Số cử nhân thất nghiệp tăng 22.000 người so với quý 1/2015
Bà Nguyễn Thị Lan Hương – Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội đã đánh giá như vậy tại buổi công bố Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý 2/2015, ngày 30/10/2015.
Lao động thất nghiệp có trình độ tăng
Theo đó, trong quý 2/2015, cả nước có 1.144,6 nghìn người thất nghiệp trong độ tuổi lao động, giảm 15.200 người so với quý 1/2015. Trong số những người thất nghiệp đó, có 607.800 người không có chuyên môn kỹ thuật, chiếm 53,1%, tăng 50.800 người so với quý 1/2015.
Đặc biệt, số lao động có trình độ đại học thất nghiệp tiếp tục tăng 22 nghìn người so với quý 1/2015 (chiếm 17,4%).
Lý giải điều này, bà Nguyễn Thị Lan Hương – Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội cho rằng, thất nghiệp của lao động có trình độ đại học cao và liên tục tăng là do việc phân luồng giáo dục vẫn chưa hiệu quả, khi mà hàng năm vẫn có khoảng 3/4 học sinh theo học giáo dục đại học, trong khi nhu cầu thị trường chỉ cần 20%.
Do đó, khi ra trường, nền kinh tế không thể đáp ứng được và lao động có bằng đại học sẽ ít có cơ hội việc làm hơn.
Phân theo nhóm, ngành, tỷ lệ thất nghiệp của các nhóm có trình độ chuyên môn kỹ thuật khác đều tăng, cụ thể: nhóm có trình độ đại học trở lên tăng từ 3,29% lên 4,6%; trình độ trung cấp tăng từ 3,66% lên 4,49% và trình độ sơ cấp tăng từ 2,05% lên 2,71%.
Đáng báo động, tỷ lệ thất nghiệp thanh niên tiếp tục tăng, quý 2/2015 là 6,68%, cao gấp 2,8 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung và tăng 0,08 điểm phần trăm so với quý 1/2015. Đáng lo ngại là tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị quý 2/2015 lên đến 11,84%.
Tuy nhiên, xét về thu nhập, nhóm lao động qua đào tạo, có chuyên môn kỹ thuật vẫn có thu nhập cao hơn các nhóm ngành khác (Hình). Thống kê này vẫn là động lực để lao động hướng đến nâng cao trình độ chuyên môn của bản thân.
Số lao động có trình độ đại học thất nghiệp tiếp tục tăng 22 nghìn người so với quý 1/2015 (chiếm 17,4%)
Vẫn “vênh” trong cung - cầu lao động
Về kết nối cung - cầu, trong quý 2/2015, 64 trung tâm dịch vụ việc làm do ngành lao động, thương binh và xã hội quản lý đã tổ chức được 270 phiên giao dịch việc làm, hơn 475.000 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm.
“Việc lao động thất nghiệp cao, nhưng lượng việc làm được kết nối cũng cao không hề mâu thuẫn với nhau, mà thể hiện tính linh hoạt của thị trường lao động”, bà Lan Hương nhận định.
Tuy nhiên, khi phân tích riêng xu hướng cung - cầu lao động từ cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, trong quý 3/2015, có 8,811 nghìn người đăng ký tìm việc làm, chủ yếu người có trình độ trung cấp (30%), cao đẳng (18,3%), đại học (17,9%). Nhóm nghề mà người đăng ký tìm việc nhiều nhất là kế toán tài chính (22,1%), quản trị nhân sự (12,8%), quản trị kinh doanh (7,6%).
“Kết quả trên cho thấy, giữa cung và cầu theo cấp trình độ, theo nghề vẫn còn có khoảng cách (nhóm trình độ trung cấp: cung thiếu so với cầu; trong khi nhóm trình độ cao đẳng và đại học có dấu hiệu thừa cung…)” - Bà Lan Hương nhận định.
Điều này cũng được thể hiện trong các thông tin từ một số thành phố lớn, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Điển hình như ở Hà Nội, các ngành/nghề mà người lao động khó tìm được việc làm nhất là: kế toán (đặc biệt kế toán bậc trung cấp), nhân viên ngân hàng, nhân viên hành chính - văn phòng và một số ngành kỹ thuật như: hóa dầu, sinh học, hóa chất. Lao động phổ thông, lao động giản đơn cho các ngành công nghiệp là các nhóm doanh nghiệp khó tuyển được lao động.
Với tình hình tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước trong 3 quý vừa qua, dự kiến tốc độ tăng GDP quý 4 sẽ đạt 6,9% và cả năm sẽ đạt trên 6,5%. Tăng trưởng kinh tế được cải thiện, đang và sẽ tác động tích cực tới thị trường lao động.
Giả định không có nhiều biến động về mô hình tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm 2015, hệ số co giãn việc làm theo tăng trưởng kinh tế vẫn giữ ở mức 0,3 - 0,36, dự báo lực lượng lao động có việc làm quý 3 đạt 52,9 triệu người (tăng 0,81% so với quý 2), quý 4 đạt 53,1 triệu người (tăng 0,34% so với quý 3). Riêng khối doanh nghiệp, dự báo nhu cầu tuyển dụng cả năm 2015 sẽ tăng thêm 360 nghìn người (tăng 3,27%) so với năm 2014, đưa tổng số lao động làm việc trong doanh nghiệp đạt 12,32 triệu người, tỷ lệ lao động làm công hưởng lương trên tổng số có việc làm vào cuối năm 2015 sẽ đạt 40%.
Dự báo, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tiếp tục giảm nhẹ, còn 2,38% vào quý 4/2015./.
Bình luận