Số văn bản pháp luật nợ đọng đã giảm xuống thấp nhất từ trước đến nay
Chỉ có 18 văn bản ở trong tình trạng “nợ đọng”
Theo Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tại Phiên họp Chính phủ cuối năm, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 đã đạt được mục tiêu, định hướng đề ra.
Số lượng các dự án luật, pháp lệnh năm 2014 do Chính phủ trình được Quốc hội thông qua và cho ý kiến là rất lớn (35 dự án) và đây là các dự án luật nhằm triển khai thi hành Hiến pháp.
Tính đến ngày 27/12/2014, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành 106/206 văn bản, đạt 51,46%; giải quyết được 56/71 văn bản nợ của năm 2013 và 50/135 văn bản phát sinh trong năm 2014.
Số chưa ban hành là 100/206 văn bản, chiếm 48,54%, trong đó có 18 văn bản ở trong tình trạng “nợ đọng”. Đây là con số thấp nhất từ trước đến nay, được Quốc hội ghi nhận tại các Kỳ họp thứ 7 và thứ 8.
Về nhiệm vụ liên quan đến công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, Bộ Tư pháp đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 100 văn bản, đặc biệt là 39 văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo nghị định, quyết định của Chính phủ đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ nhận định, công tác xây dựng luật, pháp lệnh; xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực; chất lượng văn bản ngày càng được nâng lên, bảo đảm các yêu cầu về tính hợp hiến, hợp pháp và khả thi của văn bản; số lượng văn bản nợ đọng đã giảm xuống thấp nhất từ trước tới nay.
Hạn chế thấp nhất việc xin rút, xin lùi dự án luật
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhìn lại năm 2014, công tác xây dựng luật, pháp lệnh có nhiều cố gắng, tiến bộ cả về số lượng, chất lượng theo tinh thần đúng Hiến pháp, luật pháp, tính khả thi. Song so với yêu cầu, trong năm 2014 vẫn còn có các dự án luật, pháp luật đã đưa vào chương trình xây dựng, sau đó lại xin rút, xin lùi thời gian.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Trong công tác xây dựng luật, pháp luật, những cái đã có trong chương trình, phải tập trung hoàn thiện để trình Quốc hội theo đúng yêu cầu thời gian quy định, hết sức cố gắng để không có điều luật nào mà tính khả thi không cao. Khi xây dựng các dự án luật, pháp lệnh phải nghiên cứu, đánh giá kỹ về các tác động xã hội; khi đã được đưa vào chương trình phải hạn chế thấp nhất việc xin rút, xin lùi.
Thủ tướng cũng nêu rõ: “Luật nào thuộc bộ, ngành nào chủ trì xây dựng cũng phải luôn quan tâm đến yêu cầu hàng đầu là đảm bảo tiến độ thời gian, bảo đảm chất lượng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi. Đối với mảng nghị định, thông tư, các bộ chủ trì cũng phải hết sức quan tâm bảo đảm tiến độ về về thời gian, chất lượng; các bộ, ngành được xin ý kiến cũng phải đề cao tinh thần trách nhiệm trong phối hợp, đóng góp ý kiến”.
Phải trình dự thảo Luật Biểu tình trong quý I/2015
Cũng trong công tác xây dựng luật và pháp lệnh, theo Nghị quyết của Chính phủ, trong quý I/2015, dự án Luật Biểu tình phải được trình Chính phủ xem xét trước khi trình Quốc hội. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo dự luật này xin rút khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, do biểu tình là một vấn đề nhạy cảm, phức tạp nên cần có thêm thời gian để khảo sát, tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
Sau các ý kiến thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ Hiến pháp quy định người dân có quyền biểu tình và quyền này do luật quy định, nhưng hiện mới chỉ có Nghị định của Chính phủ quy định. Hiến pháp cũng quy định việc hạn chế quyền của người dân phải do luật định.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Công an, cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo luật này, cần nghiên cứu kỹ và chỉ xin lùi thời điểm trình dự án luật bởi việc xây dựng luật này đã được Bộ Chính trị và Quốc hội quyết định. Hơn nữa, việc xin rút dự án luật này ra khỏi chương trình phải có đủ lý lẽ thuyết phục và phải có đủ cơ sở. /.
Bình luận