Mức độ “đắt đỏ” có khoảng cách giữa các vùng

Mức độ “đắt đỏ” giữa 7 vùng kinh tế so với vùng Đồng bằng sông Hồng trong 5 năm qua (2010 - 2014) có ít biến động. Chỉ số SCOLI vùng Tây Bắc cao nhất, trong khi đó Đồng bằng sông Cửu Long có chỉ số SCOLI thấp nhất (trừ năm 2011) (Bảng).

So với vùng Đồng bằng sông Hồng, trong 5 năm 2010-2014, vùng Tây Bắc là vùng có chỉ số SCOLI cao nhất, từ 104,78%-108,81%. Tiếp đến là vùng Đông Nam Bộ có chỉ số SCOLI đứng thứ hai, từ 101,61%-102,36%. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có chỉ số SCOLI thấp nhất cả nước, từ 95,97%-98,08%.

Bảng: Xếp hạng mức độ “đắt đỏ” giữa các vùng giai đoạn 2010-2014

Vùng

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Đồng bằng sông Hồng

5

5

5

6

6

Đông Bắc

4

4

4

3

3

Tây Bắc

1

1

1

1

1

Bắc Trung Bộ

6

5

6

5

5

Duyên hải Nam Trung Bộ

5

7

5

6

6

Tây Nguyên

3

3

3

4

4

Đông Nam Bộ

2

2

2

2

2

Đồng bằng sông Cửu Long

7

6

7

7

7

Chỉ số SCOLI của vùng Tây Bắc cao hơn vùng Đồng bằng sông Hồng ở hầu hết các nhóm hàng, đặc biệt là các nhóm hàng may mặc, vật liệu xây dựng, giao thông, và thiết bị đồ dùng gia đình… với mức giá bình quân cao hơn từ 2%-9%.

Mức độ “đắt đỏ” ở vùng Tây Bắc đang có xu hướng ngày càng tăng, từ 104,48% so với giá bình quân của vùng Đồng bằng sông Hồng năm 2010 lên 108,81% năm 2014. Trong 11 nhóm hàng, số hàng ở vùng Tây Bắc “đắt” hơn vùng Đồng bằng sông Hồng cũng gia tăng theo thời gian (số lượng nhóm hàng “đắt” hơn là 7 nhóm năm 2010, 8 nhóm ở cả hai năm 2011 và 2012, 9 nhóm năm 2013 và 10 nhóm năm 2014).

Chỉ số SCOLI là chỉ số được tính toán dựa trên giá của 1.581 mặt hàng từ điều tra giá tiêu dùng 3 kỳ/tháng của 12 tháng trong năm tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

So sánh các tỉnh, thành với Hà Nội trong giai đoạn 2010-2014 cho thấy, các tỉnh vùng Tây Bắc có mức giá cao ở các nhóm lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng và nhóm giao thông, do vậy chỉ số SCOLI của các tỉnh này thường đứng vị trí thứ 2, 3, 4 trong cả nước.

Riêng nhóm giao thông các tỉnh vùng Tây Bắc luôn cao hơn Hà Nội 2%-8%.

Nhưng, mức giá chưa đi cùng chất lượng cuộc sống

Theo Chỉ số SCOLI, Tây Bắc là vùng có mức sống đắt đỏ nhất nước, trong khi đây là vùng nghèo nhất cả nước. Hiện 14 tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc còn 32 huyện nằm trong danh sách 62 huyện nghèo của cả nước thực hiện Nghị quyết số 30a của Chính phủ. Trong đó, các tỉnh Sơn La, Lai Châu mỗi tỉnh có từ 5 - 7 huyện nghèo. Như vậy, người dân vùng Tây Bắc vốn đã nghèo khó lại phải mua hàng với giá cao, cuộc sống của họ vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, đây cũng là vùng có GDP/người thấp, bằng trên dưới 50% mức trung bình cả nước, thấp nhất trong tất cả các vùng. Giá sinh hoạt đắt đỏ càng làm cho đời sống của người dân nơi đây khó khăn.

Một trong những yếu tố tác động đến mức giá của các mặt hàng thiết yếu khác trong vùng này là Chi phí lưu thông cao (thể hiện qua chỉ số nhóm giao thông của vùng Tây Bắc cao hơn cả nước 2%-4% ở tất cả các năm).

Điều này đặt ra bài toán cho Chính phủ, các bộ, ngành liên quan trong việc thực thi chính sách an sinh xã hội đối với Vùng. Đặc biệt là việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, giảm chi phí vận tải sao cho mức giá hàng hóa đến tay người dân là thấp nhất./.