Ông Joe Biden phát biểu rằng, nếu có mối đe dọa tồn vong nào với nhân loại mà nguy hiểm hơn cả chiến tranh hạt nhân, thì đó là trái đất nóng lên 1,5⁰C trong vòng 10-20 năm tới [1]. Ông tái khẳng định mối nguy hiểm rình rập loài người này: “Đó sẽ là vấn nạn thực. Không có cách nào né tránh cả.”

Có lẽ lời phát biểu này của Tổng thống Joe Biden ở Hà Nội đã được tiếp lực bằng dữ liệu công bố mới nhất của cơ quan khí hậu Copernicus Climate Change Service thuộc Liên minh châu Âu (EU) với nội dung: Trái đất đã có 3 tháng liên tiếp đạt kỷ lục về nhiệt độ bình quân trong toàn bộ lịch sử dữ liệu [2].

Sự nhấn mạnh về “phương tiện” trong phát biểu của Tổng thống Joe Biden tại Hà Nội

Bản đồ phân bố nhiệt độ tháng 7/2023 (dữ liệu NASA dẫn theo [2])

Hiện nay, các nghị sự lớn tầm toàn cầu đều đã thừa nhận thế giới sẽ phải huy động khẩn cấp những nguồn lực nhiều mặt (nhân tài, vật lực, thiết bị, tri thức, thông tin, tiền bạc) cho cuộc chiến chống khủng hoảng khí hậu, mà theo các nhà nghiên cứu đang xảy ra với tốc độ nhanh hơn dự báo. Cuộc chiến này cũng bộc lộ nhược điểm của sự bất bình đẳng kinh tế, quan hệ phụ thuộc, giữa các nước giàu và nước nghèo tới mức độ xét ở một nghĩa nào đó nhiều vùng nghèo đang “tài trợ” cho các nước giàu.

Vì thế, ông Joe Biden đã nói tới tầm quan trọng của việc các nước giàu chung tay hỗ trợ nước nghèo để chuẩn bị và thích ứng với những hậu quả của biến đổi khí hậu [1]. Tầm quan trọng của tài chính với bảo tồn sinh thái khí hậu là vấn đề không giới hạn trong tài chính, kinh tế, mà liên đới tới hệ thống các yếu tố văn hóa-nhân văn [3]. Với các nước giàu, thực lực kinh tế được hỗ trợ bởi tích lũy của cải, hệ thống doanh nghiệp mạnh. Đây là cơ sở quan trọng để có thể xây dựng và thực thi những chuyển biến lớn về định hướng bền vững môi sinh [4]. Tuy nhiên, các nước nghèo không có sẵn nguồn “phương tiện” có tên gọi “tài lực” này, vì việc đảm bảo các cân đối vĩ mô ở mức vừa đủ an toàn đã là một nỗ lực rất lớn khi phải đối mặt với thâm hụt ngân sách, lạm phát, cạn kiệt tài nguyên và cạnh tranh kinh tế toàn cầu [5]. Cụ thể như châu Phi hiện tại, rủi ro rất lớn đến từ việc ách tắc huy động và giải ngân cho cam kết 100 tỷ USD/năm, khiến cho nền kinh tế châu lục này vốn đã thiếu thốn sẽ có thể mất đi hàng ngàn tỷ USD trong thập kỷ tới [6].

Trong cuộc tiếp đón Tổng thống Joe Biden ngày 11/9 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nêu rõ quá trình hợp tác chiến lược với Hoa Kỳ sẽ gắn liền với nghị sự chuyển đổi hài hòa lợi ích chiến lược với môi trường:

“[...] Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đến Đối tác chiến lược toàn diện; cũng như sự cam kết về vốn, khoa học công nghệ và đào tạo nhân lực chất lượng cao của cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ trong hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển xanh, nhanh, bền vững và bao trùm.” [7]

Trên thực tế, các điều kiện về nguồn phương tiện tài lực đã sớm được các lãnh đạo nhìn thấy, và quan hệ đối tác chiến lược sẽ luôn cần giải quyết mối tương quan các nguồn lực hài hòa, để đạt trạng thái mà Thủ tướng nêu lên là: “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” [7].

Nguyên lý hài hòa-chia sẻ này được Tổng thống Joe Biden phát biểu bằng một cách khác, trực diện, trong phát ngôn của ông với báo giới ngày 10/9/2023 tại Hà Nội:

“Nếu chúng ta có năng lực kinh tế, chúng ta - những quốc gia có phương tiện cần sát cánh bên nhau và cung cấp giúp đỡ đến cho các nước không có phương tiện để thực thi - phương tiện kinh tế và phương tiện hạ tầng.”

Chính xác “phương tiện” kinh tế và hạ tầng chính là những điều kiện căn bản mà các quốc gia nghèo hơn, đang thấy rõ hậu quả của khủng khoảng khí hậu gia tăng, thiếu thốn nhất.

*Ghi chú: bài đóng góp từ chương trình nghiên cứu môi sinh AISDL.

Tài liệu tham khảo

[1] Clifford, C. (2023, Sept. 11). Biden says global warming topping 1.5 degrees in the next 10 to 20 years is scarier than nuclear war. https://www.cnbc.com/amp/2023/09/11/biden-global-warming-even-more-frightening-than-nuclear-war.html

[2] Gabay, A. (2023, Sept. 7). This was the hottest summer ever recorded on Earth. https://www.livescience.com/planet-earth/climate-change/this-was-the-hottest-summer-ever-recorded-on-earth

[3] Nguyen, M. H., & Jones, T. E. (2022). Building eco-surplus culture among urban residents as a novel strategy to improve finance for conservation in protected areas. Humanities and Social Sciences Communications, 9, 426. https://www.nature.com/articles/s41599-022-01441-9

[4] Vuong, Q. H. (2021). The semiconducting principle of monetary and environmental values exchange. Economics and Business Letters, 10(3), 284-290. https://reunido.uniovi.es/index.php/EBL/article/view/15872

[5] Chính, P. M., & Hoàng, V. Q. (2009). Kinh tế Việt Nam: Thăng trầm và đột phá. Nxb Chính trị quốc gia.

[6] Cường, N. P. K. (2023, Sept. 12). Thiếu thốn tài chính đang là rào cản trong công cuộc chống khủng hoảng khí hậu tại châu Phi. https://kinhtevadubao.vn/thieu-thon-tai-chinh-dang-la-rao-can-trong-cong-cuoc-chong-khung-hoang-khi-hau-tai-chau-phi-27021.html

[7] Văn, T. (2023, Sept. 11). Đổi mới sáng tạo là chìa khóa để mở cửa tương lai Việt Nam - Hoa Kỳ. https://kinhtevadubao.vn/doi-moi-sang-tao-la-chia-khoa-de-mo-cua-tuong-lai-viet-nam-hoa-ky-27017.html