Sớm hoàn thành Quy hoạch tổng thể kết nối kinh tế Việt Nam - Campuchia đến năm 2030
Chiều ngày 13/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Samdech Heng Samrin nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam.
Chào mừng Chủ tịch Quốc hội Samdech Heng Samrin dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Vương quốc Campuchia sang thăm Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chuyến thăm là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong "Năm hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2022" chào mừng 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (24/6/1967 - 24/6/2022).
Thủ tướng nhiệt liệt chúc mừng thành công của cuộc bầu cử Hội đồng xã/phương khoá V của Campuchia (tháng 6/2022) và những thành tựu quan trọng mà nhân dân Campuchia giành được thời gian qua, đặc biệt trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19, sớm mở cửa trở lại, phục hồi và tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả khả quan; tin tưởng đó là tiền đề cho thành công của cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia khoá VII (tháng 7/2023) và những thành tựu to lớn hơn nữa trong công cuộc xây dựng đất nước Campuchia hòa bình, độc lập, dân chủ và phồn vinh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin - Ảnh: Nhật Bắc |
Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin bày tỏ vui mừng là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Campuchia thăm chính thức Việt Nam từ khi hai nước kiểm soát thành công dịch Covid-19; đồng thời trân trọng chuyển lời thăm hỏi của Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen và các lãnh đạo của Campuchia tới Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo cấp cao Việt Nam; chân thành chúc mừng những thành tựu toàn diện mà Chính phủ và nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã giành được thời gian qua trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế; bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ giữ vững đà phát triển, hướng tới hoàn thành mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, có vị thế, vai trò ngày càng cao ở khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin bày tỏ hài lòng về sự phát triển ổn định của quan hệ Việt Nam - Campuchia. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì tiếp xúc, trao đổi thường xuyên; các cơ chế hợp tác song phương tiếp tục phát huy hiệu quả, giúp duy trì đà hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực. Đáng chú ý, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong hai năm qua, hợp tác kinh tế song phương đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 đạt gần 10 tỷ USD, 7 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 7 tỷ USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2021. Việt Nam hiện có 188 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Campuchia với tổng vốn đăng ký đạt 2,8 tỷ USD, duy trì vị trí đứng đầu ASEAN và trong tốp 5 nước đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia.
Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao việc hai bên phối hợp tổ chức thành công nhiều hoạt động có ý nghĩa trong khuôn khổ "Năm hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2022", nhất là Lễ kỷ niệm 45 năm "Hành trình hướng tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot" của Samdech Techo Hun Sen dưới sự chủ trì của hai Thủ tướng ngày 20/6 tại khu vực biên giới các tỉnh Bình Phước - Tbong Khmum và Lễ kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia ngày 24/6 tại Hà Nội, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước đối với việc giữ gìn và vun đắp mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa Việt Nam và Campuchia.
Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả các thoả thuận, kế hoạch hợp tác quốc phòng - an ninh; phối hợp kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn tội phạm xuyên biên giới; tiếp tục nỗ lực phân giới cắm mốc 16% còn lại, để xây dựng đường biên giới trên đất liền hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. |
Về phương hướng tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, hai nhà lãnh đạo nhất trí duy trì tiếp xúc, trao đổi cấp cao thường xuyên trên tất cả các kênh nhằm không ngừng củng cố quan hệ chính trị tin cậy; các cơ quan lập pháp và hành pháp hai nước tiếp tục phát huy vai trò thúc đẩy quan hệ, nhất là trong việc xây dựng thể chế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, phối hợp giám sát, thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai bên triển khai hiệu quả các thoả thuận đã ký.
Nhằm giữ đà và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế, góp phần thúc đẩy phục hồi và hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ của mỗi nước, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường kết nối hai nền kinh tế, nhất là giao thông vận tải, viễn thông, tài chính - ngân hàng, làm cơ sở và tạo động lực mới cho hợp tác trên các lĩnh vực khác, như: thương mại, đầu tư, năng lượng, du lịch, giáo dục đào tạo và hợp tác giữa các địa phương, nhất là các tỉnh biên giới; hoàn thành "Quy hoạch tổng thể kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Campuchia đến năm 2030", ký kết Hiệp định Thương mại biên giới, triển khai hiệu quả Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư, Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn và đề nghị Quốc hội, Chính phủ Campuchia tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho người gốc Việt tại Campuchia sinh sống, làm ăn ổn định, hòa nhập tốt vào xã hội sở tại và làm cầu nối hữu nghị giữa hai nước; đồng thời tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh ổn định, lâu dài tại Campuchia. Thủ tướng cũng cảm ơn các cơ quan chức năng Campuchia thời gian qua đã phối hợp hiệu quả với phía Việt Nam trong việc giải cứu thành công nhiều công dân Việt Nam bị lừa đảo, cưỡng bức lao động tại các cơ sở kinh doanh bất hợp pháp của người nước ngoài tại Campuchia; đề nghị hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ để giải cứu, hỗ trợ nạn nhân và giải quyết dứt điểm vấn đề này.
Trao đổi về hợp tác đa phương, hai nhà lãnh đạo nhất trí hai bên tiếp tục phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam ủng hộ và tin tưởng Campuchia sẽ đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN và AIPA năm 2022; đề nghị hai nước cùng các quốc gia thành viên khác nỗ lực duy trì đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề chiến lược của khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông./.
Bình luận