồm cả vốn FDI và doanh nghiệp Việt Nam) là rất lớn, từ khoảng 650-670 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 25 - 26 tỷ USD), bằng khoảng 88-90% tổng nhu cầu vốn đầu tư trên địa bàn trong 10 năm (2021 - 2030).

Để huy động được nguồn vốn này, theo dự thảo Quy hoạch, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của chính quyền địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chuẩn bị các yếu tố, điều kiện để thu hút doanh nghiệp quan tâm, đến đầu tư.

Thông qua Quy hoạch 2021-2030 tỉnh Bình Thuận với điều kiện chính sửa bổ sung

Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng thẩm định, các chuyên gia tập trung trao đổi, thảo luận, cho ý kiến đối với nội dung quy hoạch và cho rằng, quy hoạch tỉnh Bình Thuận được triển khai lập theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch; thực hiện khá nghiêm túc quy trình lập quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

Nội dung quy hoạch đã thể hiện cơ bản rõ nét về sự khát vọng phát triển của tỉnh; thể hiện được sự liên kết và đồng bộ trong định hướng phát triển kết cấu hạ tầng; việc sắp xếp, phân bổ không gian các hoạt động kinh tế - xã hội; về cơ bản, nội dung quy hoạch tỉnh đã đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch và Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng góp ý cho bản Quy hoạch của tỉnh Bình Thuận hoàn thiện hơn. Một số chuyên gia đề xuất, tỉnh cần rà soát, bố sung để làm rõ hơn tính liên kết giữa các ngành, lĩnh vực; phương án tổ chức không gian phát triến một số ngành, lĩnh vực chưa đảm bảo được sự thống nhất, đồng bộ, do vậy cần phân tích làm rõ hơn nội dung tính liên kết trong định hướng và bố trí không gian phát triển của các ngành, lĩnh vực.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, với tinh thần nghiêm túc, khẩn trương và trách nhiệm, Hội đồng thẩm định đã hoàn thành được chương trình đề ra. Hội đồng thẩm định nhất trí thông qua Quy hoạch và Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch tỉnh Bình Thuận với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện.

Để sớm hoàn thiện nội dung quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thứ trưởng yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch nghiêm túc tiếp thu, giải trình và hoàn thiện Hồ sơ quy hoạch theo ý kiến tham gia thẩm định của các bộ, cơ quan ngang bộ, ý kiến các chuyên gia phản biện, ý kiến của các cơ quan tại Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và kết luận của Hội đồng thẩm định tại Báo cáo thẩm định.

Thứ trưởng lưu ý, tỉnh cần định hướng phát triển và phân bổ không gian trong từng ngành, từng địa phương; định hướng phân bổ nguồn lực, phân bố các dự án có tính đột phá và tạo động lực cho sự phát triển của Bình Thuận. Trong đó làm rõ hơn đối với phương án sử dụng mặt biển và đáy biển; phương án phát triển đô thị, khu chức năng; phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật; phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai; phương án bảo vệ môi trường và Danh mục dự án ưu tiên đầu tư trong thời kỳ quy hoạch.

"Tỉnh hoàn thiện hồ sơ quy hoạch (bao gồm cả Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch) trên cơ sở tiếp thu giải trình toàn bộ ý kiến tham gia thẩm định và Báo cáo thẩm định theo đúng quy định hiện hành; chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung, số liệu trong Báo cáo Quy hoạch và hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ Quy hoạch tỉnh", Thứ trưởng lưu ý./.