Hội thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tổ chức, dự kiến diễn ra trong hai ngày 8-9/11/2018.

Hội thảo sẽ do lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, với sự tham gia của Đại sứ quán Thụy Sỹ và các nhà tài trợ quốc tế; đại diện các Bộ, ngành và địa phương liên quan; một số Viện nghiên cứu; các vụ, viện thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; các ban quản lý khu công nghiệp (KCN) và khu kinh tế (KKT); các chuyên gia quốc tế và trong nước về môi trường, KCN sinh thái; các doanh nghiệp phát triển hạ tầng KCN.

Mục tiêu của Hội thảo là trao đổi kinh nghiệm và xu thế phát triển KCN sinh thái; thu nhận các ý kiến đóng góp của các bên liên quan, các chuyên gia trong nước và quốc tế cho định hướng phát triển KCN sinh thái ở Việt Nam; nâng cao nhận thức và phổ biến thông tin về KCN sinh thái cho các cơ quan quản lý nhà nước và hoạch định chính sách.

Tại Hội thảo, các đại biểu sẽ thảo luận về các nội dung mô hình KCN sinh thái, trong đó tập trung vào các khía cạnh tiêu chuẩn, cơ hội, thách thức và rào cản phát triển mô hình KCN sinh thái; cộng sinh công nghiệp trong KCN sinh thái.

Hội thảo diễn ra trong hai ngày (8-9/11/2018). Phiên khai mạc có các bài phát biểu, tham luận của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đại diện các tổ chức quốc tế, lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh. Dự kiến, sẽ có 6 phiên thảo luận tại Hội thảo; trong đó từ phiên 1 đến phiên 5 sẽ diễn ra trong ngày thứ nhất, phiên 6 sẽ diễn ra trong ngày thứ 2.

Phiên 1 với chủ đề “Thể chế, chính sách và hướng dẫn về KCN sinh thái ở Việt Nam” giới thiệu nội dung quy định về KCN sinh thái trong Nghị định số 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý KCN và KKT; cụ thể hóa nội dung KCN sinh thái trong các văn bản pháp quy (khía cạnh bảo vệ môi trường) và khuyến nghị về công tác điều phối thực hiện; cụ thể hóa nội dung KCN sinh thái trong các văn bản pháp quy (khía cạnh khoa học và công nghệ) và khuyến nghị về công tác điều phối thực hiện; cụ thể hóa nội dung KCN sinh thái trong các văn bản pháp quy (khía cạnh phát triển hạ tầng và xây dựng) và khuyến nghị về công tác điều phối thực hiện; tiêu chí tối thiểu về KCN sinh thái (khía cạnh: Môi trường, kinh tế và xã hội).

Phiên 2 có chủ đề “ Khu vực tư nhân và các sáng kiến KCN sinh thái” giới thiệu khái niệm và nội dung liên quan đến Khu vực tư nhân và cách tiếp cận chuỗi sản xuất xanh quốc tế; Khu vực tư nhân và sáng kiến phát triển KCN xanh; các doanh nghiệp, nhà đầu tư hạ tầng Việt Nam giới thiệu hoạt động đầu tư của doanh nghiệp cho các sáng kiến KCN sinh thái.

Phiên 3 với chủ đề “Quy hoạch và quản lý KCN sinh thái” giới thiệu các nội dung về khung khổ quốc tế về KCN sinh thái và Bộ công cụ KCN sinh thái, quản lý KCN sinh thái; quan điểm và kinh nghiệm quốc tế; vai trò của Ban Quản lý KCN trong việc xây dựng và phát triển KCN sinh thái ở Việt Nam; Quy hoạch, quản lý và vận hành KCN hiệu quả - Trường hợp Sonadezi.

Phiên 4 có chủ đề “Cộng sinh công nghiệp và thành phố bền vững” giới thiệu các nội dung về đồng xử lý rác thải công nghiệp trong nhà máy xi măng: kinh nghiệm thực tiễn về cộng sinh công nghiệp; kinh nghiệm và xu huớng cộng sinh đô thị - công nghiệp trên thế giới - Tiềm năng cộng sinh công nghiệp ở Việt Nam; thành phố Kitakyushu: Hợp tác phát triển thành phố sinh thái ở Việt Nam.

Chủ đề phiên 5 là “ Hiệu quả tài nguyên và năng lượng bền vững cho KCN sinh thái” giới thiệu các nội dung về năng lượng và KCN sinh thái; năng lượng gió và mặt trời. Mô hình kinh doanh năng lượng tái tạo cho KCN sinh thái; hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn cho KCN sinh thái; hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn ở cấp Công ty: Hiệu quả kinh tế và lợi ích môi trường.

Phiên 6 tập trung thảo luận nhóm và bế mạc, với các nội dung: Tổng kết kết quả các phiên song song chiều ngày 1 và giới thiệu chương trình ngày 2; giới thiệu phương pháp thảo luận luân phiên “WORLD CAFE”; tham luận đề dẫn “Quy hoạch KCN sinh thái”; tham luận đề dẫn “Quản lý rác thải, tái chế và hiệu quả tài nguyên trong KCN sinh thái”; tham luận đề dẫn “Năng lượng cho KCN sinh thái”; tham luận đề dẫn “Nước thải KCN và KCN sinh thái”; tham luận đề dẫn “Quản lý nước tại KCN sinh thái”; tham luận đề dẫn “Tăng cường năng lực và chia sẻ kiến thức KCN sinh thái”; thảo luận luân phiên “WORLD CAFE”. Đại diện các nhóm sẽ trình bày kết quả thảo luận nhóm và phần hỏi đáp của các nhóm.

Tổng kết và bế mạc Hội thảo sẽ do ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và Lãnh thổ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” trình bày.

Trong khuân khổ Dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp (KCN) sinh thái hướng đến mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” năm 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đã tổ chức Hội thảo chuyên gia quốc tế về KCN sinh thái tại Việt Nam. Đây là hoạt động nổi bật trong khuôn khổ Dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” nhằm thực hiện thí điểm chuyển đổi từ KCN thông thường sang KCN sinh thái tại Việt Nam. Trên cơ sở kết quả của Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2018- NĐ- CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ qui định về quản lý KCN và KKT, trong đó qui định về khái niệm, tiêu chí KCN sinh thái và phân công trách nhiệm của các Bộ hướng dẫn về phát triển KCN sinh thái.

Để thực hiện thảo luận các nội dung cần thiết tiếp theo cho phát triển KCN sinh thái tại Việt Nam và phối hợp thực hiện các nội dung hướng dẫn các quy định về KCN sinh thái tại Nghị định số 82/2018- NĐ- CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UNIDO tổ chức Hội thảo chuyên gia quốc tế về cơ hội, thách thức và rào cản phát triển KCN sinh thái tại Việt Nam.

Một số hình ảnh tại Hội thảo chuyên gia quốc tế về KCN sinh thái tại Việt Nam lần thứ nhất và Hội thảo tập huấn nâng cao năng lực lập kế hoạch và các giải pháp xây dựng KCN sinh thái.

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và Lãnh thổ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu Kinh tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

TS Heinz Leuenberger Cố vấn trưởng kỹ thuật của Dự án KCN sinh thái, UNIDO