Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nhấn mạnh, trong tháng 4 này, Bộ sẽ có chỉ thị công khai, minh bạch hóa giá điện, xăng dầu để người dân có thể giám sát.

Trước đó, ngày 31/3/2014, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 12/2014/TT-BCT quy định tính toán mức giá bán lẻ điện bình quân.

Theo đó, đối với trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 7% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ phải trình Bộ Công Thương xem xét, chấp thuận phương án điều chỉnh giá bán điện.

Giải thích về việc nới tỷ lệ điều chỉnh giá điện bình quân do EVN tự quyết, ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, việc thay đổi mức điều chỉnh giá bán điện bình quân đã được quy định tại Quyết định 69/2013/QĐ-TTg, ngày 19/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ, chứ không phải tới Thông tư 12 mới nêu và Thông tư này chỉ là văn bản hướng dẫn chi tiết cụ thể quy định của Quyết định 69.

Về vấn đề dư luận cho rằng sắp có đợt tăng giá điện, ông Đinh Thế Phúc cho biết, việc tăng giá điện đã có quy định tại Quyết định 69, trong đó quy định hàng năm việc điều chỉnh giá điện phải có báo cáo kiểm toán. Nếu tăng trong năm thì phải có sự thay đổi của các thông số đầu vào cơ bản như: giá nhiên liệu và vốn đầu tư của ngành điện...

“Trong trường hợp có điều chỉnh thì cũng phải tính đến các yếu tố kinh tế vĩ mô, sức chịu đựng của nền kinh tế và doanh nghiệp”, ông Phúc nói.

Nói rõ hơn về nghi ngại giá điện tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân, ông Phúc cho hay, giá điện có điều chỉnh hay không trước tiên phải tuân thủ đúng theo quy định của Chính phủ, cụ thể là quy định tại Quyết định 69 về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện. Theo đó, khi các thông số đầu vào cơ bản thay đổi, EVN sẽ theo dõi và đề xuất tăng giá bán lẻ điện hay không.

“Nhưng hiện nay Cục Điều tiết Điện lực chưa nhận được đề xuất từ phía EVN, nên chắc chắn chưa có chuyện tăng giá điện thời gian tới”, ông Phúc khẳng định.

Trước lo ngại mùa khô năm nay sẽ tái diện tình trạng thiếu điện, cắt điện, ông Phúc trấn an, Bộ đã làm việc với 3 tập đoàn lớn là EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) yêu cầu rà soát lại yêu cầu điện mùa khô, yêu cầu các tập đoàn này cấp điện ổn định cho hệ thống điện quốc gia. Ngoại trừ tình huống đột xuất có thể gián đoạn, như hồi tháng 3 vừa qua có 3 ngày xảy ra sự cố khí PM3 tại Cà Mau, Bộ buộc phải yêu cầu EVN huy động chạy dầu giá cao DO, FO để bù đắp, đảm bảo cung ứng đủ điện không bị gián đoạn./.