Sửa đổi Luật Thuế XNK để khuyến khích sản xuất, kinh doanh trong nước
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, sáng 21/10/2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình về dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) trước Quốc hội.
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, dự thảo Luật sẽ sửa đổi, bổ sung một số nội dung lớn như sau:
Một là, nhóm vấn đề về khuyến khích phát triển và bảo hộ hợp lý sản xuất kinh doanh trong nước phù hợp định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước và các cam kết quốc tế đã ký kết.
Hai là, nhóm vấn đề sửa đổi, bổ sung để góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, thống nhất với văn bản pháp luật liên quan; đồng thời khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật thuế XNK hiện hành.
Ba là, nhóm vấn đề sửa đổi, bổ sung để phù hợp với các cam kết quốc tế và điều ước quốc tế về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
Bốn là, nhóm vấn đề sửa đổi, bổ sung nhằm đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho người nộp thuế; góp phần thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Cụ thể, Luật sẽ sửa đổi nhóm vấn đề về khuyến khích phát triển và bảo hộ hợp lý sản xuất kinh doanh trong nước phù hợp định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước và các cam kết quốc tế đã ký kết. Luật sẽ bổ sung một số nội dung quy định về thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, thuế tự vệ trên cơ sở kế thừa, nâng cấp một số quy định của các Pháp lệnh liên quan; Sửa đổi nguyên tắc ban hành Biểu thuế, thuế suất; Sửa đổi về thẩm quyền ban hành Biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Biểu Khung thuế xuất khẩu…
Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan để phù hợp với các cam kết quốc tế và điều ước quốc tế về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Trong đó, bổ sung quy định về áp dụng thuế xuất khẩu đối với trường hợp có hàng hóa xuất khẩu sang nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi về thuế xuất khẩu để phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế với các cam kết liên quan đến thuế xuất khẩu, như: TPP, Việt Nam - EU; Bổ sung quy định về áp dụng thuế suất đối với hàng hóa từ khu phi thuế quan xuất khẩu vào thị trường nội địa đáp ứng các điều kiện về xuất xứ thì được áp dụng theo mức thuế suất ưu đãi tương ứng….
Trình bày báo cáo Thẩm tra về dự án Luật Thuế XNK (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Tài chính Ngân sách tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế XNK.
Để phù hợp với Hiến pháp năm 2013, các luật chuyên ngành đã được Quốc hội sửa đổi, bổ sung và đáp ứng yêu cầu đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như việc thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, thì việc sửa đổi Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là cần thiết.
Về thẩm quyền ban hành biểu thuế, thuế suất (Điều 11), Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, hiện nay Việt Nam đã hội nhập sâu rộng trong nền kinh tế quốc tế, các quy định về thuế suất thuế nhập khẩu được thực hiện theo các hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết, dự kiến trong vòng 10 năm tới mức độ tự do hóa thương mại sẽ đạt 97%-98% số dòng thuế. Đồng thời, với danh mục hàng hóa xuất khẩu, thuế nhập khẩu là rất lớn (trên 10.400 dòng thuế) thì việc quy định ngay trong Luật về Danh mục và mức thuế suất là thiếu khả thi.
Do vậy, Ủy ban Tài chính Ngân sách nhất trí với Tờ trình của Chính phủ chỉ ban hành kèm theo Luật này, Biểu thuế xuất khẩu theo Danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế suất thuế xuất khẩu đối với từng nhóm hàng (gồm 45 nhóm được chuyển từ Biểu thuế xuất khẩu theo danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế suất đối với từng nhóm hàng ban hành kèm theo Nghị quyết 710/2008/NQ-UBTVQH12).
Bên cạnh đó, để bảo đảm xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sửa đổi, bổ sung Biểu thuế xuất khẩu theo Danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế suất thuế xuất khẩu đối với từng nhóm hàng ban hành kèm theo Luật này khi Chính phủ trình.
Về miễn thuế (Điều 16), dự thảo Luật quy định tới 24 khoản thuộc các ngành, lĩnh vực đã được miễn thuế, Ủy ban Tài chính Ngân sách cơ bản đồng tình với việc rà soát, bãi bỏ và bổ sung một số đối tượng được miễn thuế như Tờ trình của Chính phủ.
Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính Ngân sách thấy rằng, phạm vi miễn thuế như Dự thảo luật còn rộng. Do đó, đề nghị cần rà soát để đảm bảo phù hợp, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Hải quan...)./.
Bình luận