Ông Nguyễn Anh Dương (CIEM) cho rằng, bối cảnh kinh tế quốc tế quý II thay đổi khá nhanh và khó đoán định

6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế thế giới bất định

Quý II/2019 chứng kiến những đổi thay khá nhanh và khó đoán định của bối cảnh kinh tế quốc tế. Xu hướng thắt chặt tài chính ở không ít nền kinh tế phát triển nhanh chóng bị đảo ngược. Đặc biệt, là diễn biến khó lường của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc.

Từ chỗ lắng dịu do Mỹ gia hạn thời gian ngừng leo thang thuế quan vào cuối tháng 2, căng thẳng thương mại – công nghệ giữa Mỹ với Trung Quốc bùng phát và phức tạp hơn trong các tháng 5-6, trước khi hạ nhiệt vào cuối tháng 6.

Cho đến tháng 6/2018, căng thẳng giữa hai bên tiếp tục leo thang, và các cuộc đàm phán không đi đến được một thỏa thuận nào. Chiến tranh thương mại chính thức bắt đầu từ tháng 7/2018: Mỹ áp mức thuế nhập khẩu bổ sung 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đáp lại, Trung Quốc cũng áp mức thuế bổ sung 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Tại hội nghị G20 ngày 29/6/2019 diễn ra tại Nhật Bản, hai siêu cường đã thống nhất tạm ngừng leo thang thuế quan. Mỹ hứa sẽ nới lỏng lệnh cấm đối với Huawei, đổi lại Trung Quốc sẽ nhập một khối lượng lớn nông sản từ Mỹ. Hai nước cũng thống nhất nối lại đàm phán thương mại, dù không đề ra thời hạn chót cụ thể.

Chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc có thể kéo theo những hành động, điều chỉnh chính sách ở các nước khác trên thế giới. Theo đó, tác động đối với mỗi nền kinh tế không thể được giới hạn ở quan hệ thương mại – đầu tư giữa nền kinh tế ấy với Mỹ và Trung Quốc.

“Là một nền kinh tế nhỏ với độ mở thương mại cao và có quan hệ thương mại lớn đối với cả Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam khó có thể đứng ngoài hệ lụy của chiến tranh thương mại giữa hai nước này”, ông Dương lưu ý.

Nhiều điểm tích cực trong bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam

Ở trong nước, dù kết quả tăng trưởng kinh tế tương đối cao trong quý I, Thủ tướng Chính phủ vẫn quyết liệt chỉ đạo tập trung tháo gỡ cho sản xuất, kinh doanh kể từ đầu quý II. Yêu cầu chủ động theo dõi, cập nhật và dự báo những diễn biến từ bên ngoài được thực hiện thường xuyên hơn. Công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực hiện CPTPP và vận động ký kết EVFTA tiếp tục có những chuyển biến mới.

GDP đạt 6,71% trong quý II, giảm so với quý I (6,82%). Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 6,76%, thấp hơn mức tăng của nửa đầu năm 2018 nhưng cao hơn cùng kỳ giai đoạn 2011-2017. Kết quả này không cách xa mục tiêu tăng trưởng cả năm 2019 (6,8%-7,0%).

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tương đối cao so với các nước trong khu vực. Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đà mở rộng tăng trưởng.

Khu vực nông-lâm-thủy sản tăng trưởng ở mức 2,19% trong quý II và 2,39% trong 6 tháng đầu năm thấp hơn cùng kỳ năm 2017-2018, chủ yếu do 2 nguyên nhân.

Một là do sự suy giảm tăng trưởng kinh tế thế giới ảnh hưởng đến cầu nông sản;

Hai là do không ít thị trường nhập khẩu tăng cường áp dụng hàng rào kỹ thuật đối với nhập khẩu nông sản, kể cả Trung Quốc và một số thị trường CPTPP.

Khu vực công nghiệp – xây dựng đạt tốc độ tăng giá trị gia tăng ở mức 9,14% trong Quý II và 8,93% trong 6 tháng đầu năm. Quý II ghi nhận bước tăng trưởng dương trở lại của phân ngành khai khoáng, ở mức 1,78% - lần đầu tiên sau ba năm liên tục giảm. Việt Nam đã có thêm vốn đầu tư nước ngoài vào phân ngành chế biến, chế tạo, đặc biệt là từ Trung Quốc.

Khu vực dịch vụ ít có chuyển biến lớn, chỉ tăng trưởng 6,85% trong quý II và 6,69% trong 6 tháng đầu năm.

Sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp có phần rõ nét hơn. Các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá lạc quan hơn về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II. Những đánh giá tương đối tích cực có thể xuất phát từ việc: (i) môi trường đầu tư-kinh doanh tiếp tục được cải thiện; (ii) Việt Nam đã đi vào thực hiện CPTPP và chuẩn bị cho việc thực hiện EVFTA; và (iii) nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận Việt Nam gia tăng sự hấp dẫn tương đối trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Tình hình việc làm có cải thiện trong Quý II. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong toàn nền kinh tế ước tính là 55,5 triệu người, tăng 335,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đánh giá về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai, Việt Nam xếp hạng 70/100 về nguồn nhân lực và 81/100 về lao động có chuyên môn cao, và chưa sẵn sàng cho cuộc CMCN 4.0. Theo đó, Việt Nam cần xây dựng và thực thi hữu hiệu hơn các chính sách thị trường lao động chủ động, cũng như giải pháp đào tạo nhân lực, giáo dục nghề nghiệp.

Mặt bằng lãi suất tương đối ổn định trong quý II, ít nhiều phản ánh nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong việc bảo đảm thanh khoản cho hệ thống các ngân hàng thương mại.

Tính đến thời điểm cuối quý II, tín dụng tăng 4,07% so với cuối quý I và 7,33% so với cuối năm 2018.

Theo ông Dương, khả năng nới chỉ tiêu tín dụng cả năm 2019 là khá thấp, do: (i) tỷ lệ tín dụng trên GDP hiện đã ở mức cao; (ii) Ngân hàng Nhà nước cần tạo áp lực đủ tin cậy cho các ngân hàng thương mại củng cố an toàn vốn, và việc nới chỉ tiêu tín dụng có thể khiến cơ chế thưởng tín dụng hiện nay mất ý nghĩa; và (iii) Ngân hàng Nhà nước đang cho thấy hiệu quả (đối với tăng trưởng kinh tế) từ cải thiện chất lượng tín dụng.

Tỷ giá trung tâm chủ yếu giữ xu hướng tăng trong quý II. Động thái tăng tỷ giá trung tâm – ngay cả khi thị trường ngoại hối tương đối ổn định - có thể là do Ngân hàng Nhà nước muốn tạo thêm dư địa cho tỷ giá biến động trong bối cảnh thị trường có những yếu tố khá bất định (như: leo thang chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc; khả năng Fed hạ lãi suất…). Tỷ giá hữu hiệu thực trong quý II giảm 1% so với quý I và 3% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý II ước đạt 462,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2%. Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng đầu tư ước đạt 822,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3%. Tỷ lệ đầu tư so với GDP trong quý II xấp xỉ 33,9% GDP, tính chung cho 6 tháng đạt 33,1%. Khu vực dân doanh vẫn giữ vị trí hàng đầu với tăng trưởng đầu tư trong 6 tháng ở mức 2 con số (16,4%). Cơ cấu các nguồn đầu tư tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng đầu tư từ khu vực nhà nước và tăng tỷ trọng đầu tư từ khu vực FDI và đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân. Tổng vốn FDI đăng ký đạt 7,6 tỷ USD trong quý II và 18,5 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm.

Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 63,86 tỷ USD, tăng 9,3% trong quý II và đạt 122,72 tỷ USD, tăng 7,3% trong 6 tháng đầu năm.

Mức tăng này thấp hơn so với cùng kỳ các năm 2017-2018, chủ yếu do: (i) Suy giảm thương mại toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh leo thang căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc; (ii) Tỷ trọng lớn trong xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực FDI trong khi khu vực này tăng trưởng xuất khẩu chậm hơn; và (iii) Xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản gặp nhiều khó khăn cả về giá và các yêu cầu, quy định của một số thị trường nhập khẩu.

Nhập khẩu đạt 65,31 tỷ USD, tăng 12,9% trong quý II và 122,76 tỷ USD, tăng 10,5% trong 6 tháng đầu năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.391,1 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng 11,5%.

Thu ngân sách quý II ước đạt 382 nghìn tỷ đồng, bằng 27% dự toán cả năm 2019. Chi NSNN ước đạt 367 nghìn tỷ đồng trong quý II, tăng 1,92% so với cùng kì năm trước và tương đương 22,5% dự toán chi cả năm 2019. Phát hành TPCP trong quý II đạt 35,6 nghìn tỷ đồng, tương đương với mức phát hành của quý II/2018 nhưng thấp hơn cùng kỳ năm 2016-2017.

Song, vẫn còn nhiều rủi ro

“Trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới, chúng ta có thể tự bằng lòng với kết quả đạt được, tuy nhiên rủi ro vẫn còn, nhất là tăng trưởng tiềm năng giảm 2 năm liên tiếp, phản ánh lo ngại về chất lượng tăng trưởng chưa được củng cố - đặc biệt khi Việt Nam lưu tâm hơn đến ứng phó với tác động bất lợi từ môi trường kinh tế bên ngoài”, ông Dương nhấn mạnh.

CPI bình quân tăng 2,65% và 2,64% trong quý II và 6 tháng đầu năm, chủ yếu do: (i) tăng chỉ số giá nhóm hàng thực phẩm; (ii) điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước và tác động của điều chỉnh giá biểu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu; và (iii) tác động của tăng giá điện từ cuối tháng 3 được phản ánh vào CPI quý II.

“Áp lực rủi ro lạm phát vẫn còn”, ông Dương cảnh báo.

Lạm phát cơ bản bình quân trong 3 tháng đầu năm và 6 tháng đầu năm đều cao hơn hẳn so với các năm 2017-2018 đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách thận trọng.

Đặc biệt, ông Dương chỉ rõ, thực tiễn cải cách và điều hành chính sách trong 6 tháng đầu năm 2019 vẫn bộc lộ một số hạn chế.

Thứ nhất, động lực thực thi vẫn là một vấn đề cần cải thiện. Sự lưu tâm đối với cải cách môi trường kinh doanh theo Nghị quyết 02 ít nhiều đã giảm sút. Năng suất và chất lượng lao động được đề cập nhiều, song tính mới và cụ thể trong các đề xuất chính sách và cơ chế thực thi còn hạn chế.

Thứ hai, nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế chưa được truyền tải vào hệ thống chính sách, quy định trong nước. Sự hứng khởi với EVFTA và EVIPA (dù còn chờ phê chuẩn) còn được truyền thông hơi quá mức, chưa đi kèm với tâm thế chuẩn bị cho các cải cách thể chế kinh tế liên quan. Việc chuẩn bị cho CPTPP còn chậm, dù Hiệp định này đã thực thi.

Thứ ba, một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp, người dân có tâm lý bài trừ cực đoan đối với hàng hóa, vốn đầu tư từ một số quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong bối cảnh hiệu quả giải trình chính sách còn chậm được cải thiện, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng cân nhắc, điều chỉnh chính sách của một số Bộ, ngành. Thứ tư, hệ thống thông tin, thống kê phục vụ cho công tác điều hành của một số Bộ chậm được cải thiện cả về chất lượng, tính kịp thời.

Tăng trưởng kinh tế năm 2019 có thể đạt mức 6,82%

Trên cơ sở các đánh giá của các cơ quan tổ chức về triển vọng kinh tế th tăng trưởng kinh tế năm 2019 (cập nhật) có thể đạt mức 6,82%ế giới, tiến triển của nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm, cũng như khả năng sử dụng một số công cụ chính sách kinh tế trong nước, CIEM công bố dự báo một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2019.

Cụ thể, theo CIEM, tăng trưởng kinh tế năm 2019 (cập nhật) có thể đạt mức 6,82%. Tăng trưởng xuất khẩu cả năm dự báo ở mức 8,02%. Thặng dư thương mại dự báo ở mức 0,8 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2019 đạt 3,38%.

Bảng: Kết quả cập nhật dự báo một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2019

Đơn vị: %

Tăng trưởng GDP

6,82

Lạm phát bình quân

3,38

Tăng trưởng xuất khẩu

8,02

Cán cân thương mại (tỷ USD)

0,8

Nguồn: Dự báo cập nhật từ mô hình kinh tế lượng vĩ mô sử dụng số liệu năm.