Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm cần được kiểm soát chặt
Hiện nay, tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; sử dụng chất cấm trong chế biến thực phẩm, trong chăn nuôi... diễn biến rất phức tạp, gây nguy hại cho sức khỏe người dân, tác hại nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp, thương hiệu quốc gia, thất thu ngân sách nhà nước.
Trước tình hình trên, ngày 10/12/2015, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo số 397/TB-VPCP về ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan và chính quyền các địa phương phải thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 41/NQ-CP, ngày 09/06/2015 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; củng cố lực lượng, phương tiện, hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật, đề cao trách nhiệm, phấn đấu tạo được chuyển biến căn bản trong công tác đấu tranh phòng, chống sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sử dụng chất cấm trong chế biến thực phẩm, trong chăn nuôi.
Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Thủ tướng yêu cầu chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý về phân bón hữu cơ, phân bón khác, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi trong phạm vi cả nước. Kiểm soát chặt chẽ việc cấp chứng nhận chất lượng phân bón hữu cơ, phân bón khác, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm trong việc cấp phép chứng nhận quản lý phân bón trong thời gian vừa qua.
Bên cạnh đó, phối hợp với Ban chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; công khai kết quả xử lý.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tăng cường tuyên truyền, thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nhận biết rõ về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y giả, kém chất lượng và không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; công khai các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thức ăn chăn nuôi giả, kém chất lượng. Công bố Đường dây nóng tiếp nhận phản ánh vi phạm về quản lý, sản xuất kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản.
Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đề xuất cơ chế hỗ trợ kinh phí trong việc kiểm tra, giám định, kiểm định, kinh phí lưu giữ và xử lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi giả, kém chất lượng, không được phép sử dụng bị thu giữ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan tổng hợp, báo cáo về công tác phòng, chống sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trên toàn quốc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quí I/2016.
Đối với Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng yêu cầu chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phân bón vô cơ; khẩn trương xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón vô cơ để tăng cường quản lý chất lượng phân bón trong phạm vi cả nước. Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn, chủ động tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường; phát hiện, xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi không đủ điều kiện, không có giấy phép; tiếp tục tổ chức để các cơ sở sản xuất, kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng và xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp sai phạm.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an chủ động phát hiện, ngăn chặn và điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản giả, nhập lậu không rõ nguồn gốc, không được phép sử dụng; buôn bán, vận chuyển, sử dụng chất cấm trong chế biến thực phẩm, trong chăn nuôi. Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì chuyển xử lý hình sự.
Bình luận