Cánh đồng tập trung, tổ hợp tác trồng lúa chất lượng cao phường 10 - TP Sóc Trăng
Cánh đồng tập trung, tổ hợp tác trồng lúa chất lượng cao phường 10 - TP Sóc Trăng

Thời điểm cuối năm 2021, toàn tỉnh Sóc Trăng có 223 hợp tác xã với 35.562 thành viên, tổng nguồn vốn hoạt động trên 1.270 tỷ đồng. Hoạt động của các hợp tác xã đã và đang từng bước đi vào chiều sâu, thiết thực hỗ trợ cho thành viên tham gia như sản xuất theo tiêu chí cánh đồng lớn, áp dụng 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC… Trong Tỉnh xuất hiện nhiều loại hình hợp tác xã, mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là hộ thành viên. Hàng năm số lượng hợp tác xã phát triển mới từ 15-20 hợp tác xã, luôn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Trong năm 2021, toàn tỉnh Sóc Trăng có 4 hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể, 27 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao (tiêu chuẩn VietGAP, ASC) vào sản xuất; trong đó 18 hợp tác xã, tổ hợp tác ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt (VietGAP); 9 hợp tác xã, tổ hợp tác nuôi tôm theo tiêu chuẩn ASC, VietGAP. Đa số sản phẩm từ các mô hình ứng dụng công nghệ cao đều có doanh nghiệp bao tiêu cho thành viên, điển hình trên các lĩnh lúa chất lượng cao, chăn nuôi, cây ăn trái, thủy sản... Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hiện nay Sóc Trăng đã có 156 sản phẩm được đánh giá xếp hạng từ 3 sao trở lên; trong đó có 28 sản phẩm đạt hạng 4 sao (có 01 sản phẩm được Hội đồng đánh giá xếp hạng Quốc gia công nhận đạt chuẩn 5 sao) và 128 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Trong đó số hợp tác xã nông nghiệp có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP là 19 hợp tác xã với 26 sản phẩm đạt 3 sao và 4 sao. Đây là những mô hình mới, hiệu quả đang được tỉnh nhân rộng. Qua thực tiễn hoạt động cũng cho thấy, thành viên hợp tác xã đã nhận thức và hiểu được quy định Luật Hợp tác xã, nắm được các chủ trương như các Nghị định và Thông tư hướng dẫn, tranh thủ được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương, giúp cho hoạt động hợp tác xã hoạt động ngày càng hiệu quả, thành viên tham gia tích cực.

Tuy nhiên, dù cho các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có phát triển cả về số lượng, chất lượng nhưng cũng còn gặp nhiều khó khăn, chưa được như kỳ vọng. Nguyên nhân chủ yếu là do các hợp tác xã của Tỉnh phải đối mặt với những khó khăn, như: biến động giá cả thị trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, vẫn còn hợp tác xã hoạt động yếu kém hoặc duy trì hoạt động ở mức trung bình; phần lớn các hợp tác xã mới chỉ dừng lại ở mức cung cấp một số dịch vụ thiết yếu cho thành viên, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành của các hợp tác xã còn hạn chế. Bộ máy quản lý nhà nước về hợp tác xã chưa được kiện toàn theo yêu cầu; cán bộ kiêm nhiệm nên việc tham mưu thực hiện công tác quản lý nhà nước về hợp tác xã còn hạn chế...

Để thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác xã, các cơ quan quản lý nhà nước ở tỉnh Sóc Trăng đã có những biện pháp phù hợp và sáng tạo, cụ thể:

- Lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo Liên minh hợp tác xã, ngành nông nghiệp, các địa phương rà soát, củng cố và phát triển tổ chức đảng trong các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định trên cơ sở tôn trọng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

- Tổ chức các đợt tuyên truyền vận động, giáo dục quần chúng, thành viên tự nguyện tham gia phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và thực hiện các quy định pháp luật về kinh tế tập thể.

- Xây dựng các quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động và nội dung, phương thức hỗ trợ đối với hợp tác xã theo hướng công khai, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các hội viên tham gia thành lập hợp tác xã.

- Tăng cường bổ sung Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã.

- Phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của từng hợp tác xã trong phương hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh; xây dựng tính tự giác, ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương của chính các hợp tác xã.

- Có chính sách hỗ trợ phát triển cho các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và sản phẩm OCOP./.

Linh Thanh