Sáng ngày 24/3, Hội nghị thẩm định dự thảo Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã diễn ra, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh.

Quy hoạch Bắc Ninh 2021-2030: “Khơi thông” đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh, bền vững,
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu nổi bật, song Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chỉ rõ, Bắc Ninh đang phải đối mặt với một số điểm nghẽn, thách thức. Ảnh: Đức Trung/MPI

Bắc Ninh đang đối mặt với 4 điểm nghẽn, thách thức

Với vị trí cửa ngõ phía Bắc và hội tụ các tuyến giao thông chính lan tỏa từ Thủ đô Hà Nội liên kết khu vực Bắc – Đông Bắc, Bắc Ninh là một trong các cực tăng trưởng của Vùng Thủ đô, là khu vực động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng có sức hút về các mặt kinh tế, xã hội, giá trị lịch sử, văn hoá, đồng thời là nơi trung chuyển giao thương, cung cấp thông tin, chuyển giao công nghệ với các địa phương trong cả nước cũng như quốc tế.

Bắc Ninh được biết đến là vùng đất địa linh nhân kiệt, là “cái nôi” của văn hóa Kinh Bắc. Đây là nơi hội tụ kho tàng văn hóa dân gian với nhiều công trình, văn hóa phi vật thể, nghệ thuật đặc sắc, phản ánh những nét riêng biệt, nét đặc trưng tạo nên con người Bắc Ninh: "Yêu nước – Cần cù - Hiếu học – Hào hiệp - Năng động – Sáng tạo". Bắc Ninh mang trong mình 7 nét đặc trưng văn hóa tiêu biểu là: quê hương của dân ca Quan họ - Di sản văn hóa thế giới; văn hóa tâm linh; lịch sử văn hiến; lễ hội; khoa bảng; làng nghề và kiến trúc.

Với chủ trương, quan điểm, định hướng đúng đắn, sát thực tiễn, cộng với sự năng động, sáng tạo, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, sự quyết tâm phấn đấu nỗ lực của toàn Đảng bộ, của các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn, về cơ bản, việc thực hiện các mục tiêu, định hướng của các ngành, lĩnh vực trong giai đoạn 2011-2020 đã được triển khai đảm bảo tiến độ, đúng định hướng.

Quy mô GRDP (theo giá hiện hành) của Tỉnh tính đến năm 2020 đạt 209.227 tỷ đồng, gấp 3,3 lần năm 2011; đứng thứ 4 trong vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 147,4 triệu đồng/người, tương đương 6.322 USD/người (gấp 3,4 lần so với năm 2010), gấp 1,8 lần mức trung bình chung của cả nước.

Tăng trưởng GRDP (theo giá so sánh 2010) bình quân giai đoạn 2011-2020 của tỉnh đạt 12,44 %/năm, cao hơn mức 6%/năm bình quân cả nước. Cơ cấu ngành kinh tế của tỉnh Bắc Ninh về cơ bản đang chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp song song với tăng tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng. Cụ thể: tỷ trọng của ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 62,1% năm 2011 lên 73,6 % năm 2015 và đạt mức 76,5 % năm 2020; trong khi đó, tỷ trọng của ngành nông, lâm, thủy sản giảm dần, từ 8,4% năm 2011 xuống còn 4,1% năm 2015 và 2,7% vào năm 2020.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu nổi bật như trên, song Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chỉ rõ, Bắc Ninh cũng đang phải đối mặt với một số điểm nghẽn, thách thức.

Thứ nhất, yếu tố bền vững về phát triển kinh tế. Động lực chính phát triển kinh tế của Tỉnh từ lĩnh vực công nghiệp và dựa nhiều vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài; khu vực kinh tế tư nhân địa phương quy mô còn nhỏ, công nghệ chưa cao, sức đề kháng kém, phát triển chưa tương xứng với khu vực đầu tư nước ngoài. "Từ đó, tạo ra nhiều rủi ro nếu có sự chuyển dịch đột ngột của dòng đầu tư nước ngoài ra khỏi Tỉnh", Thứ trưởng phân tích.

Thứ hai, hệ thống sông trên địa bàn tạo ra sự chia cắt không gian nhưng chưa được đầu tư nhiều cầu và hạ tầng kết nối. Một số hệ thống hạ tầng giao thông đối nội, đối ngoại lớn chưa hoàn chỉnh.

Thứ ba, tình trạng ô nhiễm môi trường. Tại Tỉnh, hệ thống cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề phát triển đan xen với các khu vực dân cư, tạo ra nhiều nguy cơ về ô nhiễm môi trường. Đặc điểm địa hình trũng thấp, với các tuyến đê bảo vệ khiến cho tỉnh Bắc Ninh dễ bị ảnh hưởng bởi các điều kiện thời tiết biến đổi tiêu cực trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng khó lường.

Thứ tư, văn hóa tuy được gìn giữ, bảo tồn, nhưng chưa trở thành động lực, nguồn lực cho phát triển. Đồng thời, Tỉnh cũng sẽ gặp phải thách thức trong vấn đề nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai do Tỉnh có diện tích đất tự nhiên nhỏ nhất toàn quốc.

Quy hoạch Bắc Ninh 2021-2030: “Khơi thông” đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh, bền vững,
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, trong thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh luôn xác định công tác lập Quy hoạch tỉnh là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt. Ảnh: Đức Trung/MPI

"Khơi thông" điểm nghẽn thông qua bài toán quy hoạch

Thứ trưởng Trần Quốc Phương chỉ rõ, Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh được lập trong bối cảnh có những thuận lợi là đã có Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó đã chỉ đạo rất rõ về định hướng phát triển của đất nước đến năm 2045; có Nghị quyết số 30-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị; có Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025; có các quy hoạch ngành quốc gia (nhất là các quy hoạch về hạ tầng giao thông) và một số quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

"Đặc biệt, chúng ta có Quy hoạch tổng thể quốc gia vừa được Quốc hội thông qua. Đây là căn cứ, là cơ sở để tỉnh Bắc Ninh xem xét, cụ thể hóa những định hướng phát triển trên địa bàn Tỉnh thông qua Quy hoạch", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh khẳng định, trong thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh luôn xác định công tác lập Quy hoạch tỉnh là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt, có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hoạch định phương hướng, điều hành và quản lý mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển không gian lãnh thổ trên địa bàn Tỉnh trong thời kỳ tới; đảm bảo tính kết nối đồng bộ, liên kết vùng và phát huy lợi thế so sánh mới, khai thác tối đa tiềm năng, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển toàn diện, hài hòa, hiệu quả theo hướng xanh và bền vững, giữ vững vị thế là một trong những cực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng...

Ông Tuấn cũng cho biết thêm, Tỉnh phấn đấu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, công nghệ cao và nghiên cứu, thiết kế (R&D) hàng đầu của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

"Bởi vậy, trong quá trình triển khai lập Quy hoạch tỉnh, Bắc Ninh luôn tuân thủ chặt chẽ các quy định của Luật Quy hoạch, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bám sát đầy đủ các nội dung theo nhiệm vụ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 670/QĐ-TTg, ngày 21/5/2020, phù hợp với các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển của đất nước và của vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô Hà Nội", ông Tuấn khẳng định.

Quy hoạch Bắc Ninh 2021-2030: “Khơi thông” đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh, bền vững,
Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh xác định 5 khâu đột phá phát triển và 7 nhóm ngành ưu tiên của Tỉnh trong giai đoạn quy hoạch 2021-2030, tầm nhìn đến 2050

Bắc Ninh xác định 5 khâu đột phá và 7 nhóm ngành ưu tiên trong Quy hoạch 2021-2030

Tại Hội nghị, ông Vương Quốc Tuấn, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, Tỉnh lựa chọn quan điểm phát triển bền vững, trở thành một trong những cực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng, một trong những nền kinh tế đứng đầu cả nước, sớm trở thành Đô thị loại I trực thuộc Trung ương và là hình mẫu về thành phố thông minh, đổi mới sáng tạo, sinh thái, giữ gìn và phát huy các bản sắc văn hóa và có chất lượng cuộc sống cao.

Trong thời kỳ quy hoạch, Tỉnh phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp và dịch vụ công nghệ cao, trung tâm sản xuất thông minh của Việt Nam và vùng Đông Nam Á, trung tâm logistics của vùng. Hệ thống kết cấu hạ tầng của Tỉnh phát triển đồng bộ, hiện đại, kết nối nội tỉnh và liên tỉnh thông suốt. Bản sắc văn hóa và con người Bắc Ninh - Kinh Bắc được phát huy và trở thành động lực phát triển.

Tỉnh cũng ưu tiên sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên và nâng cao chất lượng môi trường, đảm bảo ứng phó với biến đổi khí hậu.

Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh xác định 5 khâu đột phá phát triển và 7 nhóm ngành ưu tiên của Tỉnh trong giai đoạn quy hoạch 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Cụ thể, 5 khâu đột phá phát triển được xác định gồm:

(1) Tổ chức không gian kinh tế và đô thị trên phạm vi toàn Tỉnh theo quy hoạch, gia tăng hiệu quả tụ hội đô thị, phát huy lợi thế so sánh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

(2) Huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, liên kết vùng.

(3) Đẩy nhanh quá trình phát triển và hoàn thiện hạ tầng KCN, CCN, khu logistics, khu du lịch, đô thị và hạ tầng số phát triển đồng bộ.

(4) Phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, nâng cao đạo đức xã hội, ý thức pháp luật, xây dựng văn hóa và con người Bắc Ninh phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, có khát vọng vươn lên.

(5) Nâng cao chất lượng quản trị, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, say mê công việc; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Bắc Ninh. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện các mục tiêu xây dựng và phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số theo Chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

7 nhóm ngành được ưu tiên thu hút đầu tư và tập trung nguồn lực phát triển gồm: (1) Sản xuất thiết bị điện tử; (2) Sản xuất công nghệ cao; (3) Du lịch; (4) Logistics; (5) Thương mại; (6) Dịch vụ công nghệ thông tin và (7) Sản xuất dược phẩm.

"Đây là những ngành, lĩnh vực mà thông qua phân tích, đánh giá, chúng tôi nhận thấy sự phù hợp với lợi thế phát triển sẵn có và tiềm năng của Bắc Ninh, cũng như xu hướng phát triển trong tương lai", ông Vương Quốc Tuấn cho biết.

Quy hoạch Bắc Ninh 2021-2030: “Khơi thông” đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh, bền vững,
Toàn cảnh Hội nghị thẩm định. Ảnh: Đức Trung/MPI

Thông qua Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung

Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh đã bỏ phiếu thông qua Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cụ thể, về Dự thảo Báo cáo quy hoạch: có 9/26 phiếu nhất trí thông qua, không yêu cầu bổ sung, điều chỉnh; 17/26 phiếu nhất trí thông qua với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung.

Về Báo cáo môi trường chiến lược quy hoạch: có 4/26 nhất trí thông qua, không yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung; 22/26 phiếu thông qua với điều kiện có bổ sung, điều chỉnh.

Về Báo cáo thẩm định quy hoạch tỉnh: có 1/26 phiếu nhất trí thông qua, không yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung; 25/26 phiếu thông qua với điều kiện có bổ sung, điều chỉnh.

Như vậy, Hội đồng thẩm định nhất trí thông qua Quy hoạch và Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện.

Để sớm hoàn thiện nội dung quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch nghiêm túc tiếp thu, giải trình và hoàn thiện Hồ sơ quy hoạch theo ý kiến tham gia thẩm định của các bộ, ngành, ý kiến của các chuyên gia phản biện, ý kiến của các chuyên gia tại Hội nghị tham vấn về Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch và kết luận của Hội đồng thẩm định tại Báo cáo thẩm định.

Thứ trưởng cũng lưu ý, UBND tỉnh Bắc Ninh tập trung làm rõ và giải trình một số nội dung để hoàn thiện hồ sơ quy hoạch, cụ thể: cần bổ sung và làm rõ một số nội dung về quy trình lập quy hoạch từ khi triển khai lập đến khi hoàn thiện quy hoạch.

"Bổ sung luận chứng, làm rõ về tính khả thi của kịch bản phát triển được lựa chọn, trong đó cần xác định rõ các động lực, đột phá của tăng trưởng, đóng góp của từng ngành, lĩnh vực vào tăng trưởng chung của Tỉnh. Chú trọng phát triển kinh tế theo hướng mới, mở, như: kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh, đây là yêu cầu khách quan và là xu thế mới rất quan trọng để phát triển kinh tế của Tỉnh. Luận chứng việc lựa chọn những ngành có thế mạnh và làm rõ thứ tự ưu tiên để có cơ sở định hướng ưu tiên đầu tư trong thời kỳ quy hoạch", Thứ trưởng lưu ý.

Thứ trưởng yêu cầu UBND Tỉnh rà soát nhu cầu sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg, ngày 09/3/2022, trường hợp cần thiết, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất tại Quyết định này trên cơ sở làm rõ tính pháp lý, tính khoa học.

Về Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, Thứ trưởng yêu cầu UBND Tỉnh rà soát để xác định các vấn đề môi trường chính cần lưu ý nếu thực hiện quy hoạch, những khu vực nhạy cảm về môi trường, những khu vực cần hạn chế phát triển, những khu vực không được phát triển; đưa ra các giải pháp bảo vệ môi trường và giảm thiểu các tác động tiêu cực cho từng vấn đề môi trường, từng khu vực nhạy cảm về môi trường.

"UBND Tỉnh hoàn thiện hồ sơ quy hoạch đảm bảo chất lượng, tiến độ trên cơ sở tiếp thu giải trình toàn bộ ý kiến tham gia thẩm định và Báo cáo thẩm định theo đúng quy định hiện hành; chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung, số liệu trong Báo cáo Quy hoạch và hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ Quy hoạch; nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các bộ, ngành, chuyên gia phản biện để hoàn thiện Quy hoạch đảm bảo chất lượng, tiến độ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt", Thứ trưởng giao nhiệm vụ./.