Từ khóa: khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp xanh

Summary

The trend of developing ecological industrial parks and industrial - urban - service parks is occuring not only in Vietnam. Based on the assessment of the current development of these industrial park models in Vietnam in recent times, pointing out limitations and difficulties, the article proposes some solutions to promote the thriving and faster development of ecological industrial parks and industrial-urban-service parks in the coming time, contributing to developing the green economy and circular economy as advocated by the Party and State.

Keywords: industrial park, economic park, eco-industrial park, green industrial park

GIỚI THIỆU

Phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu thế tất yếu trên phạm vi toàn cầu, để ứng phó với nhiều thách thức, nhất là biến đối khí hậu. Một trong những giải pháp để đáp ứng xu thế này là Việt Nam thúc đẩy quá trình chuyển đổi các KCN truyền thống vốn gây ra không ít hệ lụy về ô nhiễm môi trường sang các KCN sinh thái, cũng như phát triển mới các KCN này và KCN - đô thị - dịch vụ. Đây là nỗ lực bước đầu mang lại kết quả khả quan, nhưng đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức vì nhiều nguyên nhân. Do vậy, trên cơ sở phân tích thực trạng phát triển các KCN sinh thái, KCN - đô thị - dịch vụ, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển các mô hình KCN này trong thời gian tới, từ đó góp phần hiện thực hóa quyết tâm của Việt Nam là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 nói riêng, phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hòa bền vững nói chung.

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KCN SINH THÁI, KCN – ĐÔ THỊ - DỊCH VỤ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Kết quả tích cực bước đầu

Ngày nay, mô hình phát triển KCN trên thế giới đã thay đổi đáng kể theo hướng chuyên ngành, chuyên môn hóa, bắt kịp tiến trình của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Mặt khác, phát triển KCN đang được thúc đẩy theo xu hướng nâng cao khả năng cạnh tranh dựa trên mô hình quản lý tiên tiến, cộng sinh công nghiệp, nhất là xanh, bảo vệ môi trường, để sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu, năng lượng, tài nguyên, chia sẻ dịch vụ dùng chung. Không nằm ngoài xu hướng chung đó, ở Việt Nam đang thúc đẩy chuyển đổi các KCN truyền thống sang mô hình KCN sinh thái, cũng như phát triển mới mô hình KCN này và các KCN - đô thị - dịch vụ.

Theo Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý KCN và khu kinh tế, KCN thái là KCN, trong đó có doanh nghiệp trong KCN tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp; đáp ứng các tiêu chí quy định tại Nghị định này.

Tại Việt Nam, từ năm 2015 đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện Dự án KCN sinh thái do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ; trong đó, giai đoạn 1 Dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” thu hút được 72 doanh nghiệp từ 4 KCN ở Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ áp dụng các công nghệ, giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn. Các giải pháp này do Dự án tư vấn cho các doanh nghiệp triển khai đã giúp tiết kiệm được hơn 22.000 Mwh điện; hơn 600.000 m3 nước sạch; hơn 140 TJ (Têrajun) nhiên liệu hóa thạch; gần 3.600 tấn hóa chất và chất thải. Các giải pháp này cũng đã giảm được 32 Kt khí CO2 hàng năm. Qua đó, giúp hàng năm tiết kiệm được hơn 6,5 triệu USD. Dự án KCN sinh thái đang tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả giai đoạn 2 dự án “Triển khai KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu” tại các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ, với các KCN thí điểm được lựa chọn là KCN Amata (Đồng Nai), KCN Deep C (Hải Phòng), KCN Hiệp Phước (TP. Hồ Chí Minh), KCN Trà Nóc 1 và 2 (Cần Thơ), KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng) (Vương Thị Minh Hiếu và Cộng sự, 2023).

Để đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn, qua đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi, cũng như phát triển mới các KCN sinh thái, hệ thống pháp lý đã liên tục được sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, theo quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, tiêu chí xác định KCN sinh thái đã rõ hơn so với hệ thống qua định trước đó, với nhiều yếu tố, như: nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về xây dựng, pháp luật về đất đai, pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật về lao động trong vòng 3 năm trước thời điểm đăng ký chứng nhận KCN sinh thái; các doanh nghiệp trong KCN thực hiện ít nhất 1 cộng sinh công nghiệp và các doanh nghiệp tham gia cộng sinh công nghiệp trong KCN áp dụng hệ thống quản lý sản xuất và môi trường theo các tiêu chuẩn của Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) phù hợp; KCN phải đáp ứng tỷ lệ tối thiểu tổng diện tích đất cây xanh, giao thông, các khu kỹ thuật và hạ tầng xã hội dùng chung trong KCN đạt 25% trong quy hoạch xây dựng KCN được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng…

Về KCN - đô thị - dịch vụ, mô hình này gồm các khu chức năng công nghiệp, đô thị, dịch vụ. Trong đó, KCN có chức năng chính, khu đô thị - dịch vụ có chức năng hỗ trợ, cung ứng dịch vụ, tiện ích công cộng và xã hội cho KCN. Khu đô thị - dịch vụ bao gồm: nhà ở; công trình giáo dục, đào tạo, nghiên cứu; công trình y tế; công trình thể thao, văn hóa, công viên; công trình thương mại; công trình dịch vụ và các công trình kết cấu khác. KCN - đô thị - dịch vụ được đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để đảm bảo sự phát triển hiệu quả, bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Khu vực dự kiến đầu tư xây dựng khu đô thị - dịch vụ đáp ứng các điều kiện, như: phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; quy mô diện tích phù hợp với nhu cầu cung cấp dịch vụ, tiện ích công cộng của KCN và tối đa không vượt quá một phần ba (1/3) quy mô diện tích của KCN; các dự án đầu tư dự kiến thu hút đầu tư vào KCN không thuộc Mức I và Mức II của Danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường… (Nghị định số 35/2022/NĐ-CP).

Cuối tháng 3/2023, tại Bình Dương diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Công ty Liên doanh TNHH KCN Việt Nam-Singapore (VSIP Group) với đại diện lãnh đạo 9 tỉnh bao gồm: Bình Phước, Tây Ninh, Bình Thuận, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Thái Bình và Nam Ðịnh. Theo nội dung ký kết, VSIP Group và các tỉnh sẽ tiến hành nghiên cứu tính khả thi cho các KCN, trung tâm đô thị và dịch vụ. Từ một dự án ban đầu tại Bình Dương hình thành từ năm 1996, hoàn thiện vào năm 1997 có quy mô 500 ha, VSIP đã phát triển thành chuỗi 13 dự án KCN - đô thị và dịch vụ với diện tích hơn 11 nghìn ha tại 9 địa phương, tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút nhiều nhà đầu tư hàng đầu trong và ngoài nước với kết cấu hạ tầng hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng được các yêu cầu về nhân lực cho các nhà đầu tư trong khu vực. Nổi bật, các KCN - đô thị và dịch vụ Mỹ Phước 1, 2, 3, 4 và Bàu Bàng do Tổng công ty Becamex IDC đầu tư, cùng các KCN VSIP do VSIP Group triển khai luôn đi đầu trong thu hút đầu tư. Cụ thể, tại VSIP 3 trên địa bàn tỉnh Bình Dương, tuy mới khởi công vào tháng 3/2022, nhưng đã thu hút nhiều dự án lớn, trong đó có Tập đoàn LEGO (Ðan Mạch) đầu tư 1,3 tỷ USD sản xuất đồ chơi, Tập đoàn Pandora (Ðan Mạch) đầu tư hơn 100 triệu USD chế tác đồ trang sức... (Trịnh Bình, 2023).

Một số khó khăn, thách thức

Bên cạnh những kết quả tích cực ban đầu, quá trình chuyển đổi cũng như phát triển các KCN sinh thái, KCN - đô thị - dịch vụ đang đối mặt với những khó khăn, thách thức như sau:

Một là, mô hình KCN sinh thái, KCN - đô thị - dịch vụ tuy đã được quan tâm phát triển, nhưng tốc độ diễn ra chậm, nên số lượng còn hạn chế.

Hai là, các KCN sinh thái, KCN - đô thị - dịch vụ phát triển chưa thật bền vững và cân bằng về kinh tế, môi trường và xã hội, do chủ yếu phát triển theo kiểu tập trung công nghiệp đơn thuần, tập trung cho không gian sản xuất, lao động là chính, chứ chưa chú trọng thỏa đáng hoàn thiện không gian sống, không gian sinh hoạt cho người lao động, đặc biệt là còn thiếu nhà ở và dịch vụ xã hội. Nguyên nhân của tình trạng này là quy hoạch không gian và thiết kế công trình, lựa chọn vị trí xây dựng nhà ở cho công nhân không phù hợp, có rất ít nhà đầu tư bất động sản quan tâm...

Ba là, việc phát triển của các doanh nghiệp trong KCN sinh thái, KCN - đô thị - dịch vụ theo hướng tạo liên kết, hợp tác, hình thành chuỗi giá trị chưa được chú trọng và đạt hiệu quả cao như mong đợi.

Bốn là, việc chuyển đổi hoặc xây dựng các KCN sinh thái, KCN - đô thị - dịch vụ cần nguồn vốn đầu tư lớn, chưa dễ mang lại lợi nhuận trong thời gian ngắn, trong khi việc huy động vốn của các chủ đầu tư phát triển hạ tầng các KCN này đối mặt với nhiều khó khăn. Đó là chưa kể, việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong các KCN này cũng gặp thách thức do thủ tục vay vốn khắt khe, lãi suất vẫn cao, thời hạn vay ngắn.

Năm là, hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý đất đai, đầu tư nói chung…, về các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi phát triển KCN sinh thái, KCN – đô thị - dịch vụ nói riêng còn chậm được đổi mới và hoàn thiện theo yêu cầu biến động nhanh của thực tiễn. Việc tổ chức triển khai các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển KCN sinh thái, KCN - đô thị - dịch vụ còn vướng mắc, do đây là những mô hình KCN còn khá mới ở Việt Nam.

ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KCN SINH THÁI, KCN - ĐÔ THỊ - DỊCH VỤ

Để phát huy những kết quả tích cực bước đầu, từ đó thúc đẩy các KCN sinh thái, KCN - đô thị - dịch vụ phát triển hiệu quả và tích cực hơn trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tập trung triển khai một số giải pháp như sau.

Về phía Chính phủ và các bộ, ngành

Thứ nhất, tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý, nhằm tạo sự thông thoáng, thuận lợi cho phát triển các KCN sinh thái, KCN - đô thị - dịch vụ theo hướng tiệm cận các thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Trong đó, đặt trọng tâm vào sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách để khuyến khích, thu hút mạnh mẽ hơn các nguồn lực, nhất là nguồn lực về tài chính trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển các KCN sinh thái, KCN - đô thị - dịch vụ.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư đối với phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, từ đó thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho cộng sinh công nghiệp, nhằm gia tăng tính liên kết và hiệu quả trong chuỗi giá trị hoạt động của các doanh nghiệp trong các KCN sinh thái, KCN - đô thị - dịch vụ.

Thứ ba, việc xây dựng quy hoạch chuyển đổi, xây dựng mới các KCN sinh thái, KCN - đô thị - dịch vụ cần đặt trong tổng thể quy hoạch các vùng, liên vùng, để phát huy tối đa lợi thế của các vùng và địa phương trong phát triển các KCN, tránh lãng phí và cạnh tranh không lành mạnh giữa các các KCN sinh thái và KCN - đô thị - dịch vụ ở các địa phương, cũng như giữa các vùng và trong nội vùng.

Thứ tư, tiếp tục tăng cường hợp tác cả về chiều rộng lẫn chiều sâu với các đối tác quốc tế trong hỗ trợ các nguồn lực về tài chính, năng lực quản trị cho các đối tác Việt Nam triển khai đầu tư phát triển các KCN sinh thái, KCN - đô thị - dịch vụ.

Về phía các địa phương

Một là, tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách địa phương, cũng như tạo thuận lợi cho huy động các nguồn vốn khác, để đầu tư cho hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng các yêu cầu cho phát triển các KCN sinh thái, KCN - đô thị - dịch vụ.

Hai là, chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong tiến hành các hoạt động xúc tiến đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài có năng lực tài chính và quản trị tốt, có cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam tham gia các dự án đầu tư phát triển KCN sinh thái, KCN - đô thị - dịch vụ.

Thứ ba, tuân thủ nghiêm túc các cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư phát triển các KCN sinh thái, KCN - đô thị - dịch vụ theo quy định của Chính phủ, tránh “vượt rào” các quy định, nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh không lành mạnh trong thu thu hút các nhà đầu tư, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường thu hút đầu tư nói chung.

Thứ tư, cần tận dụng hiệu quả cơ chế liên kết vùng, liên vùng trong phát triển công nghiệp, để một mặt phát huy thế mạnh, lợi thế của địa phương, mặt khác tạo ra sự liên kết, hợp tác giữa các KCN sinh thái, KCN - đô thị - dịch vụ ở các địa phương, cũng như các vùng trong hình thành các chuỗi liên kết từ khâu cung cấp nguyên, nhiên liệu đến logistics, thị trường tiêu thụ…/.

TS. Nguyễn Thị Thu Đông

Trường Cao đẳng Kinh tế - Kế hoạch Đà Nẵng

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 32, tháng 11/2023)


Tài liệu tham khảo

  1. Chính phủ (2022), Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, ngày 28/5/2022 quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.
  2. Thủ tướng Chính phủ (2014), Quyết định số 880/QĐ-TTg, ngày 09/6/2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
  3. Thủ tướng Chính phủ (2014), Quyết định số 879/QĐ-TTg, ngày 09/6/2014 phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
  4. Trịnh Bình (2023), Mô hình khu công nghiệp-đô thị và dịch vụ, truy cập từ https://nhandan.vn/mo-hinh-khu-cong-nghiep-do-thi-va-dich-vu-post763079.html.
  5. Trương Thị Quỳnh Vân (2022), Xu hướng mới trong phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam, truy cập từ https://vioit.org.vn/vn/chien-luoc-chinh-sach/xu-huong-moi-trong-phat-trien-cac-khu-cong-nghiep-o-viet-nam-4706.4050.html.
  6. Vương Thị Minh Hiếu, Bùi Hồng Phương (2023), Phát triển khu công nghiệp sinh thái: Xu hướng tất yếu hướng tới phát triển bền vững, truy cập từ https://kinhtevadubao.vn/phat-trien-khu-cong-nghiep-sinh-thai-xu-huong-tat-yeu-huong-toi-phat-trien-ben-vung-25729.html.