Sẽ ban hành chế tài phạt đơn vị cố tình trì hoãn xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, mặc dù việc áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) khởi tạo từ máy tính tiền rất tiện lợi và minh bạch, nhưng đến nay số cơ sở kinh doanh đã đăng ký thành công HĐĐT kết nối với máy tính tiền với cơ quan thuế mới chỉ đạt khoảng 20% kế hoạch giai đoạn 1 mà ngành Thuế đề ra (805 cơ sở kinh doanh).
Đáng chú ý, mặc dù đã có 805 cơ sở kinh doanh được chấp nhận sử dụng HĐĐT từ máy tính tiền, nhưng theo số liệu thống kê của Tổng cục Thuế, hiện mới chỉ có 544 HĐĐT từ máy tính tiền được gửi về hệ thống. Số liệu này là quá thấp so với yêu cầu cần phải chuyển đổi hình thức HĐĐT thông thường sang hình thức HĐĐT từ máy tính tiền.
Nguyên nhân của tình trạng trên, theo ông Tuấn, vì trong thời gian đầu triển khai, cần có thời gian và giải pháp kỹ thuật phù hợp, nâng cấp dần hệ thống, hạ tầng công nghệ thông tin nên quy định hiện hành đang cho phép người nộp thuế thuộc lĩnh vực trực tiếp đến người tiêu dùng được lựa chọn (nghĩa là không bắt buộc) hình thức HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền.
Theo Thứ trưởng Cao Anh Tuấn, Bộ Tài chính đã chỉ đạo ngành Thuế tăng cường công tác tuyên truyền và kiểm tra xử phạt (ảnh: GDT) |
Tổng cục Thuế đang phối hợp với các địa phương kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh, đảm bảo xuất hoá đơn đầy đủ với các giao dịch. Bộ Tài chính cũng sẽ nghiên cứu ban hành các chế tài xử phạt các đơn vị cố tình trì hoãn thực hiện xuất HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền.
Hiện Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công an, các bộ, ngành, UBND các tỉnh lựa chọn một số địa phương gồm: Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ triển khai trong giai đoạn 1 áp dụng 100% các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn hoạt động trong các lĩnh vực trực tiếp liên quan đến giao dịch với người tiêu dùng thì sử dụng HĐĐT từ máy tính tiền, trọng tâm là nhà hàng, khách sạn, siêu thị, kinh doanh vàng bạc… Trên cơ sở kết quả triển khai giai đoạn 1, sẽ triển khai giai đoạn 2 áp dụng diện rộng trên toàn quốc.
“Phát luật thuế yêu cầu bán hàng là phải xuất hóa đơn dù là điện tử hay giấy và đã đăng ký HĐĐT phải xuất HĐĐT, đã lắp máy tính tiền là phải kết nối. Trường hợp kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh nếu không đảm bảo xuất hoá đơn đầy đủ với các giao dịch khi bị phát hiện sẽ bị xử phạt...”, ông Tuấn cho hay.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh, Tổng cục Thuế đã có chỉ đạo cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ tổ chức triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền giai đoạn 1 (đến hết tháng 3/2023) đối với một số nhóm đối tượng như: ngành hàng ăn uống, siêu thị, bán lẻ thuốc tân dược, dịch vụ vui chơi giải trí, du lịch...
Ông Minh đề nghị cục trưởng cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung đẩy mạnh triển khai HĐĐT có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh đề nghị các cục thuế tiếp tục chỉ đạo, quyết liệt rà soát, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn kịp thời cho người mua khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ… |
Cụ thể, các cục thuế cần quyết liệt triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền. Trên cơ sở danh sách người nộp thuế thuộc diện có thể lựa chọn sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền của doanh nghiệp, cục thuế lập kế hoạch, giao chỉ tiêu đến từng phòng chuyên môn, chi cục thuế, từng đội thuế, từng công chức quản lý thuế để tăng cường việc hướng dẫn, hỗ trợ và đôn đốc người nộp thuế thuộc nhóm có thể triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền theo danh sách, đảm bảo đến hết tháng 2/2023 phải đạt tối thiểu 70% số lượng doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đăng ký và phấn đấu đến hết tháng 3/2023 triển khai đối với 100% các doanh nghiệp, hộ kinh doanh theo danh sách báo cáo Tổng cục Thuế của giai đoạn 1.
Mặc dù quy định cho phép người nộp thuế đồng thời được sử dụng HĐĐT có mã, không có mã và HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, nhưng cũng có quy định bắt buộc người bán phải xuất hóa đơn cho người mua khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ không phân biệt giá trị từng lần. Người mua hàng có quyền được nhận hóa đơn để minh bạch trong giao dịch mua bán, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...
Cùng với đó, các cục thuế đẩy mạnh phối hợp với các sở, ban, ngành trên địa bàn để thực hiện kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh theo mô hình chuỗi, kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, kinh doanh vàng bạc trang sức mỹ nghệ…, đảm bảo việc xuất hóa đơn đầy đủ đối với từng giao dịch, không phân biệt giá trị từng lần khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Đáng chú ý, thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an để tổ chức hội nghị trao đổi, làm việc với các tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT để nghiên cứu giải pháp kỹ thuật cho phép đọc thông tin người mua hàng (tên, số căn cước công dân) từ thẻ căn cước công dân, từ đó giúp cho việc lập và xuất HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền nhanh chóng, thuận lợi.
Tổng cục Thuế tiếp tục rà soát danh sách các cơ sở kinh doanh thương mại bán lẻ, kinh doanh dịch vụ ăn uống theo mô hình hệ thống cửa hàng bán trực tiếp đến người tiêu dùng, nhưng việc hạch toán toàn bộ hoạt động kinh doanh được thực hiện tại trụ sở chính, có sử dụng hệ thống máy tính tiền (ví dụ như chuỗi cửa hàng ăn uống, chuỗi cửa hàng sách, chuỗi cửa hàng thuốc…) để hướng dẫn doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện việc xuất hóa đơn theo đúng quy định, triển khai hình thức HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền trong thời gian tới…/.
Bình luận